Ba địa phương được cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị

Theo Thông tư 15, ba địa phương gồm TP.HCM, Quảng Ninh, Thái Nguyên được cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 15 về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.

Đáng chú ý, theo Thông tư 15, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm TP.HCM, Quảng Ninh, Thái Nguyên có đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị tổ chức sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng theo quy định.

Cục Đường sắt VN tổ chức sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng địa bàn các tỉnh, thành phố khác.

ba địa phương được cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị

Phân cấp UBND TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Nguyên sát hạch, cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, Thông tư 15 cũng quy định, kể từ ngày thông tư có hiệu lực, nếu Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chưa thực hiện được các nhiệm vụ quy định cần có văn bản đề nghị Cục Đường sắt VN tiếp tục thực hiện.

Kể từ ngày 1/1/2025, UBND tỉnh thực hiện việc sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho biết, hiện nay địa bàn TP.HCM và TP Hà Nội có các tuyến đường sắt đô thị; các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên có các đường sắt chuyên dùng đang khai thác.

Theo Quyết định 1015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, trong lĩnh vực đường sắt sẽ phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Cục Đường sắt VN về UBND cấp tỉnh (bao gồm 5 UBND: TP Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh) đối với cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, tỉnh phải đảm bảo các điều kiện liên quan như cơ sở vật chất...; đồng thời phải có ý kiến chi tiết đối với phương án phân cấp. Tỉnh nào đồng ý nhận phân cấp mới đưa vào quy định tại thông tư. Do vậy, hiện theo Thông tư 15 mới phân cấp cho ba địa phương là TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Nguyên.

Cũng liên quan đến các nội dung sửa đổi, ban hành mới tại Thông tư 15, lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho biết, đã quy định thêm các hình thức nộp hồ sơ trực tuyến hoặc không trực tuyến nhằm phù hợp với thực tiễn thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 4.

Đồng thời đơn giản hóa các thủ tục về sát hạch; quy định quy trình sát hạch chi tiết, các bước, thủ tục hồ sơ cần thực hiện; quy định cập nhật cơ sở dữ liệu...

Thông tư 15 quy định người được cấp giấy phép lái tàu phải đáp ứng các điều kiện.

Cụ thể, đối với lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác, phải có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo cấp.

Đồng thời, phải có thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục 24 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel), đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện), đầu máy hơi nước; 12 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái phương tiện chuyên dùng. Phải qua kỳ sát hạch và được hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu đánh giá đạt yêu cầu theo quy định.

Đối với lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam, Thông tư 15 quy định, ngoài điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, sát hạch như đối với lái tàu đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, người được cấp giấy phép phải có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp.

Hoặc có bằng hoặc chứng chỉ lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do tổ chức nước ngoài cấp qua quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ của dự án đường sắt đô thị.

 

 
 
 
 

https://www.baogiaothong.vn/ba-dia-phuong-duoc-cap-giay-phep-lai-tau-duong-sat-do-thi-d599142.html

 

Kỳ Nam / Giao thông