Nếu nhà may Thiết Lập là ‘ông vua áo dài eo con kiến’ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, thì nhà may Nha lại có hơn 30 năm vang danh đất Sài Gòn với những tà áo dài hoàn mỹ nhằm 'tôn vinh vòng ba'.
Sài Gòn những năm 1960 – 1970 là thời kỳ đỉnh cao của áo dài chít “eo con kiến”, phom dáng nhằm tôn thêm những đường cong cơ thể người phụ nữ. Rất nhiều nhà may thi nhau mở cửa nhưng chỉ duy nhất nhà may Thiết Lập làm được điều này khi cho ra những thiết kế áo dài với phần eo “siêu nhỏ”.
Vào đời chủ thứ hai của nhà Thiết Lập (giai đoạn 1982 – 1990), thương hiệu áo dài này đã nổi lại càng nổi hơn khi được biết đã thiết kế và may chiếc áo dài màu hoàng yến tuyệt đẹp, góp phần giúp cô thợ tóc Đỗ Thị Kiều Khanh đăng quang ngôi vị Hoa hậu Áo dài năm 1989.
|
Cũng trong năm đó, nhà may Nha ra đời, vị trí chỉ cách nhà Thiết Lập vài chục mét và chính thức “đối đầu” với thương hiệu áo dài đình đám này bằng một tấm áp phích treo trước cửa với dòng chữ: “Thiết kế thành công chiếc áo dài đăng quang của Hoa hậu Áo dài 89 Đỗ Thị Kiều Khanh”.
“Người Sài Gòn hồi đó phải nói không ai là không biết tiếng tăm áo dài Thiết Lập. Năm 1989, Hoa hậu Kiều Khanh đoạt giải nhất, người ta càng tôn sùng tay nghề của Thiết Lập hơn nữa. Rồi tự dưng áo dài Nha mở ra, cũng nói là thiết kế áo dài cho cô hoa hậu này luôn. Mà hồi đó thắc mắc chứ cũng chẳng ai làm rõ, thời gian sau thì tấm áp phích cũng được tháo xuống. Chẳng biết đâu mà lần”, ông Trần Văn Chương (63 tuổi, ngụ quận 3) cho biết.
Chỉ mất 4 giờ đồng hồ để may áo dài cho Hoa hậu Kiều Khanh
Năm 1989, một thợ thiết kế chính trong nhà Thiết Lập tên Phạm Thị Nha đã tách ra mở cửa tiệm riêng và lấy tên là nhà may Nha. Thời điểm đó, Nha tạo được sự thu hút mạnh với người dân Sài Gòn bởi “scandal tranh công” với áo dài Thiết Lập.
|
Ngày nào cũng có “không dưới chục người” kéo đến trước cửa hai nhà may bàn tán xôn xao. Từ chỗ thắc mắc, nhiều người lại muốn đến Nha may áo dài để “xem thử tay nghề tới đâu”.
“Phạm Thị Nha là tên mẹ chồng tôi, cũng là chủ nhân đầu tiên của nhà may Nha. Ngày xưa mẹ là thợ thiết kế chính cho Thiết Lập, làm hết từ các khâu vẽ phác thảo mẫu áo dài, đắp tà, may tay áo raglan... cho đến thêu, đính cườm…”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (50 tuổi, truyền nhân đời thứ hai của nhà may Nha) kể lại.
|
Chị nói tiếp bằng phần ký ức được nghe từ mẹ chồng. Vào buổi chiều chủ nhật trung tuần tháng 3.1989, “một cô gái trẻ với dáng người cao, thanh mảnh và làn da trắng mịn đã tìm đến nhà may Thiết Lập để may áo dài cho đêm thi Chung kết Hoa hậu Áo dài”.
“Dạo đó, nhà may Thiết Lập đóng cửa nghỉ mấy ngày vì có việc riêng. Kiều Khanh tìm đến thì chỉ gặp được mẹ chồng tôi đang dọn dẹp đống vải vụn cho gọn. Cổ nói muốn may gấp lắm, không đợi mấy ngày sau được vì sắp thi rồi. Mà từ nhỏ đến giờ mỗi khi mặc áo dài cổ đều gặp may mắn”, con dâu của bà Nha tiết lộ.
|
Nhận thấy sự tha thiết trong ánh mắt của cô gái trẻ, bà Nha đã quyết định tự tay mình thiết kế và may riêng cho Kiều Khanh một bộ áo dài màu vàng hoàng yến. “Đây là bộ áo dài đầu tiên mẹ tôi được tự tay cắt vải, vì ở nhà Thiết Lập thì chỉ có đàn ông mới được làm việc này. Bộ áo dài của Kiều Khanh được mẹ tôi may chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ. Tôi nhớ mẹ có nói, ấn tượng nhất khi may áo dài cho cô này chính là lúc lấy số đo, vòng eo của cổ rất nhỏ và đẹp”.
|
Trở lại vấn đề chiếc áo dài “của Thiết Lập mà cũng không phải của Thiết Lập”, chị Hiền nói như đang tâm sự: “Mẹ tôi may áo dài cho Kiều Khanh khi đang làm cho nhà Thiết Lập, nên người ta nói là áo dài đó mang thương hiệu Thiết Lập. Đến khi mẹ ra mở tiệm riêng, ghi dòng chữ đã thiết kế áo dài cho Hoa hậu Áo dài 89 Đỗ Thị Kiều Khanh là đúng sự thật. Hai nhà may chúng tôi chẳng tranh giành hay đấu đá gì với nhau. Chỉ có nhiều người không hiểu thì họ nói là scandal tranh công vậy thôi”.
Từ con số 0 đến “bà hoàng” của những tà áo dài hoàn mỹ
Theo dòng hồi tưởng của chị Hiền, nhà may Nha lúc bấy giờ chủ yếu may áo dài truyền thống bằng vải trơn hoặc có họa tiết đơn giản. “Đối tượng khách hàng tìm đến đây thường là các phái đoàn người nước ngoài đến Việt Nam, hay các vũ đoàn ca múa nhạc, thí sinh tham gia cuộc thi nhan sắc dành cho nữ sinh…”.
|
Song, mãi đến khi áo dài Nha được hai người trong “Tứ đại mỹ nhân của Sài Gòn” là diễn viên Thẩm Thúy Hằng và nghệ sĩ Bạch Tuyết chọn mặc trong các buổi dạ tiệc thì tên tuổi của Nha mới được nhiều người công nhận.
Cũng có thể nói trong cái rủi có cái may, bởi mặc dù ra đời sau “phù thủy” Thiết Lập, cũng không thiết kế được những chiếc áo dài “eo con kiến” nhưng Nha vẫn tạo được vị thế riêng trong lòng phụ nữ Sài Gòn bởi đường may cúp hoàn mỹ, giúp làm nổi bật vòng ba, tạo sự cân đối về hình thể cả khi người mặc đứng yên hay di chuyển.
|
Người ta bắt đầu nói về áo dài của Nha với những danh xưng mỹ miều như “bà hoàng của tà áo dài”, “vua của bộ trang phục gợi cảm nhất trong các trang phục gợi cảm”… Sau hơn 15 năm đưa thương hiệu áo dài Nha lên tầm thời trang cao cấp, bà Nha nhường quyền quản lý lại cho con dâu.
Không có “cuốn sổ bí kíp” nào được truyền lại, truyền nhân đời thứ hai của Nha chỉ có những kinh nghiệm tích lũy được sau mấy mươi năm theo nghề may. Cùng với sự tỉ mỉ, cẩn thận và cầu toàn trong từng đường kim mũi chỉ, áo dài Nha dưới thời chị Hiền chưa từng làm vị khách nào phải phiền lòng.
|
Đưa chúng tôi xem một mẫu áo được chít eo theo hướng hơi lài xuống phần mông giúp tôn vòng ba một cách khéo léo, chị Hiền ví nó như câu chuyện đời sống động của một người phụ nữ. Chiếc áo dài vừa khiến người mặc thanh thoát, trong trẻo như cô thiếu nữ mười tám, cũng đằm thắm như phụ nữ ba mươi, hay còn sâu sắc như người đàn bà từng trải…
|
Theo chị Thu Hiền, khi ai đó nhắc đến tên một quốc gia, một đất nước thì suy nghĩ đầu tiên thường là về bộ trang phục truyền thống: “Ví dụ như ở Nhật Bản thì có Kimono, ở Hàn Quốc thì có Hanbok, còn Việt Nam thì ai cũng tự hào với chiếc áo dài rồi. Phụ nữ Việt mình có dáng người trung bình thấp, thường hơi tròn ở phần eo và mông. Tuy nhiên, cứ mặc lên người chiếc áo dài là ba vòng rõ rệt ngay, với tôi thì đó là một khả năng kỳ diệu mà chỉ trang phục này mới có”.
Chị tâm sự, cũng có nhiều học trò xin theo học nghề may, ban đầu rất đông nhưng rồi theo thời gian thì rơi rớt dần. “Tôi chẳng trách cũng chẳng buồn ai, người nào cũng có chí hướng và niềm đam mê riêng. Có thể trong thời điểm này họ thấy áo dài thích hợp để học, nhưng theo một thời gian thì lại nhận ra bản thân thích hợp với nghề khác hơn. Vậy thôi”.
|
Trong một thoáng, chị nhìn sang người con trai lớn đang chăm chú bên chiếc máy may nơi góc nhà, ánh mắt anh hiện rõ sự thích thú mỗi khi đưa lớp vải ngang qua những mũi kim lên xuống liên tục.
Chị Hiền tặc lưỡi: “Con trai đầu của tôi nói muốn theo nghề may, không phải chỉ may áo dài truyền thống mà muốn may những bộ trang phục hiện đại trên nền tảng chiếc áo dài. Tôi ủng hộ con, mà cũng thương chiếc áo truyền thống quá. Ai mà biết được sau này…”.
Ừ, ai mà biết những truyền nhân về sau của hai thương hiệu áo dài đình đám Sài Gòn này, liệu có như “Cô Ba Như Ý” hoài niệm về một chiếc áo dài đẳng cấp thanh xuân của thời vàng son phụ nữ ngày ấy.
(Còn tiếp...)
Áo dài thời \'cô Ba Sài Gòn\' - Kỳ 1: Phù thủy đường cong cho Tứ đại mỹ nhân Nhà may Thiết Lập là một trong những nhân tố đầu tiên đặt nền móng và đưa áo dài vươn lên hàng thời trang cao ... |