- Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo các nền kinh tế ASEAN tăng trưởng chậm lại
- ASEAN và Trung Quốc làm việc về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)
Không chỉ quan tâm và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ASEAN và Trung Quốc đang có những bước đi nhằm cụ thể hóa mối quan hệ này thành những kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Bước tiến lịch sử trong lĩnh vực kinh tế - thương mại
Ủy ban hợp tác chung ASEAN-Trung Quốc (JCC) vừa kết thúc cuộc họp lần thứ 24 tại Jakarta, Indonesia. Đại diện thường trực Myanmar tại ASEAN Aung Myo Myint và Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hou Yanqi đồng chủ trì cuộc họp, với sự tham dự của đại diện thường trực các nước thành viên ASEAN và Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị - An ninh Michael Tene. Tại cuộc gặp, cả hai bên đều tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ vào năm 1991 và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào tháng 10-2003. Sau 30 năm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, quan hệ ASEAN - Trung Quốc tiếp tục được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11-2021 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên.
Theo đó, hợp tác sẽ được thúc đẩy toàn diện, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa - xã hội, giao lưu nhân dân, hợp tác phát triển, đồng thời tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực, đẩy mạnh nỗ lực chung cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu và khu vực.
Nhìn lại những tiến triển hợp tác không ngừng trong những năm vừa qua, nhất là khi quan hệ được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, cuộc họp lần thứ 24 của JCC tại Jakarta cho rằng hợp tác hai bên đã có nhiều tiến bộ đáng chú ý, nhất là trong các lĩnh vực thuộc Kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 và Phụ lục nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc (CSP).
Đặc biệt, nhiều kết quả cụ thể được ghi nhận trong đối thoại và hợp tác chính trị, an ninh phi truyền thống, thương mại và đầu tư, thực phẩm và nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng, kinh tế số, du lịch, giáo dục, y tế công cộng, văn hóa và thông tin, truyền thông, môi trường và phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, hợp tác ASEAN - Trung Quốc được đánh giá là có “bước tiến lịch sử”. Kể từ năm 2009, Trung Quốc duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Trong khi đó, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc từ năm 2020 đến nay. Năm 1991, khi Trung Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 7,96 tỷ USD.
Tháng 1-2010, khi hai bên xây dựng xong Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA), kim ngạch thương mại song phương đã gấp 37 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, đạt mức 292,78 tỷ USD. Đến năm 2020, con số này là 684,6 tỷ USD, tức là đã tăng 85 lần trong vòng 30 năm qua. Năm 2021, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN vẫn đạt 669 tỷ USD.
Hiện nay, những sản phẩm mang tính nhận diện của các nước ASEAN như cà phê trắng của Malaysia, xoài sấy của Thái Lan, thanh long của Việt Nam… đã không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng Trung Quốc và ngày càng dễ dàng đến với người tiêu dùng Trung Quốc thông qua các nền tảng mua sắm trực tuyến. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có gần 1.500 nông sản và thực phẩm từ 10 nước ASEAN có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đánh giá về quan hệ Trung Quốc - ASEAN 30 năm qua, nghiên cứu viên Hứa Lợi Bình thuộc Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu Trung Quốc cho biết kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, 20 năm đã trôi qua. 10 năm đầu (2003-2013) đã được cộng đồng quốc tế gọi là “thập kỷ vàng.” Hai bên đã thiết lập được “con đập vững chắc” cho mối quan hệ tin cậy lẫn nhau về chính trị, cùng có lợi về kinh tế và láng giềng hữu nghị tốt đẹp.
10 năm sau đó là “thập kỷ kim cương”. Lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN không ngừng đi sâu, chất lượng hợp tác không ngừng nâng cao, phạm vi hợp tác không ngừng mở rộng. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã giúp Trung Quốc và ASEAN mở rộng hợp tác khu vực và thúc đẩy hợp tác toàn diện ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trợ lực mới từ ACFTA phiên bản 3.0
Để quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc đi vào thực chất hơn, có ý nghĩa hơn và cùng có lợi, cuộc họp lần thứ 24 của JCC tại Jakarta cho rằng cần tập trung vào một số lĩnh vực, như tăng cường Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), kết nối, kinh tế số, thương mại điện tử, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Về hợp tác cụ thể trong năm 2023, hai bên đã thảo luận về chủ đề hợp tác năm nay “Năm phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực ASEAN - Trung Quốc,” ghi nhận đề xuất của Trung Quốc về các dự án và hoạt động sẽ được tiến hành trong cả năm nhằm góp phần xây dựng một khu vực bền vững và tự cường hơn. Với việc các chính sách và biện pháp chống đại dịch đã được nới lỏng tại các nước ASEAN và Trung Quốc, hai bên cho rằng cần khôi phục và tăng lượng khách du lịch hai chiều cũng như trao đổi thanh niên và sinh viên.
Liên quan đến kế hoạch dài hạn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ này đi vào chiều sâu hơn nữa, góp phần tạo ra bước nhảy vọt mang tính lịch sử trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế trong khu vực.
Việc xây dựng ACFTA được khởi động từ năm 2000. Đến năm 2010, phiên bản ACFTA 1.0 chính thức ra đời với kết quả là hơn 90% mặt hàng chịu thuế của hai bên được hưởng thuế quan bằng 0 trong thương mại hàng hóa. Năm 2019, ACFTA chính thức nâng cấp lên phiên bản 2.0.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc diễn ra tháng 11-2022, hai bên tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp ACFTA lên phiên bản 3.0.
Theo đó, ACFTA 3.0 là “trợ lực mới” cho sự phát triển kinh tế của cả Trung Quốc và ASEAN, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng quan hệ song phương chặt chẽ hơn, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong thực thi RCEP, phát huy vai trò đổi mới, thúc đẩy mở cửa và hợp tác khu vực RCEP, từ đó thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư nhiều hơn vào khu vực thương mại tự do này. Ngày 7-2 vừa qua, vòng đám phán đầu tiên về ACFTA 3.0 chính thức bắt đầu, các quan chức Trung Quốc và các nước ASEAN đã đi sâu thảo luận về trình tự, quy tắc, chương trình tiến hành đàm phán và kế hoạch công tác, tiến tới đề ra thời gian biểu và lộ trình cho cả quá trình đàm phán sau này.