Ba điều ít người biết về viêm gan siêu vi C

Viêm gan siêu vi C âm thầm cướp đi tính mạng của hàng triệu người mỗi năm nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về căn bệnh này.
 

Hơn một triệu người chết mỗi năm vì viêm gan virus

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, trên thế giới có khoảng 170-200 triệu người bị nhiễm viêm gan siêu vi (A, B, C). Năm 2015, có gần 1,3 triệu người tử vong do virus viêm gan B và C và đang có chiều hướng gia tăng.

Siêu vi viêm gan C

Trong đó, Việt Nam là một trong số ba quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính cao nhất. Ước tính có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và một triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV.

Theo nghiên cứu của Hội Gan Mật Việt Nam, tỷ lệ nhiễm bệnh tùy thuộc vào địa lý và đối tượng song nguy cơ cao nhất là ở nhóm đối tượng nghiện hút ma túy. Ở Hà Nội, tỷ lệ nhiễm khoảng 4%, trong đó các thành phần nghiện ma túy bị nhiễm virus viêm gan C có thể lên đến 31%. Ở TP HCM, tỷ lệ nhiễm vào khoảng 3,2-4,2%, trong đó tỷ lệ những người nghiện ma túy bị nhiễm lên đến 96%.

Nguyên nhân khiến viêm gan siêu vi C gia tăng

GS Phạm Hoàng Phiệt, Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam cho rằng, phần đông người Việt có thói quen "phải bệnh mới khám bác sĩ" nên xem nhẹ việc khám tổng quát, tầm soát phòng ngừa. Điều này tạo môi trường cho những căn bệnh mạn tính như viêm gan siêu vi C phát triển. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh viêm gan siêu vi C khi quá muộn, bệnh đã chuyển thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Gan, Trung tâm Y khoa Medic cho biết, một nguyên nhân khác là do nhiều người suy nghĩ rằng đã tiêm vắc xin ngừa viêm gan B rồi thì sẽ không mắc các bệnh viêm gan khác.

"Thực tế, viêm gan siêu vi B và C hoàn toàn khác nhau. Nhiều người chỉ đi tầm soát, xét nghiệm viêm gan B, chứ không kiểm tra viêm gan C. Đây là một nhầm tưởng tai hại về bản chất, bởi viêm gan C khó loại trừ tự nhiên ra khỏi cơ thể như viêm gan B, nhưng lại diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng", bác sĩ Thủy cho biết thêm.

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc thử và xét nghiệm viêm gan C do tác động từ những chiến dịch tuyên truyền nhưng chủ yếu chỉ tập trung ở các thành phố lớn, còn các vùng thông thôn, vùng sâu, vùng xa cho người nghèo vẫn còn yếu.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của người bệnh không đủ sức theo đuổi phác đồ điều trị khá đắt đỏ. Nhiều trường hợp có bệnh nhưng vì quá nghèo nên đã bỏ lơ việc điều trị hoặc điều trị không tới nơi tới chốn dẫn đến bệnh nặng hơn và tử vong.

BS Phạm Thị Thu Thủy cũng khuyến cáo việc coi nhẹ quá trình điều trị bệnh viêm gan siêu vi C sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Trong quá trình điều chị, chị cũng gặp nhiều trường hợp đáng tiếc. Nhiều bệnh nhân bỏ ngang việc điều trị vì không thấy sự nguy hiểm của bệnh, khiến bệnh trở nặng, chuyển thành xơ gan, ung thư gan.

Nguy cơ ung thư gan từ viêm gan C

Viêm gan C có nguy cơ cao gây ra bệnh viêm gan mạn tính, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây ra ung thư gan, chỉ sau viêm gan B. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về căn bệnh này.

Theo bác sĩ Thu Thủy, nhiều người lầm tưởng rằng viêm gan siêu vi B lâu ngày sẽ chuyển biến thành viêm gan siêu vi C, song đây lại là hai loại virus khác nhau.

Thông thường, những người mắc bệnh viêm gan siêu vi B ở tuổi còn nhỏ, 90% sẽ chuyển thành nhiễm mạn tính nhưng nếu nhiễm ở tuổi trưởng thành, cơ thể sẽ có thể loại trừ siêu vi khỏi cơ thể, chỉ còn 10% có thể mang siêu vi mạn tính. Tuy nhiên, một khi nhiễm viêm gan siêu vi C, 80% sẽ trở thành mạn tính, khó có thể loại trừ siêu vi khỏi cơ thể.

Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt, Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, nhấn mạnh, viêm gan siêu vi C là một căn bệnh có thể gây tử vong với tỷ lệ 20-40% nhưng người dân không thể biết được mình đang mắc bệnh.

Hầu hết trường hợp nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C không có triệu chứng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn sớm, chỉ có 20% là có dấu hiệu vàng da. Sự âm thầm của viêm gan siêu vi C mạn tính còn được thể hiện qua việc không làm tăng men gan, khiến nhiều người chủ quan.

Song thực tế, trong khi men gan vẫn bình thường, 50-60% lá gan đã bị tổn thương do virus viêm gan C. Có nhiều trường hợp, sau khi phát hiện bệnh nhưng thấy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân đã bỏ lơ việc điều trị.

Khi phát hiện bệnh, điều quan trọng nhất là phải kiên trì theo đuổi phác đồ điều trị. Bởi theo bác sĩ Đỗ Thanh Bình, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, việc bỏ điều trị giữa chừng có thể dẫn tới một số hậu quả như phí phạm số tiền lớn đã bỏ ra, virus dễ nhờn thuốc và về lâu dài bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan, suy gan, thậm chí tử vong.

Trước thực trạng nguy cấp trên, Hội Gan Mật Việt Nam đã tổ chức chương trình "Yêu lá gan của bạn" tại TP HCM và Kiên Giang trong tháng 7 vừa qua, mang đến cho người dân, đặc biệt là những người nghèo tại vùng sâu, vùng xa những kiến thức cần thiết về bệnh viêm gan siêu vi C, cũng như tầm quan trọng của việc tầm soát và xét nghiệm bệnh kịp thời.

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/ba-dieu-it-nguoi-biet-ve-viem-gan-sieu-vi-c-3639518.html

/ Theo Huệ Chi/Vnexpress