An toàn trường học

Có những vụ tai nạn hi hữu như học sinh bị bỏng hóa chất ở phòng thí nghiệm; bị điện giật tử vong ở trường; học sinh khác lại bị cánh cổng nhà trường đổ sập vào người, gãy xương phải bó bột; hay một vụ sập sàn phòng học 60 năm tuổi mới đây làm 10 học sinh rớt từ tầng trên xuống đất, trong đó nhiều em bị chấn thương phải nhập viện…Chỉ có điều những vụ việc ấy liên tục xảy ra trong thời gian ngắn gần đây, khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng cho sự an toàn của con trẻ khi ở trường.

Mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, an toàn.

Mới đây nhất, một tai nạn vừa ập đến với các học sinh ở Trường Tiểu học Thạnh Quới A (huyện Long Hồ, Vĩnh Long). Trong khi khoảng 90 học sinh khối lớp 3 và 4 của trường đang ngồi học trong lớp thì bất ngờ trần nhà và bóng đèn… đổ sập xuống đầu các em. Vụ việc khiến ít nhất 20 học sinh bị trần nhà rơi trúng, có 9 em bị thương được thầy, cô đưa vào bệnh viện cấp cứu. Điều đáng nói là ngôi trường này vừa được sửa chữa nâng cấp toàn bộ mái, trần nhà, đường điện và sơn mới cách đây hơn 1 năm.

Hay một vụ việc khác cũng đang khiến dư luận quan tâm là sự cố một học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tam Quan I ( huyện Tam Đảo- Vĩnh Phúc) bị cánh cổng nhà trường đổ sập vào người gây gãy xương đòn vai trái, phải nhập viện bó bột. Tuy nhiên, thay vì hợp tác, thăm hỏi động viên gia đình cháu thì Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quan I lại khẳng định nhà trường không có trách nhiệm phải thăm hỏi…Những phát ngôn ấy ngay lập tức bị dư luận chỉ trích.

Hơn hai tháng trước, bên thềm năm học mới 2017-2018, vụ việc sập sàn phòng học 60 năm tuổi ở Trường THCS - THPT Đống Đa - TP Đà Lạt làm 10 học sinh rớt từ tầng 1 xuống tầng trệt, nhiều em chấn thương nặng phải nhập viện cấp cứu…đã khiến người dân cảm thấy bất an. Một câu hỏi lớn cũng được đặt ra: Trước khi xảy ra sự cố sập phòng học, Trường THCS-THPT Đống Đa đã kiến nghị nâng cấp nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng. Vậy tại sao vấn đề an toàn tại trường học bị xem nhẹ như vậy?

Thời gian gần đây nhiều vụ tai nạn xảy ra trong trường học đã thu hút sự quan tâm, và khiến dư luận xã hội rất băn khoăn. Bởi ngoài những nguy cơ mất an toàn từ các công trình xây dựng kém chất lượng, công trình phòng học xuống cấp, công trình phụ trợ thiếu an toàn thì những mối đe dọa đến tính mạng học trò còn đến từ nhiều nguyên nhân khác như bạo lực học đường, nô đùa quá khích, tai nạn đến từ phòng thí nghiệm …

Đơn cử như mới đây trong lúc vui đùa, xô đẩy nhau ở tầng 2, một học sinh lớp 8 của Trường THCS Đoàn Thị Điểm- Hà Nội đã bất ngờ ngã xuống tầng 1 dẫn đến thương tích nặng.

Cách đây vài tuần, một học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cũng bị rơi từ tầng 3 xuống đất, bị chấn thương vùng xương chậu và chân. Nguyên nhân được xác định là do học sinh này trèo qua lan can để lấy quả cầu bị rơi và không may trượt chân khỏi mái che và rơi xuống đất…

Rồi còn đó là vấn nạn bạo lực học đường, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây thương tích, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý học sinh và phụ huynh.

Vụ việc nữ sinh lớp 7 tại Trường THCS Trường Yên (huyện Chương Mỹ Hà Nội ) đã bị bạn học bạo hành dã man, bị xé áo ngay tại lớp học đã khiến dư luận phẫn nộ. Đáng tiếc là cuộc bạo hành tập thể ấy đã không được người lớn biết để ngăn chặn kịp thời.

Thậm chí vì mâu thuẫn cá nhân mà có những học sinh đã bị hành hung dã man ngay trong lớp học dẫn tới chấn thương sọ não như trường hợp của em Trần Quyết Thắng, học sinh lớp 10, Trường THPT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cách đây ít lâu….

Cho rằng việc đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh trong trường học là việc làm cấp thiết, song nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng không phủ nhận đâu đó vẫn còn tồn tại những yếu tố gây mất an toàn trong môi trường học đường. Chính vì thế mà lâu nay việc xây dựng môi trường an toàn, trang bị cho học sinh các kỹ năng đảm bảo cho bản thân là điều được các trường đặc biệt coi trọng và đau đầu tìm giải pháp.

Sau khi nhiều vụ việc mất an toàn trong trường học liên tiếp xảy ra, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra văn bản chấn chỉnh các trường về vấn đề này. Trong đó, Sở yêu cầu các trường rà soát, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng hóa chất, phòng thí nghiệm, các phương tiện cứu hỏa, căng tin… Đặc biệt, Sở khuyến khích các trường lắp camera để theo dõi, kiểm soát nguy cơ gây tai nạn cũng như các vụ xâm hại tình dục, trộm cướp…

Từ năm học trước, nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn trường học, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường nhiều giải pháp ngăn chặn tai nạn thương tích; bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; tăng cường phòng chống cháy nổ…

Nhưng rõ ràng mọi việc vẫn chưa thực sự như mong muốn. Làm thế nào để đảm bảo an toàn môi trường học đường hôm nay- vẫn là mối quan tâm của cả cộng đồng. Để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, an toàn trường học có lẽ cần được coi là một trong những nội dung thiết thực, quan trọng không kém việc dạy chữ và rèn người. Và hơn thế là không bao giờ được xem nhẹ, chủ quan đối với an toàn trường học.

Tường đổ, gạch rơi, thang máy hỏng và những cái chết ở trường học

Sự cố học đường từng gây ra nhiều cái chết thương tâm cho học sinh trên thế giới. Giá như trường cẩn thận hơn, gia ...

Giáo viên bị phụ huynh hành hung, nhà trường hay “võ đường”?

Giáo viên trường tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) phải nhập viện sau khi bị phụ huynh hành hung và một số vụ ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/an-toan-truong-hoc-383202

/ Vi Cầm/daidoanket.vn