Thủ tướng Anh sắp thông báo lùi ngày gỡ bỏ các hạn chế phòng Covid-19 do lo ngại số ca nhiễm tăng vọt liên quan đến chủng nCoV Delta.
Thế giới đã ghi nhận 176.648.417 ca nhiễm nCoV và 3.817.826 ca tử vong, tăng lần lượt 241.437 và 7.331, trong khi 158.918.209 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Anh hôm qua ghi nhận thêm 7.490 ca nhiễm nCoV và 8 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 4.565.813 và 127.904. Số ca nhiễm mới đã tăng gần 50% trong khoảng từ ngày 7-13/6 so với một tuần trước đó, trong khi số ca nhập viện cũng tăng 15% trong vòng một tuần.
Người dân trên đường phố thủ đô London của Anh hôm 7/5. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến thông báo thay đổi về gỡ bỏ những hạn chế phòng chống Covid-19 lây lan trong hôm nay. Theo lộ trình được ông công bố hồi tháng 2, chính phủ Anh có thể gỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế xã hội từ sau ngày 21/6, trong đó toàn bộ quán rượu, câu lạc bộ và địa điểm giải trí sẽ được mở cửa hoàn toàn.
"Chúng tôi đang theo dõi dữ liệu, chưa có quyết định cuối cùng và thời điểm thích hợp để thông báo cho mọi người về những gì sẽ diễn ra sau ngày 21/6 là vào ngày mai. Đó là lúc chúng tôi sẽ công bố toàn bộ thông tin để mọi người cũng theo dõi", ông nói tại lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 13/6.
Tuy nhiên, số ca nhiễm nCoV trong những tuần qua đã tăng mạnh trở lại do biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ, vốn có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với những chủng trước đó và có nguy cơ gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba tại Anh.
Johnson bác bỏ thông tin cho rằng các hạn chế sẽ được kéo dài thêm tối đa một tháng, cho biết có nhiều lo ngại sâu sắc về số ca nhiễm và nhập viện trong những ngày qua.
Sự ngần ngại gỡ bỏ hạn chế xuất hiện bất chấp Anh là một trong những nước triển khai vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới, với hơn 41 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên. Gần 30 triệu người đã được tiêm hai liều vaccine, tương đương 56% dân số trưởng thành.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.319.912 ca nhiễm và 615.050 ca tử vong do nCoV, tăng 4.039 ca nhiễm và 95 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Hơn hai triệu hành khách tại các sân bay Mỹ đã được xét nghiệm hôm 11/6, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này tháng 3/2020.
Với tỷ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 giảm trên khắp nước Mỹ, nhiều thành phố và bang đã dỡ bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, quan chức tiếp tục cảnh báo những người chưa được tiêm chủng vẫn dễ bị nhiễm virus, đặc biệt là đối với các biến thể nguy hiểm, có thể cản trở tiến trình quốc gia chống đại dịch.
64% người trưởng thành tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và khoảng 54% được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên với tốc độ tiêm chủng hiện nay, mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden là 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine vào ngày 4/7 sẽ không thể đạt được.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.506.328 ca nhiễm và 374.226 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 67.290 và 3.819 ca.
Chính phủ Ấn Độ đã cắt giảm thuế đối với một số thiết bị y tế và thuốc cho đến cuối tháng 9. Trước đó đã có những lời kêu gọi loại bỏ thuế để giúp ứng phó Covid-19 và mở rộng quyền tiếp cận cho người dân. Tuy nhiên, nước này sẽ giữ nguyên mức thuế 5% đối với vaccine.
Hơn 239 triệu liều vaccine đã được tiêm trên khắp Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đã tăng tốc chương trình tiêm vaccine Covid-19 trong vài tuần qua, song phần lớn trong 1,3 tỷ dân nước này dự kiến chưa được tiêm vào thời điểm làn sóng thứ ba có thể bùng phát.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.911.358 ca nhiễm, tăng 9.868, trong đó 52.879 người chết, tăng 149.
Số ca nhiễm nCoV đã tăng vọt tại đảo Java và Sumatra trong vòng 3 tuần sau kỳ nghỉ lễ hậu tháng ăn chay Ramadan, khi hàng triệu người di chuyển khắp nơi bất chấp lệnh cấm đi lại của chính quyền. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế Indonesia lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 tồi tệ chưa từng có.
Tỉnh Trung Java ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong giai đoạn này khi số ca nhiễm mới đã tăng 120%, trong đó quận Kudus báo cáo số ca nhiễm mới đã tăng tới 7.594% chỉ trong ba tuần. Nhân viên y tế đã được tăng cường đến đảo Java từ tuần trước, nhưng các bệnh viện tại đây đã chạm ngưỡng 90% giường bệnh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê được giới chức Indonesia công bố. Ảnh hưởng từ các biến chủng nCoV chưa được xác định tại Indonesia, do năng lực giải mã trình tự gene của nước này vẫn còn giới hạn. Indonesia cũng gặp tình trạng đình trệ trong xét nghiệm và truy vết, trong khi chỉ 5,5% người dân trong diện tiêm chủng được tiêm đủ mũi vaccine.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Biến chủng nCoV Ấn Độ lan tràn tại Anh |
Biến chủng nCoV Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 40 quốc gia |
Biến chủng nCoV Ấn Độ nguy cơ gây tử vong gấp 15 lần |