Ấn Độ lên án Trung Quốc điều quân ồ ạt qua biên giới tranh chấp

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar lên án Trung Quốc điều quân, xây dựng cơ sở hạ tầng ở biên giới tranh chấp, này “làm xáo trộn sâu sắc" quan hệ hai nước.

Hôm 28/1, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar lên án cuộc giao tranh bạo lực ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya vào tháng 6 năm ngoái khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đồng thời cho rằng, sự việc này “không chỉ phản ánh sự coi thường các cam kết của Trung Quốc về giảm quân số ở biên giới mà còn cho thấy nước này sẵn sàng gây bất ổn cho hòa bình khu vực”. Đây là cuộc đụng độ chết người đầu tiên dọc theo biên giới tranh chấp giữa hai nước kể từ năm 1975.

Ngoại trưởng Jaishankar phát biểu tại Hội thảo Nghiên cứu về Trung Quốc, một sự kiện thường niên do Viện Nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi tổ chức: “Đó là lý do tại sao các sự kiện ở phía Đông Ladakh năm ngoái đã gây xáo trộn sâu sắc đến mối quan hệ song phương”.

“Điều quan trọng là đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được lời giải thích đáng tin cậy nào về sự thay đổi lập trường của Trung Quốc hoặc lý do nước này điều quân đội ồ ạt đến khu vực biên giới. Điều này buộc Ấn Độ phải đưa ra phản ứng thích hợp, trong những hoàn cảnh rất khó khăn", Ngoại trưởng Jaishankar nói.

Ấn Độ lên án Trung Quốc điều quân ồ ạt qua biên giới tranh chấp - 1
Ấn Độ lên án Trung Quốc điều quân và xây dựng cơ sở hạ tầng ở biên giới tranh chấp. (Ảnh: The Indian Express)

Mối quan hệ Trung - Ấn đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, trong đó Bắc Kinh và Delhi vẫn đang trong tình trạng bế tắc sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả.

Hôm 25/1, Ấn Độ cho biết, quân đội hai bên đã có "cuộc đối đầu nhỏ" vào tuần trước ở khu vực Sikkim, nhưng vấn đề đã được "giải quyết". Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ “kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc trầm trọng thêm tình hình biên giới”.

Căng thẳng biên giới đã khiến cho quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc căng thẳng trên nhiều mặt trận. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối với 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok và WeChat, vì lý do an ninh quốc gia. Bắc Kinh đã thúc giục phía Ấn Độ đảo ngược các lệnh cấm, cho rằng quyết định của New Delhi vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tại hội thảo hôm 28/1, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết, trong thời điểm này ông không có “câu trả lời” về cách giải quyết những bất đồng trong quan hệ hai nước, song nhấn mạnh Đường kiểm soát thực tế (LAC) cần được “tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt”. Ông nói rằng đã có các cuộc đàm phán về việc rút quân khỏi khu vực biên giới, nhưng lợi ích của các bên cần được đảm bảo.

Đường kiểm soát thực tế (LAC) được thiết lập sau khi Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra chiến tranh biên giới vào năm 1962, nhưng phần lớn không được đánh dấu, phân chia rõ ràng nên dẫn đến tranh chấp giữa những lính tuần tra hai nước.

Theo Ngoại trưởng Jaishankar, không có tiến bộ đáng kể, gia tăng hiểu biết chung giữa hai nước trong vấn đề LAC kể từ khi Ấn Độ và Trung Quốc xây dựng lại quan hệ sau chiến tranh, cho rằng Bắc Kinh đang tích cực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở biên giới tranh chấp.

Truyền thông đưa tin, mới đây Trung Quốc đã xây dựng một ngôi làng mới trên lãnh thổ tranh chấp ở Arunachal Pradesh. Điều này khiến bùng phát căng thẳng vào tuần trước. Tuy nhiên, Bắc Kinh gọi đó là hoạt động "xây dựng bình thường" trên lãnh thổ của nước này.

Trung Quốc rút 10.000 lính khỏi khu vực tranh chấp với Ấn Độ Trung Quốc rút 10.000 lính khỏi khu vực tranh chấp với Ấn Độ

Trung Quốc có thể đã rút 10.000 lính khỏi vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ, khi khả năng xảy ra xung đột sắp ...

/ vtc.vn