Những bộ phim hành động của Hollywood đã khiến một số trẻ em Triều Tiên tìm cách đào tẩu khỏi đất nước.
| |
Charles Ryu, 23 tuổi, người Triều Tiên đào tẩu đang sống ở Mỹ. Ảnh: SCMP. |
Charles Ryu đang sống ở Mỹ. Cậu trở thành trẻ lang thang ở Triều Tiên năm 2005, khi mẹ qua đời trong nạn đói và từng ở trong trại lao động 9 tháng sau khi cố trốn khỏi Triều Tiên lần thứ nhất, theo SCMP.
Bố của cậu là người Trung Quốc, đã về nước khi Ryu mới 5 tuổi. Cuộc sống khắc nghiệt trong những tháng mùa đông khiến Ryu và bạn bè làm mọi việc để sinh tồn, cho dù là buôn lậu. Một trong số ít hình thức giải trí của người Triều Tiên là xem điện ảnh nước ngoài. Ryu copy phim ảnh vào thẻ nhớ, bán lại cho người khác để kiếm tiền mua thức ăn.
Việc tiếp xúc với truyền thông nước ngoài đã mở ra cửa sổ thế giới mới, thôi thúc Ryu và các bạn đào tẩu khỏi Triều Tiên. Năm 2008, khi mới 14 tuổi, Ryo đã thực hiện chuyến vượt biên mạo hiểm sang Trung Quốc.
Các phim về điệp viên James Bond, những ngôi sao như Tom Cruise, Will Smith, đã truyền cảm hứng cho Ryu.
"Họ khiến tôi tò mò về tự do và cuộc sống bên ngoài Triều Tiên", cậu nói. "Từ nhỏ, chúng tôi đã được dạy nhiều điều không đúng, như người Triều Tiên giàu có hơn người Hàn Quốc".
Ryu cho biết phim ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia và Nga rất phổ biến ở Triều Tiên.
"Thế hệ trẻ tiếp cận nhiều hơn với truyền thông nước ngoài qua USB, DVD", Ryu nhận xét. "Những người ở tuổi tôi biết mọi bộ phim nổi tiếng. Nếu không xem, sẽ chẳng biết nói gì với bạn bè và trở thành lạc lõng".
Thế hệ Y
Thanh niên thế hệ Y - những người sinh ra trong thập niên 80 và 90, nay trong độ tuổi 18 - 35, đang thay đổi bộ mặt xã hội Triều Tiên thông qua việc thường xuyên tiếp cận với truyền thông nước ngoài. Số thanh niên này chiếm khoảng 25% dân số 26 triệu người Triều Tiên, theo ước tính của Tổ chức phi chính phủ Tự do Triều Tiên (LiNK).
"Buôn bán phi pháp ở chợ đen, trao đổi truyền thông nước ngoài và ảnh hưởng của văn hóa ngoại quốc đã làm thay đổi suy nghĩ của thế hệ trẻ Triều Tiên", Ryu nói. "Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tự do và văn hóa ngoại quốc trong các chương trình truyền hình, phim ảnh. Chúng tôi tưởng tượng và muốn trải nghiệm sự tự do đó. Những suy nghĩ này thôi thúc chúng tôi trốn khỏi Triều Tiên".
"Họ (diễn viên) luôn hành động liều lĩnh, không sợ chính phủ hay sợ làm việc mờ ám như buôn bán trái phép".
Sokeel Park, một nhân viên của LiNK, đã giúp đỡ hơn 700 người Triều Tiên, bao gồm trẻ em, đào tẩu sang Hàn Quốc trong những năm qua. Theo Park, những người đào tẩu Triều Tiên, đặc biệt là thế hệ Y, đã góp phần làm thay đổi xã hội qua những thông tin truyền miệng mà chính phủ không thể kiểm soát.
"Thế hệ Y này lớn lên trong thời kỳ đất nước trải qua nạn đói và xuất hiện kinh tế thị trường. Nhiều người từ nhỏ đã tiếp cận với truyền thông nước ngoài và tham gia kinh doanh để tồn tại", Park nhận xét. "Điều này đánh dấu sự thay đổi thế hệ quan trọng, đặt họ vào vị trí tiên phong trong quá trình thay đổi xã hội ở Triều Tiên".
Theo LiNK, hiện có hơn 30.000 người Triều Tiên đào tẩu sống ở Hàn Quốc, một nửa số đó đã tuồn lậu khoảng 15 triệu USD tiền mặt và đồ dùng cho gia đình ở Triều Tiên, thông qua các tay buôn bán và điện thoại di động Trung Quốc lậu.
Thế hệ Y ở Triều Tiên đầy hoài nghi, không đặt sùng bái cá nhân lên lãnh đạo, tham gia buôn bán phi pháp nhiều hơn thế hệ trước.
Chợ đen
Giáo sư Obi Ebbe, nhà xã hội học thuộc đại học Tennessee, thành phố Chattanooga, Mỹ, đang dẫn dắt một nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu về hoạt động buôn bán bất hợp pháp của các chính phủ.
"Chợ đen có tồn tại ở Triều Tiên. Đây là phương thức sinh tồn kinh tế do thiếu hụt hàng hóa và dịch vụ. Một số người Triều Tiên phải bí mật làm ăn và che giấu tài sản bằng mọi cách", ông nhận định.
Theo Ryu, kinh tế tư nhân bị coi là trái phép ở Triều Tiên nhưng chợ đen vẫn phát triển mạnh từ cuối những năm 1990. Chợ đen buôn bán những mặt hàng mà cửa hàng mậu dịch của chính phủ không cung cấp như xe máy, điện thoại di động.
Jenny Town, trợ lý giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc thuộc đại học Johns Hopkins, cho biết có hơn 400 khu chợ được chính phủ cấp phép ở Triều Tiên, nơi "người bán trả tiền để thuê chỗ kinh doanh".
Những khu chợ này được gọi là "sijang", từ lâu đã không còn bị xem là chợ đen và bày bán nhiều loại hàng hóa như điện thoại di động, các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng.
"Những khu chợ này bán nhiều mặt hàng tiêu dùng, một số có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số sản xuất ở địa phương", bà Town cho hay. "Cũng có một số khu chợ vỉa hè nổi nổi lên, nhưng tôi không coi đó là chợ đen".
"Về cơ bản, những loại hàng hóa trong các chợ này không phải là hàng cấm theo lện trừng phạt của Liên Hợp Quốc", bà Town giải thích. "Triều Tiên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài nhưng chúng ta còn phải quan sát đã".
Theo bà Town, một số mặt hàng mà Triều Tiên không thể xuất khẩu nữa, chẳng hạn như than đá, đang tìm đường tiến vào thị trường nội địa.
Brian Moore, chuyên gia phân tích về Triều Tiên, từng là nghiên cứu viên của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho hay tầng lớp thượng lưu mới, hay còn gọi là "giai cấp kinh tế mới nổi" từng hưởng lợi từ quá trình tự do hóa kinh tế chợ đen, nay đang điều hành hoạt động của thị trường mở này.
"Họ thường có mối quan hệ xuyên biên giới với Trung Quốc, cho phép họ buôn bán hiệu quả, cũng như có người nhà hoặc mối quan hệ tốt với cán bộ chính phủ Bình Nhưỡng", ông Moore nhận xét.
| |
Hai cô gái chăm chú nhìn màn hình điện thoại di động ở Triều Tiên. Ảnh: Christian Petersen Clausen. |
Ryu từng hợp tác với mẹ của bạn, người kinh doanh nguồn phim ảnh lậu từ Trung Quốc, dùng máy tính mua ở chợ đen để tải phim vào đĩa CD mà Ryu cung cấp. Cậu bán mỗi đĩa 5.000 won (35 USD), giữ lại 2.000 won làm vốn để mua đĩa CD và trả 3.000 won để mua thêm phim.
Ryu cho biết đa số người Triều Tiên đều xem phim truyền hình Hàn Quốc và biết "mọi điều" về thế giới bên ngoài.
"Chúng tôi được dạy rằng mọi quốc gia khác đều nghèo. Lãnh đạo của chúng tôi tuyệt vời nhất thế giới. Chúng tôi phải chế tạo vũ khí và bom để bảo vệ đất nước khỏi Hàn Quốc và Mỹ", Ryu kể. Ryu cho rằng thế hệ trẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro .
Chạy trốn
Năm 2008, khi Ryu 14 tuổi, bố cậu đã tái hôn và có một con trai. Ông điều cậu em đi tìm Ryu, giúp anh trai đào tẩu lần đầu tiên nhưng sau 9 tháng sống cùng bố, cảnh sát Trung Quốc đã bắt Ryo vì tội nhập cảnh trái phép và trục xuất về Triều Tiên.
Chính quyền Triều Tiên đưa Ryu tới một trại lao động trong 9 tháng. Ryu kể bị đánh đập, hành hạ và bỏ đói vì "đã phản bội lại chính phủ". Sau đó, cậu chuyển tới mỏ than làm việc trong gần một năm. Một hôm, một người bạn ngã gục xuống ngay trước mặt Ryu, khiến cậu "nhận ra nếu còn ở đó, chết chỉ là vấn đề thời gian".
16 tuổi, Ryu trốn lên tàu sang một thị trấn biên giới Trung Quốc, bơi qua sông Áp Lục, biên giới ngăn cách hai quốc gia. Sang Trung Quốc, cậu đi bộ ba ngày liền, chân sưng tím và chảy máu, đói lả vì không ăn không uống. Khi gục xuống giữa đường và kêu cứu, một người đàn ông đi xe máy dừng lại, đưa Ryu về nhà với bố.
| |
Ryu khi nhỏ và bố. Ảnh: SCMP. |
Bố của Ryu là con của một cựu chiến binh Trung Quốc từng tham gia chiến tranh Triều Tiên và ở lại Triều Tiên, đã giục con tới đại sứ quán Hàn Quốc ở Thái Lan để trốn sang Seoul. Ông thuê người đưa Ryu trốn sang Thái Lan.
"Thời gian đó, tôi lúc nào cũng sống trong tâm trạng sợ hãi", cậu nhớ lại. "Tôi không biết ngoại ngữ, không có giấy tờ tùy thân. Để đề phòng bị bắt, tôi phải giả vờ ngủ suốt. Chúng tôi đi bằng xe buýt, xe tải cỡ nhỏ, xe máy, cùng hai người Triều Tiên khác".
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc không chấp nhận Ryu bởi cậu có bố là người Trung Quốc. Cậu được đưa vào một trại tị nạn giam giữ người đào tẩu ở Đông Nam Á trước khi được Liên Hợp Quốc giúp đỡ tới Mỹ vào ngày 28/9/2012, khi 17 tuổi.
Cậu sống cùng một gia đình gốc Trung Quốc vài năm, tốt nghiệp trung học năm 2015 và vẫn đang chữa trị sang chấn tâm lý.
"Ban đêm tôi hay tỉnh giấc và la hét. Trong năm đầu vào trung học, giường tôi lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi vào ban đêm", Ryu nhớ lại.
Chàng trai giờ 23 tuổi, đang học mã hóa và muốn làm kỹ sư phần mềm.
"Một ngày nào đó, tôi muốn tạo ra một ứng dụng tuyệt vời để tiếp cận được với tất cả người dân Triều Tiên", Ryu bày tỏ. "Tôi trốn thoát thành công là một phép màu. Tôi đã vượt qua khó khăn, đau đớn. Giờ tôi ở đây và tôi muốn quay lại, làm điều hữu ích cho người dân quê tôi".
Ryu đang vận động cùng tổ chức LiNK ở Mỹ để nâng cao nhận thức về những mối nguy mà người Triều Tiên đào tẩu phải đối mặt.
"Tôi mong muốn chính phủ Trung Quốc cho phép người Triều Tiên đào tẩu chạy thoát an toàn sang Hàn Quốc hoặc nước thứ ba".
Người đào tẩu nói về "căn bệnh ma" gần nơi Triều Tiên thử hạt nhân Những người từng sống gần một điểm thử hạt nhân ở Triều Tiên tin rằng phóng xạ khiến họ gặp vấn đề sức khỏe nghiêm ... |
Cuộc sống với thời gian ngừng trôi ở sát Triều Tiên Người dân ở đảo Gyodong, Hàn Quốc vẫn tận hưởng cuộc sống yên bình dù căng thẳng với Triều Tiên đang gia tăng. |