Ám ảnh Trà Leng

Khung cảnh tan hoang ở Trà Leng sau trận sạt lở núi kinh hoàng, gieo trong tâm trí tôi nỗi ám ảnh, đau xót khôn nguôi.

Tháng 6. Dải đất miền Trung nắng như đổ lửa. Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đổ vào Quảng Nam vẫn đang gồng mình trước “cuộc chiến” phòng chống đại dịch COVID-19.

Riêng tại Quảng Nam, ngày 19/6, địa phương tôi đang sinh sống và làm việc ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 mới nhất trong cộng đồng sau hơn 1 tháng “sạch bóng” COVID-19. Thông tin này đồng nghĩa, tôi phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh hoành hành trở lại.

Ám ảnh Trà Leng - 1
Đường vào nóc Ông Đề xuất hiện nhiều điểm trơn trượt khiến PV không ít lần ngã nhào. (Ảnh: Đắc Thành)

Suốt một năm rưỡi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, những chuyến thực tế ghi nhận, chuyển tải thông tin đến độc giả của tôi gắn liền với không ít kỷ niệm. Ấy nhưng, để chia sẻ một chuyến tác nghiệp đáng nhớ nhất, với tôi, các mẩu chuyện xoay quanh dịch bệnh, rõ ràng dù nhiều vô số kể, song lại không lưu dấu in đậm bằng trận sạt lở tang thương ở Trà Leng.

Tôi vẫn nhớ như in, ngày 28/10/2020, cùng với Quảng Ngãi, Quảng Nam trở thành tâm bão khi trận cuồng phong Molave ập vào đất liền. Trong vòng vài giờ đồng hồ cơn bão quét qua, thiệt hại để lại là vô số kể. Không ít ngôi nhà bị quật sập, cây cối bật gốc nằm la liệt trên các tuyến đường lớn, nhỏ. Sau một ngày lăn lộn ngoài hiện trường để ghi nhận hình ảnh, chuyển tải thông tin xoay quanh cơn bão đến độc giả, tôi trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối. Bộ quần áo ướt sũng tự bao giờ và người cứ run lên bần bật vì lặm nước mưa ròng rã cả ngày.

Tắm táp xong xuôi và ăn tạm gói mì lót dạ, tôi tranh thủ tận dụng lượng pin ít ỏi để mở máy tính xử lý bản tin liên quan đến cơn bão. Điện đài vẫn tắt ngúm và chưa có thông báo mở trở lại, trong khi pin điện thoại báo yếu chỉ còn 5%. Ngoài trời, mưa vẫn rơi lã chã, nước ngập lênh láng khắp lối vào nhà.

23h, tạm gác lại công việc sau một ngày mệt nhoài, tôi ngả lưng ngơi nghỉ để lấy sức cho ngày mai tiếp tục “chiến đấu”. Nào ngờ, chừng 10 phút sau, điện thoại của tôi rung lên liên hồi. “Em ơi, huyện Nam Trà My có vụ sạt lở khiến nhiều người thiệt mạng”, giọng run run, đứt quãng của chị Thư ký tòa soạn khiến phút chốc tôi bàng hoàng. Tròm trèm 9 năm gắn bó với nghề báo nhưng tôi vẫn không đủ bản lĩnh để vượt qua cảm giác hoảng sợ, mất bình tĩnh khi nghe có vụ chết chóc.

Mất vài phút định thần, tôi chốt quyết định và báo cáo cơ quan sẽ lên đường ngay trong đêm khuya. Khoảng cách từ chỗ tôi cư trú đến xã miền núi Trà Leng, huyện Nam Trà My ngót hơn 160 cây số.

Cú trượt chân khi bước qua khúc gỗ làm tôi ngã nhào xuống vũng bùn sâu cả mét là khoảnh khắc không thể nào quên.

“Cưỡi” xe máy chạy một mạch vào TP Tam Kỳ đúng 1h sáng 29/10. Quãng đường lên hiện trường sạt lở lúc này rút ngắn còn 110 cây số.

Bấy giờ, tôi tiếp nhận thông tin rằng xe máy và ô tô bình thường không thể lên huyện miền núi Nam Trà My. Trước tình thế này, tôi quyết định gửi lại xe máy rồi cùng 2 đồng nghiệp khác di chuyển đến trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để “quá giang”.

Đúng 1 tiếng sau, đoàn xe chở lực lượng quân đội lăn bánh, thẳng tiến về hướng núi Nam Trà My. Tôi may mắn là một trong số ít phóng viên có mặt trên những chuyến xe đầu tiên đưa lực lượng lên đường cứu hộ.

Dọc tuyến Quốc lộ 40B nối TP Tam Kỳ đi các huyện: Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, đoàn chúng tôi gặp không ít trở ngại vì sau bão đã xuất hiện vô số khu vực bị cây cối, đất đá vùi lấp mặt đường. Di chuyển đến đâu, lực lượng quân đội phải cật lực dọn dẹp “chướng ngại vật” đến đó. Do vậy, thời gian tiếp cận hiện trường càng nới dài thêm.

Trắng đêm mở đường, tờ mờ sáng, cả đoàn xe “đứng bánh” tại khu vực gần lối dẫn vào thủy điện Sông Tranh 2, nằm trên địa bàn xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My. Một quả đồi to tướng sạt lở, trút hàng ngàn khối đất đá xuống mặt đường khiến lực lượng chức năng oằn mình cùng xe cơ giới thu dọn suốt gần 5 tiếng đồng hồ.

11h trưa, xe máy mới bắt đầu được lưu thông. Không có phương tiện, tôi tiếp tục "quá giang" xe máy của một đồng nghiệp. Tưởng chừng 30 cây số còn lại sẽ dễ dàng hơn nhưng chỉ đoạn đường ngắn nối 2 huyện Bắc Trà My - Nam Trà My, tôi và anh bạn đồng nghiệp đối diện thêm 3-4 điểm sạt lở. Nhiều đoạn cả hai phải xuống xe, trợ sức khiêng xe máy qua vũng bùn lầy sâu tới đầu gối. Đầu giờ chiều, rốt cuộc chúng tôi cũng đến được địa phận xã Trà Leng. Trời vẫn lất phất mưa bay trong khung cảnh não nề và sự buồn bã hiển hiện trên đôi mắt của đồng bào Trà Leng. “Đường bị chia cắt rồi, phải gửi xe máy đi bộ chừng một tiếng rưỡi mới vào tới nóc Ông Đề, thôn 1. Dọc đường, sạt lở vẫn còn, nguy hiểm lắm” – một người dân ngụ cư ven đường cảnh báo.

Bỏ ngoài tai, tôi và anh bạn đồng nghiệp gửi lại xe máy, nuôi ý chí cuốc bộ vào tận nơi sạt lở gieo rắc nỗi tang thương. Và dù rất quyết tâm, song hành trình lội bộ trên con đường núi hiểm trở, lầy lội với tiềm ẩn nguy cơ sạt lở hai bên sườn đồi cũng thoáng chốc khiến chúng tôi nao núng. Đặc biệt, cú trượt chân khi bước qua khúc gỗ làm tôi ngã nhào xuống vũng bùn sâu cả mét, ắt hẳn là khoảnh khắc không thể nào quên.

Ám ảnh Trà Leng - 2
PV Thanh Ba tại hiện trường vụ sạt lở ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng.

Vượt lên mọi gian nan thử thách, hiểm trở, đúng 14h30, tôi và anh bạn đồng nghiệp là hai trong số ít phóng viên có mặt ở nóc Ông Đề sớm nhất.

Hình ảnh các nạn nhân còn sống được bà con khiêng võng, bước đi như chạy rời khỏi tán rừng để ra trung tâm huyện cấp cứu kèm tiếng khóc thút thít thực sự quá đỗi xót xa. Đứng ở đoạn cuối con đường, phóng tầm nhìn xuống hiện trường sạt lở khiến 22 người chết và mất tích cùng 15 ngôi nhà của đồng bào M’Nông bị vùi lấp, nóc Ông Đề hiện ra như một thung lũng. Bên kia sườn núi, con suối Pa Ranh vẫn cuồn cuộn trút xuống tiệm cận khu vực hàng trăm người đang lật dỡ từng khúc gỗ, mái tôn với hy vọng vớ tay trúng nạn nhân bị chôn vùi.

Chứng kiến thời khắc bé gái 2 tuổi được bới lên từ dưới lớp bùn sâu, tim tôi đập loạn thịch. Chân tay run lên bần bật, không phải vì lạnh mà bởi chẳng còn hình ảnh nào xót xa hơn đến thế.

Tôi lội bộ thêm một đường vòng cung men theo đồi núi thì mới đặt chân đến ngôi làng vừa hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên vào chiều 28/10 định mệnh. Lúc này, tiếng thúc giục của lực lượng cứu hộ, tiếng ai oán của bà con địa phương cùng tiếng khóc xé lòng của thân nhân người bị nạn như kéo nỗi đau thương, mất mát về phía vô tận. Hình ảnh Hồ Thị Hòa khóc lịm trên ngọn đồi phía sau nhà, nghẹn giọng gọi cha mẹ, em gái 6 tuổi và đứa con trai 4 tuổi khiến tôi chết lặng. Cú vặn mình oan nghiệt của núi khiến phút chốc Hòa mất đi 4 người thân. Cảm thương hơn khi hôm cơn bão ập vào, Hòa còn dự định cuối tháng nhận tiền lương sẽ đón xe từ TP Tam Kỳ về mua sữa bồi bổ cho con nhỏ. Ấy vậy mà khi sữa còn chưa kịp mua thì đứa con Hòa rứt ruột sinh ra đã không còn.

Ngoài nỗi đau thấu trời mất con, núi lở nhấn chìm làng mạc còn khiến nhiều em trở thành những học trò M’Nông mồ côi chơi vơi giữa dòng đời. Đơn cử như hoàn cảnh thương tâm của Hồ Văn Trí, Hồ Văn Trung, Hồ Thị Điệp và Hồ Văn Đệ. Cả bốn anh em đều nằm trong độ tuổi đến trường, trong đó người anh cả Hồ Văn Trí trải qua năm cuối đại học. Buổi chiều 29/10, khi thi thể cha mẹ được lực lượng cứu hộ đưa lên từ dưới lớp bùn sâu cả thước, Trí hiểu rằng, từ giây phút ấy, cậu nghiễm nhiên phải trở thành điểm tựa để đùm bọc 3 đứa em thơ.

Mất mát, đau thương là không kể xiết. Trong 4 ngày tác nghiệp ở Trà Leng, hôm nào tôi cũng có mặt tại hiện trường từ rất sớm và rời đi lúc trời nhá nhem tối. Từng thông tin, hình ảnh, clip được tôi ghi nhận, chuyển tải về tòa soạn có lẽ lúc nào cũng đan xen một nỗi buồn sâu thẳm, ám ảnh và khôn nguôi.

Và hình ảnh để lại trong tôi nỗi đau đớn, ám ảnh dai dẳng nhất có lẽ là giây phút bé gái 2 tuổi được lực lượng cứu hộ bới lên từ dưới lớp bùn sâu hoắm. Chứng kiến thời khắc ấy, tim tôi đập loạn thịch. Chân tay run lên bần bật, không phải vì lạnh mà bởi chẳng còn hình ảnh nào xót xa hơn đến thế.

Về dưới xuôi, song ám ảnh về cảnh tượng tan hoang cùng nỗi đau thấu trời ở Trà Leng vẫn ăn sâu vào tâm trí tôi. Mấy tháng qua, người dân trên khắp mọi miền đất nước đã chung tay, giúp đỡ đồng bào vùng sạt lở vực dậy sau tang thương bằng việc xây nhà, hỗ trợ kế sinh nhai.

Với riêng tôi, phóng viên từng trải qua những ngày tác nghiệp ám ảnh khó quên, mong sao bà con nóc Ông Đề sẽ gói ghém đau thương, trở mình hồi sinh và hướng về tương lai tươi đẹp.

THANH BA

Người dân Trà Leng chuyển về làng mới Người dân Trà Leng chuyển về làng mới
Dựng nhà, lập làng mới cho người dân Trà Leng Dựng nhà, lập làng mới cho người dân Trà Leng
Sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng: Thêm một thi thể được tìm thấy Sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng: Thêm một thi thể được tìm thấy

/ vtc.vn