Một thanh niên New Zealand hoang tưởng đã thực hiện kế hoạch bắn vào đoàn xe chở Nữ hoàng Anh năm 1981 song thất bại.
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip trong chuyến thăm New Zealand năm 1981. Ảnh: BBC.
Christopher John Lewis ngày 14/10/1981 đã bắn vào đoàn xe của Nữ hoàng Anh Elizabeth II từ phòng vệ sinh trên tầng 5 một tòa nhà nhìn xuống đoàn diễu hành hoàng gia, theo các tài liệu từ Cơ quan Tình báo An ninh (SIS) New Zealand.
Lewis bắn trượt và không bị kết tội cố ý giết người. Kế hoạch ám sát nữ hoàng của Lewis được SIS giấu kín suốt hơn một thập kỷ trước khi truyền thông New Zealand rầm rộ đưa tin về nó vào giữa thập niên 1990.
Hồi đầu tháng, phóng viên New Zealand Hamish McNeilly cuối cùng cũng thành công trong việc tiếp cận những tài liệu mật từ SIS, qua đó xác nhận về kế hoạch ám sát cũng như cuộc điều tra của cảnh sát.
Bản sao tài liệu được cung cấp cho CNN đã miêu tả cách Lewis, thanh niên bị chẩn đoán mắc chứng tâm thần hoang tưởng, hành động nhân danh cái gọi là "Quân Du kích Hoàng gia Quốc gia" với sự giúp đỡ của "hai người bạn nhiều khả năng do Lewis tưởng tượng ra, lần lượt mang tên \'Người tuyết\' và \'Gấu Bắc cực\'".
Kế hoạch ám sát
Theo tài liệu và bài viết của McNeilly, sáng ngày 14/10, Lewis, lúc bấy giờ vẫn đang học trung học, đạp xe tới tòa nhà 7 tầng Adams Building. Lewis chọn tòa nhà này vào phút cuối vì tầm nhìn của nó xuống con đường nơi đoàn xe hộ tống Nữ hoàng Anh đi qua ở thành phố Dunedin, phía nam New Zealand.
Trên tầng 5, từ bên trong một phòng vệ sinh, Lewis dựng khẩu súng trường lấy trộm được trước đấy lên bệ cửa sổ rồi lặng lẽ chờ đợi chiếc Rolls Royce chở Nữ hoàng tiếp cận đám đông đang tụ tập bên ngoài Bảo tàng Otago. Khi Nữ hoàng bước ra khỏi xe cùng chồng, Hoàng thân Philip, Lewis bóp cò.
Viên đạn bắn trượt quá xa nên mọi thứ vẫn diễn ra như bình thường, không có bất kỳ xáo động nào. Một báo cáo của cảnh sát cho biết việc lựa chọn tòa nhà Adams Building khiến Lewis không có góc ngắm bắn tốt. Thêm vào đó, Nữ hoàng chỉ xuất hiện trong đúng 8 giây.
"Quỹ đạo viên đạn hướng lên phía trên đám đông thay vì bắn xuống đường", báo cáo viết.
Lewis, lúc bấy giờ 17 tuổi, là một thanh niên bất hảo với rất nhiều tiền sự. Một tuần sau, Lewis bị bắt vì tham gia một vụ cướp có vũ trang cùng hai đồng phạm. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện Lewis có liên quan tới khẩu súng mà họ tìm thấy tại tòa nhà Adams Building.
"Lewis không bị khép bất cứ tội danh nào ngoài sở hữu/xả súng bất hợp pháp", báo cáo của cảnh sát nêu rõ. "Lewis... sống trong một thế giới mộng mơ và bị ảnh hưởng vì đọc những tạp chí như \'Gun Ho\' chuyên về thiết bị quân sự, chiến thuật và chiến tranh du kích".
Một báo cáo sau đó do SIS soạn thảo vào năm 1997 kết luận "Lewis thực sự có ý định ám sát Nữ hoàng. Tuy nhiên, y đã không có điểm thuận lợi để ngắm bắn hoặc một khẩu súng trường đủ mạnh đáp ứng khoảng cách tới mục tiêu".
Che giấu
Dù cảnh sát tại hiện trường và vài nhân chứng nhận ra âm thanh từ phát súng của Lewis, câu chuyện nhanh chóng bị che đậy và lái sang một phiên bản hoàn toàn khác. "Hầu hết các cơ quan truyền thông đều bị thuyết phục rằng âm thanh phát ra khi ấy là tiếng pháo hoa", báo cáo từ cảnh sát cho hay. Những phóng viên khác được bảo rằng tiếng động là do một tấm bảng hiệu rơi xuống đất.
Những thông tin trên có lẽ đã ảnh hưởng tới quyết định của nhà chức trách giảm tội danh đối với Lewis từ phản quốc xuống còn sở hữu và xả súng bất hợp pháp. Người bị kết tội phản quốc thời điểm đó có thể đối mặt án tử hình.
Báo cáo của cảnh sát cũng bày tỏ lo ngại rằng khi Lewis được giải tới tòa xử án, các phóng viên có thể "liên hệ giữa ngày xảy ra sự việc với chuyến thăm của Nữ Hoàng".
Câu chuyện chính thức được tiết lộ vào những năm 1990 khi một số người am hiểu cuộc điều tra bắt đầu lên tiếng với truyền thông. Báo chí thời ấy cho rằng âm mưu ám sát bị che giấu chủ yếu vì lo sợ nó có thể ảnh hưởng tới những chuyến viếng thăm tương lai của Nữ hoàng. Lewis bị gọi là một kẻ "chống hoàng gia".
Một bài báo đưa tin về âm mưu ám sát Nữ hoàng Anh của Lewis. Ảnh: New Zealand SIS.
Kẻ hoang tưởng
Sau khi thực hiện vụ ám sát, Lewis bị kết án ba năm tù với tội danh sở hữu vũ khí trái phép. Y được chuyển từ một trung tâm giam giữ thanh thiếu niên qua nhiều bệnh viện tâm thần khác nhau. Ra tù năm 1985, Lewis tiếp tục bị bắt vì trộm cướp. Y nhận thêm 8 năm tù.
Năm 1992, vừa ra tù không lâu, Lewis lại quay về với những song sắt buồng giam vì cướp ngân hàng. Năm 1995, Lewis được trả tự do giữa lúc Nữ hoàng Elizabeth chuẩn bị có chuyến thăm thành phố Auckland của New Zealand. "Lewis khẳng định mình đã thay đổi", một báo cáo mới được giải mật cho hay. "Tuy nhiên, cảnh sát vẫn hoài nghi bởi những hành động hoang tưởng trong quá khứ của y. Họ dự định giữ liên lạc hàng ngày với Lewis trong quãng thời gian Nữ hoàng thăm Auckland".
Theo McNeilly, chính phủ đã chi tiền để đưa Lewis tới đảo Great Barrier, ngoài khơi phía bắc New Zealand.
"Tôi đã có một kỳ nghỉ tuyệt vời và không phải lúc nào bạn cũng có thể dành 10 ngày nghỉ ngơi, rời khỏi Auckland", Lewis viết trong tự truyện. "Tất nhiên, tôi đã muốn bắn ai đó... Nhiệm vụ thật đơn giản, chỉ cần bay về Auckland và ra tay".
Một năm sau, Lewis bị cáo buộc giết hại Tanya Furlan, bà mẹ ba con sống tại Auckland. Y đánh chết người phụ nữ tại nhà riêng và bắt cóc một trong những đứa trẻ nhưng rồi lại thả ra. Ngày 23/9/1997, Lewis tự sát trong buồng giam trong lúc chờ đợi phiên tòa xét xử.
Vụ ám sát "rửa nhục" Trân Châu Cảng gây tranh cãi của người Mỹ
Đô đốc Isoroku Yamamoto - người lên kế hoạch cuộc tấn công Trân Châu Cảng đã bị Mỹ phục kích để trả thù. Vụ ám ... |
Triều Tiên lên án Mỹ tung vũ khí ám sát ông Kim Jong-un
Ngày 22-2, Triều Tiên lên án một kế hoạch của Mỹ về việc triển khai 12 máy bay không người lái có khả năng tiến ... |