Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam bị rối loạn về sức khỏe tâm thần và một số học sinh tìm đến cái chết.
Sáng 8/10, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội thảo "Trường học Hạnh phúc", nhằm giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa học đường, tạo lập môi trường thân thiện, thoải mái, hạnh phúc, nâng cao cảm nhận an toàn của học sinh cả bên trong và bên ngoài trường học.
Tại hội thảo, GS.TS Agnes Florin (Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý và Tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên Pháp) cho biết, ngày nay, mục tiêu giáo dục trên thế giới không chỉ giới hạn trong việc cung cấp kiến thức, mà còn hướng tới phát triển toàn diện, giúp trẻ em hòa nhập tốt nhất với xã hội, nhận ra tiềm năng của mình và sống một cách trọn vẹn.
Để làm được điều đó, nhà trường phải là môi trường hạnh phúc, mang đển sự an toàn, thân thiện và hỗ trợ kịp thời ở mọi khía cạnh, từ học tập đến sức khỏe tinh thần.
(Ảnh minh họa) |
"Thực tế, trường học là nguồn cung cấp tri thức nhưng cũng là nguồn gây stress. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc công bố tháng 2/2018, áp lực học tập vào một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần.
Việt Nam cũng từng ghi nhận một số trường hợp học sinh tìm đến cái chết do không thể đạt kỳ vọng về điểm số của bố mẹ, thầy cô" - giáo sư Agnes Florin cho hay.
Bà cũng cho rằng, ngoài áp lực điểm số, tình trạng bạo lực học đường khiến trẻ em tổn thương nặng nề. Theo thống kê của ngành công an chỉ ra trong quý 1/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yểu là ở lứa tuổi THCS và THPT.
"Từ đó, chúng ta đặt ra câu hỏi rằng chất lượng môi trường trường học ảnh hưởng thế nào đến chất lượng cuộc sống, thành công trong học tập và tương lai của trẻ? Làm thế nào để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc mà ở đó trẻ phát triển toàn diện?" - vị giáo sư nói.
Cũng trong hội thảo, giáo sư Anges cùng các nhà quản lý giáo dục và thầy cô tìm hiểu về nhu cầu, sự phát triển của trẻ nhỏ trên mọi phương diện, từ ăn ngủ, sức khỏe đến nhận thức, cảm xúc, kỹ năng xã hội. Giáo sư Agnes phân tích một số hiện tượng thường gặp như sự nản chí trong học tập.