Về quê kỳ này, tôi tính nhất định phải tới thăm và mang thuốc cho bà Bốn, người bà con thân thuộc của gia đình mà tôi yêu quý.
Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Trung.
Bà Bốn là má vợ của chú tôi. Một người đàn bà nhỏ nhắn, nhưng lanh lẹ và nói chuyện có duyên lại hài hước nên lắm người mê. Có lẽ vì thế, từ xa xưa, bà đã có biệt danh “Chim sâu”.
Tôi nghe người lớn kể lại, bà được ba má gả chồng khi mới 17 tuổi. Chồng bà là một quân nhân. Cô dâu trẻ măng, xinh như chim sâu sánh đôi bên anh chồng cao lớn, cái đám cưới trong chiến tranh vừa ngồ ngộ lại hay hay.
Bà không yêu chú rể, thậm chí còn ghét. Bởi tự dưng đang chơi lò cò vui vẻ với mấy cô bạn hàng xóm thì phải đi lấy chồng, một người xa lạ, chỉ ghé nhà vài lần mà bây giờ bắt bà phải ngủ chung.
Bà bảo, sau khi cưới chồng, bà không phải làm dâu, ông Bốn ở rể. Một tháng hoặc cuối tuần ông mới về thăm bà. Tới giờ đi ngủ, bà đều nấn ná ở bên ngoài, ba má bà biết ý nên tắt hết đèn. Không biết làm gì, bà đành chui vào cái phòng nhỏ xíu, vách đất, kê cái giường tre thấp hơn đầu gối của bà. Bà vào sau nhưng được nằm trên giường còn ông nằm dưới đất. Bà luôn đe dọa dù nhỏ hơn ông gần chục tuổi: “Trèo lên giường là tui đạp bể bụng”. Đáp lại thái độ có phần hung dữ pha chút trẻ con của bà là hơn hai năm ông hết sức bình thản, nhẹ nhàng. Mỗi lần về phép, ông thường mang cho bà khi thì tấm vải, khi cái kẹp tóc, chiếc lược… Những món quà ông tặng, bà nguýt dài, không thèm nhận, chất đống. Ông thấy cả nhưng chỉ cười tươi.
Một ngày mưa, nền đất ướt nhẹp, ông trải tấm bạt nhựa ra nằm. Bà động lòng, bảo ông trèo lên giường mà ngủ. Nằm bên cạnh, ông rủ rỉ cho ông “trèo” lên người. Bà im lặng. Đấy là lần đầu tiên chiếc giường tre trong căn buồng nhỏ của vợ chồng bà biết kêu cót két.
Sau đêm đó, bà bắt đầu tựa cửa ngóng ông về. Bà nhớ dáng người cao ráo, khuôn mặt chữ điền hiền lành của ông. Trong người bà có điều gì đó khang khác. Bà hay buồn ngủ, lòng dạ hay nôn nao, nhìn cơm lại chẳng muốn ăn.
Một cái cuối tuần, hai cái cuối tuần, đến cái cuối tuần thứ năm thì trên báo về ông trúng đạn, mời bà lên nhận xác. Bà mặc cái áo lụa trắng may từ tấm vải ông mang về. Bà khóc thành tiếng đúng một lần khi người ta đẩy ông ra trên tấm băng ca. Lần đầu tiên, bà chủ động ôm ông, máu ướt hết ngực áo bà. Ngày đưa tang ông, nhiều người trách bà rằng chồng mất mà không một tiếng khóc. Bà chỉ im lặng. Người ta nói nhiều quá, bà bảo: “Mất chồng này lấy chồng khác. Khóc lóc kêu gào rồi năm sau ưng chồng khác, người ta cười cho”.
Rồi đằng đẵng gần 50 năm, bà Bốn ở vậy, nuôi đứa con gái duy nhất của ông bà và chăm những đứa cháu.
Lần cuối cùng tôi gặp bà là khi bà vào Sài Gòn khám ung thư vú. Bệnh bà đã ở cuối giai đoạn 3. Bà từ chối điều trị. Đứa cháu gái tìm hiểu thông tin trên mạng, rụt rè: “Nhóm phụ nữ không có gia đình hoặc hiếm con có khả năng mắc ung thư vú cao. Giá hồi đó bà đi bước nữa và sinh nhiều con...”. Bà gõ đầu đứa cháu vừa tốt nghiệp đại học, cười tươi rói: “Đã đến lúc bà đi gặp ông, dù sự chuẩn bị cho cuộc gặp có hơi đau nhưng bà ổn. Bà vẫn mơ thấy ông vào những ngày đặc biệt, mà ông đợi bà cũng đã quá lâu”.
Người phụ nữ một đời nhẫn nại vậy là đã ra đi. Tôi đã về quá chậm, và dù biết trước, vẫn sững sờ.
Tiếng harmonica trên cánh đồng của người cựu binh Mỹ Giữa cánh đồng mênh mông ở Tiền Giang, nơi ông và đồng đội cùng chiến đấu gần nửa thế kỷ trước, Mike run rẩy cầm ... |
The Vietnam war – vẫn “cái nhìn Mỹ” Những ngày vừa qua, một bộ phim đã thu hút sự quan tâm của không ít người Việt Nam, “The Vietnam war” (Chiến tranh Việt ... |