ASEAN nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán người

Trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán người, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 vừa diễn ra tại Indonesia đã thông qua Tuyên bố về chống buôn người và lừa đảo trực tuyến.

ASEAN nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán người  ảnh 1

Các nhà lãnh đạo ASEAN dự Hội nghị cấp cao lần thứ 42

Nô lệ hiện đại trong các hoạt động lừa đảo

Tội phạm buôn người là một trong những vấn đề được Indonesia đưa ra bàn thảo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42. Các nhà lãnh đạo ASEAN đều rất quan tâm vấn đề tội phạm buôn người, nhất là trong bối cảnh các vụ buôn người xảy ra ngày càng nhiều ở Đông Nam Á với những phương thức lừa đảo sử dụng công nghệ thông tin. Trong Tuyên bố về chống buôn người và lừa đảo trực tuyến, các nước ASEAN cam kết tăng cường các nỗ lực trong khu vực để xác định nạn nhân bị buôn bán hoặc nạn nhân tiềm năng; thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các văn kiện hiện có của ASEAN liên quan đến chống buôn người nhằm duy trì sự phù hợp và khả năng thích ứng của ASEAN trước các thách thức; khuyến khích thiết lập tiêu chuẩn bảo vệ tối thiểu ở cấp khu vực cho các nạn nhân của nạn buôn người.

Những năm gần đây, nổi lên tình trạng mua bán người thông qua phương thức đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang các nước châu Âu. Theo số liệu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do tác động của các hoạt động khủng bố, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia. Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng hơn 500 đường dây mua bán người trên thế giới. Có tới 152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán.

Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam, bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực này lên tới hàng chục tỷ USD/năm. Theo cảnh báo của các cơ quan thực thi pháp luật, tội phạm buôn người và lừa đảo qua mạng đang trở thành vấn đề nổi cộm trong khu vực Đông Nam Á. Nạn nhân bị những kẻ buôn người lừa đến một số quốc gia, bị cưỡng ép lao động và thực hiện các hoạt động lừa đảo qua mạng.

Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đảo lộn càng tạo môi trường lý tưởng cho hoạt động buôn người ở khu vực Đông Nam Á. Những kẻ buôn người đã tranh thủ sự khó khăn về kinh tế của nhiều người trong bối cảnh đại dịch, trong khi các chính phủ phải tập trung nguồn lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế. Theo báo cáo của tổ chức Sáng kiến toàn cầu về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tại các trung tâm casino nổi tiếng của Đông Nam Á, sự sụt giảm mạnh khách du lịch do Covid-19 đã thúc đẩy một hiện tượng tội phạm có tổ chức mới đáng báo động - Nô lệ hiện đại trong các hoạt động lừa đảo qua mạng.

Tất cả bắt đầu với một lời chào mời việc làm hấp dẫn, được trả lương cao tại một quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan hay Myanmar. Những người nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy, được mua vé máy bay, nhưng khi đến quốc gia họ đã chọn thì bị tịch thu hộ chiếu. Nạn nhân sau đó bị trói buộc vào các hợp đồng lao động 6 tháng và bị nói rằng chi phí chi cho họ đã hết hàng nghìn USD, từ đó trói buộc họ vào nợ nần. Các khoản nợ này sẽ tiếp tục tăng lên nếu họ không hoàn thành các định mức công việc cao ngất ngưởng được giao. Họ được tạo các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội và một danh sách các cá nhân mà họ phải lừa để đầu tư như tiền ảo hoặc vàng. Những nạn nhân này còn bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, đồng thời bị dụ dỗ, ép buộc tìm thêm những người mới.

Việt Nam quyết liệt đấu tranh với tội phạm mua bán người

Đứng trước thách thức của tội phạm mua bán người, các nước ASEAN đều xác định tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở từng nước nói riêng và bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và phát triển khu vực nói chung.

 

Trong Tuyên bố về chống buôn người và lừa đảo trực tuyến vừa được thông qua, các nước ASEAN một lần nữa khẳng định nhu cầu thúc đẩy phản ứng gắn kết và ngay lập tức của ASEAN trong việc giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai phát sinh từ việc lạm dụng công nghệ, tận dụng tối đa các công nghệ mới và đang phát triển. Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua các cơ chế khu vực và sáng kiến khác nhau của ASEAN; sử dụng các công cụ công nghệ; chia sẻ kinh nghiệm; trao đổi thông tin; tiến hành diễn tập, tác chiến phối hợp; cũng như tiến hành điều tra chung để ngăn chặn loại hình tội phạm này. Các nước ASEAN cũng cam kết tăng cường hợp tác chung trong lĩnh vực quản lý biên giới, phòng ngừa, điều tra, thực thi pháp luật và truy tố, bảo vệ, hồi hương, hỗ trợ như phục hồi và tái hòa nhập các nạn nhân; nâng cao khả năng phòng ngừa quốc gia thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và hệ thống thanh tra lao động, tăng cường kiểm soát xuyên biên giới và quản lý di cư, đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ tiên tiến.

Với các nạn nhân của nạn buôn người, các nước ASEAN nhất trí cung cấp phản ứng và hỗ trợ ngay lập tức, bao gồm cải thiện các kênh phối hợp và liên lạc để trao đổi thông tin, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ pháp lý, hợp tác với các mạng lưới thực thi pháp luật trong khu vực; đồng thời tăng cường tương trợ tư pháp trong các vụ việc liên quan đến buôn người, thực hiện hiệu quả Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự (AMLAT).

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh với tội phạm mua bán người. Bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người. Trong đó, tập trung ngăn chặn mua bán người trong lĩnh vực việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép.

Nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tội phạm buôn bán người đã được áp dụng, trong đó có việc triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và Luật Phòng, chống mua bán người. Theo quyết định của Chính phủ, ngày 30-7 hàng năm được chọn là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường hợp tác với phía nước ngoài trong việc xác minh, xác định bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Bộ Ngoại giao đã kịp thời chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phát hiện các xu hướng mua bán người và các vấn đề liên quan đến công dân để có biện pháp xử lý nhanh chóng, nhất là trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân, qua đó hỗ trợ công tác truy tố, xét xử ở trong nước. Việt Nam cũng quan tâm, xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo các khuyến nghị của phía nước ngoài liên quan đến phòng, chống mua bán người. Nhiều nội dung khuyến nghị đã đưa được vào Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đối với hợp tác quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế về hợp tác phòng, chống mua bán người.

https://www.anninhthudo.vn/asean-no-luc-ngan-chan-nan-buon-ban-nguoi-post539537.antd

 
Hoàng Sơn / ANTD