Áp Tết, thăm giàn khoan khai thác dầu khí ở nơi cấu tạo địa chất nóng 150 độ C

Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch Mộc Tinh đang được coi là "con gà đẻ trứng vàng" cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có rất nhiều những dự án lớn, những công trình kỳ vĩ đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế quốc gia. Trong đó phải kể đến hai dự án đó là Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh và Đại Hùng 01.

Đây được coi là hai dự án tiêu biểu cho lòng yêu nước, trí tuệ và nội lực của người dầu khí Việt Nam.

Chuẩn bị đón Tết năm nay, Chủ tịch PVN – Hoàng Quốc Vượng cùng Thành viên HĐTV Phan Ngọc Trung, Chủ tịch Công đoàn Nghiêm Thùy Lan, ông Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc BIENDONG POC cùng một số cán bộ chủ chốt khác của Tập đoàn đã ra thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân viên ngoài giàn khai thác Hải Thạch-Mộc Tinh và Đại Hùng 01.

Trong đoàn có hai nhân vật đặc biệt đó là anh Trần Hồng Nam – nguyên Tổng giám đốc BIENDONG POC, người đã tham gia thực hiện dự án từ những ngày đầu tiên, đã hơn 4 năm kể từ khi anh chuyển sang làm Chủ tịch Tổng công ty Thăm dò, Khai thác dầu khí (PVEP), nay mới có dịp trở lại. Và một nhạc sĩ tài danh Trương Quý Hải, người cựu chiến binh ở mặt trận Vị Xuyên năm 1984.

Cho đến ngày hôm nay, dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch Mộc Tinh đang được coi là "con gà đẻ trứng vàng" cho tập đoàn dầu khí. Khoảng 5 năm nay, dự án này cho ngân sách quốc gia trên dưới 1 triệu đô/ngày.

Nhưng điều làm nên " kỳ tích" ở dự án này là khai thác khí và dầu trong cấu tạo địa chất phức tạp nhất trên thế giới với áp suất khí hơn 80 áp mốt phe và nhiệt độ trên 150 độ. Trên thế giới, với những mỏ như thế này hầu như không có hãng dầu khí nào dám làm bởi độ rủi ro quá lớn. Tuy nhiên khi tập đoàn BP rút khỏi dự án sau khi đã mất 9 năm nghiên cứu với hơn 500 triệu USD và chuyển giao toàn bộ tài liệu thăm dò, nghiên cứu cho PVN với khoảng hơn 4 tấn hồ sơ thì PVN đã quyết tâm lao vào làm và chúng ta đã thành công rực rỡ.

Áp Tết, thăm giàn khoan khai thác dầu khí ở nơi cấu tạo địa chất nóng 150 độ C - 1
Chào cờ trên giàn Hải Thạch-Mộc Tinh.

Đây là công trình trên biển lớn nhất của PVN tính cho đến tháng 9 năm 2020 gồm hai giàn khai thác và một trung tâm xử lý khí với khối lượng sắt thép khoảng trên 20 ngàn tấn.

Điều làm nên kỳ tích nữa là dự án này hoàn toàn do người thợ dầu khí Việt Nam thiết kế, mua sắm thiết bị; chế tạo, lắp đặt và vận hành.

Đã có nhiều trang viết về dự án này và tôi cũng đã đi ra giàn này nhiều lần kể từ khi còn đang lắp đặt.

Giàn Hải Thạch Mộc Tinh nằm ở vị trí xa đất liền nhất so với tất cả các giàn của PVN hiện nay. Từ Vũng Tàu bay ra giàn bằng trực thăng phải hết 1 tiếng 45 phút.

Trưởng giàn Nguyễn Thanh Tĩnh, người được đề bạt làm trưởng giàn khi tuổi đời mới có 32 đã vui mừng báo cáo với Chủ tịch Tập đoàn và đoàn công tác là năm 2020, giàn đã khai thác khí và dầu condensate vượt mức kế hoạch, các chỉ tiêu tài chính đều đạt và vượt ở mức cao. Đặc biệt tính cho đến nay giàn Hải Thạch Mộc Tinh đã vận hành hơn 3 ngàn ngày an toàn tuyệt đối với hơn 3 triệu giờ công lao động mà không để xảy ra bất cứ một sự cố nào. Hiệu suất vận hành ở giàn luôn đạt từ 98,5 đến 99 phần trăm – đây là hệ số khai thác thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới.

Tổng Giám đốc BIENDONG POC cũng báo cáo với Chủ tịch HDTV Hoàng Quốc Vượng là đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón nhận những kế hoạch thăm dò, mở rộng mỏ, một khi được Tập đoàn phê duyệt.

Sau khi đi thăm giàn và nhận những chai dầu condensate còn nóng hổi được hút lên từ dưới đáy biển, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng đã xúc động biểu dương tập thể người lao động của Biển Đông POC và cũng bày tỏ lòng mong muốn là Biển Đông POC sẽ mãi là một điểm sáng tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí và nội lực của người dầu khí.

Chủ tịch xúc động đọc lại một bài thơ sáng tác trong một lần ra Trường Sa " Tổ quốc nhìn từ Trường Sa". Trong bài có những vần thơ rất hào sảng:

"…Tổ quốc nơi đây là những hòn đảo nhỏ

Giữa trùng khơi như những con tàu

Mong manh quá trước phong ba, bão tố

Trước tham tàn thế của lực ngoại bang

Tổ quốc nơi đây là những con người bé nhỏ

Giữa trùng khơi như những pháo đài

Súng chắc trong tay ngày đêm canh giữ

Từng tấc đất, biển, trời đẫm máu cha ông.

Tổ quốc nơi đây là ý chí, niềm tin

Không lùi bước trước hiểm nguy rình rập"

Bài thơ này đã được phổ nhạc và trở thành bài hát được anh em Hải quân và bộ đội ngoài quần đảo Trường Sa coi như môt. khúc quân hành

Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng cùng Tổng giám đốc Biển Đông POC Ngô Hữu Hải đã mừng tuổi cán bộ, công nhân viên trên giàn. Chủ tịch vào tận phòng bếp mừng tuổi anh em phục vụ là người của Petrosetco.

Áp Tết, thăm giàn khoan khai thác dầu khí ở nơi cấu tạo địa chất nóng 150 độ C - 2
Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng mừng tuổi anh em phục vụ trên giàn Hải Thạch.

Trong không khí chuẩn bị đón xuân mới, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã mời Chủ tịch Công đoàn Nghiêm Thùy Lan lên hát tặng anh em trên giàn.

Tôi đã theo lãnh đạo PVN đi chúc Tết anh em trên các giàn khoan nhiều lần những quả thật chưa lần nào lại có một không khí đầm ấm và tự hào, tự tin đến thế.

Cũng phải thôi, năm nay PVN đã dành được thắng lợi ngoạn mục khi vượt qua khủng hoảng kép của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu. Việc vượt qua được một năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm của Tập đoàn Dầu khí là một điều không dễ dàng. Cũng lâu lắm rồi người dầu khí mới lấy lại được sự tự tin, và xen lẫn lòng tự hào với truyền thống và với những gì đã làm được.

Rời Hải Thạch Mộc Tinh, đoàn lại đi sang chúc Tết cán bộ, công nhân viên trên giàn khai thác Đại Hùng 01 ở cách Hải Thạch Một Tinh chừng khoảng 30 phút bay.

Giàn Đại Hùng 01 là giàn bán chìm, được neo giữ bởi 8 sợi xích lớn, dù là giàn nặng gần 5 nghìn tấn nhưng trên giàn vẫn chòng chành mặc dù khi đoàn ra là biển cực êm sóng chỉ cao khoảng 3 mét.

Đại Hùng 01 cũng được coi là một kỳ tích trong khai thác dầu của PVN bởi những lẽ sau đây.

Giàn khai thác bán chìm Đại Hùng 01 có lẽ là giàn khai thác có tuổi thọ cao nhất trên thế giới hiện nay.

Giàn được chế tạo vào năm 1974 do một tập đoàn dầu mỏ của Nauy thiết kế và chế tạo. Giàn được đưa vào vận hành khai thác ở khu vực biển Bắc từ năm 1978. Đến năm 1994 thì được kéo sang Việt Nam và khai thác với sản lượng lúc đó rất đỉnh là 30 nghìn thùng/ngày do một công ty dầu khí của Nauy vận hành. Nhưng đến khi giá dầu giảm xuống còn khoảng 10 đô/thùng và sản lượng chỉ còn khoảng 7 đến 8 nghìn thùng/ngày, thấy khai thác nữa sẽ không có lãi cho nên chủ đầu tư đã quyết định rút khỏi dự án. Theo quy định thì chủ đầu tư phải kéo dàn đi và phải hàn thổ đáy biển, lấp tất cả các giếng khoan, để làm công việc này phải tốn rất nhiều triệu đô la. Chính vì thế, chủ đầu tư đã bán lại Đại Hùng 01 cho PVN với giá …1 đô la.

Qua nghiên cứu tài liệu địa chất thì lãnh đạo PVN và PVEP nhận thấy vẫn có thể mở rộng mỏ và khai thác tiếp và quả nhiên sau khi mở rộng tìm kiếm thăm dò thì Đại Hùng 01 đã lại tiếp tục cho sản lượng dầu có những lúc lên tới 14 nghìn thùng/ngày. Hiện nay trung bình mỗi ngày Đại Hùng 01 khai thác 8 nghìn thùng, đây là con số cực kỳ có ý nghĩa bởi lẽ rất nhiều mỏ ở khu vực Bạch Hổ đang phải khai thác theo kiểu "bòn mót". Để có được sản lượng 8 nghìn thùng/ngày, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của PVEP đã phải áp dụng rất nhiều những giải pháp kỹ thuật mới. Việc giàn Đại Hùng 01 khai thác được cho đến ngày hôm nay cũng đã được các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao bởi khả năng vận hành rất giỏi của người Việt Nam, đặc biệt là ở ý thức giữ tốt dùng bền.

Giàn trưởng Tăng Văn Đồng báo cáo với Chủ tịch kết quả công tác của giàn klhai tahsc Đại Hùng 01. Năm 2019 giàn đã khai thác 2,87 triệu thùng; năm 2020 do phải mất hơn 6 tháng đưa giàn đi bảo dưỡng định kỳ nên sản lượng chỉ là 1,34 Triệu thùng; năm 2021 dự kiến giàn Đại Hùng 01 sẽ khai thác 2,54 Triệu thùng. Hiện nay lãnh đạo PVEP và đang tích cực chuẩn bị khai thác ở Lô 05-1(a) (Mỏ Đại Hùng pha 3): Mục tiêu khai thác dòng dầu đầu tiên Giàn đầu giếng WHP-DH1 từ Quý 3 năm 2023: Bộ Công thương đã phê duyệt ODP (kế hoạch đại cương phát triển mỏ) ngày 11/03/2020. Hiện đang thực hiện các công việc chuẩn bị phát triển.

Năm 2020, Chiến dịch huỷ giếng và đưa giàn ĐH-01 đi bảo dưỡng, kết nối khai thác trở lại có thể được coi là kỳ tích. Dự kiến ban đầu là có thể phải tháng 4/2021 mới kết nối trở lại được. Nhưng với quyết tâm cao và trí tuệ, PVEP đã đưa giàn vào vận hành trước 5 tháng, đặc biệt là đã " cứu" giàn thoát khỏi 2 cơn bão cực mạnh là Mangkhut và Goni.

Năm 2020, giàn Đại Hùng 01 đã phải đưa về nhà máy đóng tàu Dung Quất để bảo dưỡng định kỳ. Sau khi bảo dưỡng sửa chữa xong, khi kéo ra thì bị cơn bão cực mạnh Mangkhut đổ vào. Lãnh đạo PVEP và anh em trên giàn đã áp dụng một giải pháp có một không hai trên thế giới đó là cho giàn "ngồi xuống đáy biển" ở độ sâu phù hợp để chống sóng gió. Từ xưa đến nay trên thế giới với những giàn bán chìm khi gặp bão lớn thì người ta chỉ mỗi một cách đó là nhổ neo đưa giàn đến một vị trí an toàn. Những với cơn bão này thì không kéo đi đâu được nữa, chính vì vậy chỉ còn một phương án tối ưu nhất nhưng cũng chưa ai áp dụng đó là bơm nước vào các hầm rồi cho giàn chìm xuống "ngồi xuống đáy biển". Mất hai ngày, hai đêm căng thẳng như dây đàn cuối cùng thì giàn cũng đã an toàn tuyệt đối và lại được kéo trở về vị trí, đầu nối với hệ thống dẫn dầu đã có và tiếp tục khai thác.

Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng đã bày tỏ sự khâm phục trước quyết tâm và trí tuệ của tập thể lãnh đạo PVEP cùng anh em trên giàn. Chủ tịch mong muốn cán bộ công nhân viên trên giàn phải hết sức đoàn kết, phát huy được trí tuệ tập thể và không ngừng tìm tòi để giàn Đại Hùng 01 tiếp tục khai thác được nhiều dầu hơn thế.

NGUYỄN NHƯ PHONG

Mỹ lý giải việc giáng đòn trừng phạt chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 Mỹ lý giải việc giáng đòn trừng phạt chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981
Lễ chào cờ “độc nhất vô nhị” trên giàn khoan Lễ chào cờ “độc nhất vô nhị” trên giàn khoan
Công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 bị Mỹ trừng phạt có quy mô lớn tới đâu? Công ty sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 bị Mỹ trừng phạt có quy mô lớn tới đâu?
/ vtc.vn