Chế độ ăn nhiều muối có liên quan mật thiết đến các bệnh tim mạch như cao huyết áp, thậm chí còn đẩy nhanh quá trình viêm nhiễm các bộ phận cơ thể.
Theo số liệu được công bố trên tạp chí The Lancet, năm 2017 thế giới có 3 triệu ca tử vong vì tim mạch do ăn quá nhiều muối. Điều nghiêm trọng hơn là những tổn hại sức khỏe có thể gây ra do ăn quá nhiều muối không chỉ dừng lại ở đó.
Chế độ ăn nhiều muối làm tăng phản ứng viêm
Ảnh hưởng của chế độ ăn nhiều muối với huyết áp của mỗi người có những khác biệt nhất định. Về mặt lâm sàng, chúng ta có thể được chia thành 2 nhóm: những người nhạy cảm với muối và những người không nhạy cảm với muối.
Những người được coi là nhạy cảm với muối nếu huyết áp động mạch trung bình (MAP) của họ tăng từ 10% trở lên khi áp dụng chế độ ăn ít muối hoặc chế độ ăn nhiều muối. Còn nếu mức tăng dưới 10%, họ không nhạy cảm với muối.
Những người nhạy cảm với muối thường dễ bị cao huyết áp hơn nếu ăn nhiều muối, trong khi những người không nhạy cảm với muối thì ít bị ảnh hưởng hơn. Do đó, các bác sĩ thường quan tâm đến việc kiểm soát muối ở những người nhạy cảm với muối hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố bởi bác sĩ Mu Jianjun, Chủ nhiệm Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chi nhánh số 1 của Đại học Giao thông Tây An (TQ) và một số chuyên gia khác trên Tạp chí Chinese Circulation Journal cho thấy ảnh hưởng của chế độ ăn nhiều muối đối với những người không nhạy cảm với muối cũng không hề nhỏ.
Nghiên cứu đã chọn những đối tượng có huyết áp bình thường trong độ tuổi từ18 đến 60 tuổi để tham gia vào bài kiểm tra lượng muối trong 3 tuần. Kết quả cho thấy, bất kể họ có nhạy cảm với muối hay không, hai chỉ số chính của chứng viêm đều tăng lên đáng kể khi ăn nhiều muối, gây ra tình trạng viêm trong cơ thể.
Trạng thái viêm có thể gây thiếu kết dính bạch cầu, ảnh hưởng đến hệ renin-angiotensin và hệ thần kinh giao cảm, gây tổn thương chức năng của tế bào nội mô mạch máu, làm trầm trọng thêm tình trạng co mạch, cuối cùng dẫn đến tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và chứng huyết khối.
Bác sĩ Mou Jianjun cho biết, do phát hiện ra cơ chế này nên giới y học quốc tế cho rằng cao huyết áp có thể là một bệnh viêm mãn tính. Những người có hoặc không nhạy cảm với muối đều đối mặt với rủi ro về sức khỏe do ăn nhiều muối.
Ngoài các nghiên cứu trên, Trung tâm nghiên cứu thí nghiệm động vật, Viện khoa học y khoa Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng, lượng muối cao có thể thông qua hoạt hóa tiểu cầu kích hoạt các tế bào liên quan đến phản ứng viêm, từ đó gây viêm mạch máu.
Trên "Tạp chí Nghiên cứu Tế bào", Trung tâm nghiên cứu khoa học dinh dưỡng, thuộc Viện Sinh học Thượng Hải, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc chỉ ra rằng, môi trường nhiều muối sẽ làm tăng biểu hiện của các gen liên quan đến chứng viêm và làm giảm biểu hiện của các gen chống viêm, làm cơ thể xuất hiện phản ứng viêm.
Viêm nhiễm gây ra nhiều bệnh
Về mối liên hệ giữa chứng viêm và chế độ ăn nhiều muối, các chuyên gia giải thích rằng khi lượng muối ăn vào quá nhiều, cơ thể có thể sản sinh ra tế bào miễn dịch, nếu lượng tế bào miễn dịch sinh ra quá nhiều sẽ thúc đẩy yếu tố gây viêm, từ đó dẫn đến phản ứng viêm.
Khi phản ứng viêm trầm trọng hơn, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các tế bào thường, làm rối loạn chức năng và quá trình trao đổi chất của cơ thể, từ đó có thể gây ra nhiều loại bệnh.
Bệnh tim mạch
Bác sĩ Mou Jianjun cho biết, chế độ ăn nhiều muối có thể làm gia tăng sự xâm nhập của các tế bào viêm, tăng mức độ viêm, làm tổn thương mạch máu, dễ gây đột quỵ, phì đại cơ tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, v.v... Về mặt lâm sàng, nếu nồng độ natri trong nước tiểu đạt 100 mmol/24 giờ thì tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch sẽ tăng lên đáng kể.
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Trong cơ chế hình thành của bệnh tiểu đường tuýp 2 có một "thuyết viêm" cho rằng, kháng insulin và khiếm khuyết bài tiết insulin ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 là do tình trạng viêm mãn tính của các cơ quan tương ứng, trong khi đó phản ứng viêm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến triển từ bệnh béo phì sang tiểu đường tuýp 2.
Bệnh thận
Hầu hết lượng muối ăn vào đều được chuyển hóa qua thận, vì vậy chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, khiến chức năng thận suy giảm. Một nghiên cứu y học khác cho thấy, lượng protein trong nước tiểu tăng lên do viêm nhiễm cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương thận.
Bệnh phổi
Một nghiên cứu trên động vật được công bố trong tạp chí "Cell Research" vào năm 2015 cho thấy, nếu liên tục ăn nhiều muối có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và tổn thương phổi ở chuột.
So với những con chuột có chế độ ăn bình thường, những con chuột ăn nhiều muối có mức độ biểu hiện của các phân tử gây viêm trong phổi cao hơn, bị phù phổi nghiêm trọng hơn.
Khối u, khiến ung thư sinh sôi
Một bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế "Nature" đã chỉ ra rằng, tình trạng viêm thúc đẩy sự phát triển của khối u, bao gồm cung cấp môi trường thích hợp cho tế bào ung thư sinh sôi, thúc đẩy hình thành mạch máu để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng choa tế bào ung thư, đồng thời thay đổi sự đáp ứng với liệu pháp hormone và hóa trị.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Cell" năm 2010 cho thấy thêm rằng, tình trạng viêm đóng vai trò quyết định trong quá trình khởi phát, tiến triển, xâm lấn và di căn của khối u.
Hãy sớm thực hiện chế độ ăn ít muối
Lượng muối bình quân mà mỗi người ăn vào hàng ngày không nên vượt quá 5 gam. Bác sĩ Cai Jingjing, chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Nhân dân, Đại học Bắc Kinh (TQ) khuyên rằng, những người mắc các căn bệnh đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ lượng muối ăn vào hàng ngày.
Ví dụ, bệnh nhân cao huyết áp không được ăn quá 5 gam muối mỗi ngày, tương đương với lượng muối đựng trong một nắp bia; với người suy thận nên kiểm soát lượng muối ăn dưới 3 gam mỗi ngày. Để làm được điều này, các chuyên gia khuyên bạn nên kiểm soát từ ba khía cạnh.
1. Xác định nguồn gốc của loại muối sử dụng
Giáo sư He Fengjun, Đại học Queen Mary London (Anh) cho biết, hiện nay vì sự phát triển nhanh chóng của các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đường phố, nhà hàng và các chuỗi thức ăn nhanh khác... nên chúng ta cần phải chú ý đến hàm lượng muối trong các loại thức ăn.
Nước tương, đậu phụ sốt, dưa muối, rau muối, thịt xông khói, thịt bò sốt, giăm bông, xúc xích... là những thực phẩm chứa rất nhiều muối.
Ví dụ, một quả trứng vịt muối chứa 4 gam muối, một chiếc lạp sườn Quảng Đông chứa 3 gam muối, một miếng đậu phụ (khoảng 20 gam) chứa 1,5 gam muối, và một số đồ ăn ngọt cũng chứa hàm lượng muối cao.
Do đó, ngoài việc hạn chế ăn ở ngoài và ít ăn thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên kiểm tra kỹ thành phần dinh dưỡng của thực phẩm khi mua, ưu tiên những thực phẩm có hàm lượng natri thấp.
2. Dùng thìa để đong muối khi nấu ăn
Một nghiên cứu gần đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố cho thấy, nếu sử dụng loại thìa 2 gam để đong muối khi nấu ăn, bạn có thể giảm trung bình 3,49 gam muối ăn vào mỗi ngày sau 3 năm, trong khi những người không sử dụng thìa đong muối chỉ có thể giảm 2,2 gam.
Sau 3 năm, những người sử dụng thìa đong muối để nấu ăn cũng có huyết áp giảm hơn những người không sử dụng thìa đong muối.
Ngoài ra, khi nấu ăn ở nhà, hãy tận dụng giấm, nước cốt chanh, hành, gừng, tỏi và các gia vị khác, có thể làm giảm cảm giác khó chịu khi giảm hương vị mặn, ít ăn đồ chiên nướng, áp dụng thêm các phương pháp nấu ăn khác cũng có lợi cho việc kiểm soát lượng muối sử dụng.
3. Các loại muối natri thấp được ưu tiên
Bác sĩ Mu Jianjun nói rằng, những người có chức năng thận bình thường nên sử dụng muối natri thấp, loại muối này được bổ sung thêm kali, có tác dụng đối kháng với khoáng chất natri, giúp thúc đẩy bài tiết natri.
Nhìn chung, rất khó để áp dụng nghiêm ngặt chế độ ăn 5 gam muối/người/ngày trong một thời gian ngắn. Nhưng chế độ ăn ít muối có thể dần trở thành thói quen. Mỗi ngày ăn bớt đi một chút muối, theo thời gian bạn có thể đạt được mục tiêu cuối cùng. Nhìn chung, chúng ta có thể thích nghi với hương vị mới của món ăn trong 2 tuần và hình thành được thói quen tốt này sau 3 tháng.
LAN HƯƠNG (Nguồn: health.people)
Người Việt lười vận động, ăn ít rau nhiều muối |
Lý do người Việt Nam ăn thuộc dạng mặn nhất thế giới |