Áo dài Huế đi tìm thuở vàng son quá khứ

Áo dài có lịch sử, gắn liền với đời sống của người Việt, là biểu tượng, hồn cốt của phụ nữ Việt. Với Huế, từng có lúc áo dài như viên ngọc quý bị lớp bụi che lấp hết đi vẻ đẹp vốn có... Đã có đề xuất: Để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế, địa phương cũng nên xây dựng một trung tâm lễ phục truyền thống.

Lễ hội Áo dài là một trong những chương trình thu hút được rất nhiều sự quan tâm tại các kỳ Festival Huế. Ảnh: PĐ

 

Áo dài - biểu tượng  bản sắc văn hóa trang phục Việt,

Người Việt luôn tự hào với chiếc áo dài - một trang phục đặc trưng. Đã có nhiều so sánh, tranh cãi, nhưng nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam luôn khẳng định, áo dài Việt luôn giữ cái hồn người Việt, khó nhầm lẫn, dù có thay đổi đến đâu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên - Huế - thì cho rằng, Phú Xuân - Huế chính là “chiếc nôi khai sinh” của áo dài Việt Nam với lý giải, từ những năm 1740 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài Huế đã xuất hiện và trở thành trang phục chính thức của cả nam và nữ giới ở Đàng Trong. 

Áo dài Việt Nam đã trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa trang phục Việt, đẹp trang trọng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng với các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng toàn cầu. Riêng xứ Huế, áo dài còn mang một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất Kinh kỳ. Nếu ở nhiều nơi áo dài thường là lễ phục, với Huế thì là một phần trong lễ phục, vừa là y phục thường ngày.

Theo ông Hoa, với những thăng trầm của thế sự, từng có lúc áo dài Huế như viên ngọc quý đã bị lớp bụi hờ hững của người đời che lấp hết đi vẻ đẹp vốn có. Mãi từ năm 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài mới dần hồi sinh với diện mạo mới.

Áo dài vẫn đang đứng trước những xu hướng cách tân, nên chắc chắn sẽ không có một mẫu nào bất biến, càng không thể có một mẫu chỉ dành riêng cho Huế. Tuy nhiên, hiện phần đông phụ nữ Huế vẫn hướng đến những kiểu dáng mà giá trị đã được sàng lọc qua thời gian.

Tìm đường trở về “thuở vàng son”

Nhằm đưa áo dài Huế trở lại “thuở vàng son”, Huế đã tổ chức những lễ hội áo dài, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ và nữ sinh mặc áo dài hay miễn phí thăm quan di tích đối với phụ nữ mặc áo dài trong các dịp lễ… Tuy nhiên, áo dài vẫn chưa thực sự hồi sinh trong cuộc sống hằng ngày của người dân, chưa tạo được một chuyển động trong đời sống kinh tế xã hội ở Huế.

Ông Trần Đình Hằng - Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế - cho rằng, để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế, địa phương cũng nên xây dựng một trung tâm lễ phục truyền thống. Trung tâm này như một tổ hợp với nhiều cấu trúc không gian khác nhau gồm không gian lễ tân, bảo tàng, không gian sản xuất, không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm để phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức và mua sắm cho du khách khi đến Huế. Về phương diện lịch sử văn hóa, việc kết nối truyền thống và hiện đại, thổi hồn vào trong từng tiểu không gian, sản phẩm sẽ mang lại nhiều tính đặc trưng, giá trị cao.

“Văn Miếu, Di Luân đường Quốc Tử giám, lầu Tứ Phương Vô Sự… sẽ là không gian đặc hữu cho những sản phẩm du lịch gắn liền với biểu tượng giáo dục, khoa cử truyền thống; Ngôi nhà của Đức Từ Cung hay Bình An đường cũng là không gian đặc hữu cho những dấu ấn đặc biệt liên quan tới quý bà, hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm nữ phục và cả lễ phục truyền thống Huế. Các mẫu áo dài hay lễ phục truyền thống cung đình quý tộc Huế, thậm chí riêng các mẫu áo dài tân thời Le Mur của Hoàng hậu Nam Phương cũng là những hiện vật, tư liệu và hình mẫu tham khảo quý giá...” - ông Hằng đưa ra ý kiến.

Theo ông Lê Đăng Thọ - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) - việc đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm áo dài Huế là hết sức cần thiết. Nó sẽ mở ra cơ hội cho Hiệp hội Áo dài Huế tiếp cận với các nhà thiết kế danh tiếng trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ. Ngoài lợi ích kinh tế, việc này còn góp phần quảng bá du lịch Huế nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, áo dài Huế là thương hiệu vừa mang bản sắc riêng của Huế, vừa nằm trong tập hợp sản phẩm áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, góc nhìn của tiếp thị là đứng từ phía khách hàng nước ngoài, do đó để có một chiến lược thương hiệu cho áo dài Huế cần phải tham khảo các tiêu chí quốc tế như giá trị truyền thống, lịch sử và di dân, nghệ thuật và văn hóa địa phương… Dựa vào đó, quản lý thương hiệu sản phẩm sẽ so sánh đối chiếu về khả năng nâng cao giá trị thương hiệu thông qua từng tiêu chí, định hướng cho chiến lược phát triển.

PHÚC ĐẠT

Mai Phương Thúy đăng lại hình mặc áo dài mỏng tang từng gây tranh cãi dữ dội

Hoa hậu Việt Nam 2006 khiến nhiều người khó hiểu thì đăng lại một bức ảnh mặc áo dài mỏng trong bộ ảnh khiến cô ...

Phạm Hương và con trai diện áo dài bên xe sang

Hoa hậu Phạm Hương cùng con trai Maximus diện áo dài, tạo dáng bên chiếc xe thể thao Fisker Karma giá hơn 100.000 USD. 

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đẹp tinh khôi với tà áo dài truyền thống

Xuất hiện tại sự kiện, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đã hội ngộ Hoa hậu Ngọc Hân và cùng khoe nhan sắc "một chín một ...

/ laodong.vn