Khi tham gia vào hành trình làm đẹp không ít người rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười, nhẹ thì đeo khẩu trang cả trong phòng làm việc do ngại muốn giấu đi sự thay đổi không thể khoe, nặng thì khuôn mặt trở nên khác lạ tới mức “chó nhà cũng chẳng nhận ra“, hay tệ hơn nữa là phải đi cấp cứu gấp. Những ám ảnh chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu...
Những người đẹp - “phiên bản” lỗi
Trước đó, tháng 2.2018, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM tiếp nhận, cấp cứu nhiều trường hợp bị biến dạng mắt, mũi, mặt vì nhấn mí, tạo má lúm đồng tiền, nâng mũi chỉ. TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ (THTM) - Bệnh viện Trưng Vương cho hay, nạn nhân đều đi làm đẹp tại các spa, có người còn làm tại tiệm uốn tóc. Điển hình là đầu tháng 2.2018, chị T.T.M.H. (25 tuổi) tìm đến Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng mũi bị biến dạng, sưng tấy, chảy dịch màu xanh. Chị H. cho biết đã nâng mũi bằng silicon ở một spa với giá vài triệu đồng.
Một trường hợp khác là chị N.H.T. (35 tuổi) bị sưng một cục mủ bên má sau khi thực hiện thủ thuật tạo má lúm đồng tiền tại một spa. Các bác sỹ đã phát hiện một ổ áp xe lớn trong má trái của bệnh nhân và phải phẫu thuật cắt bỏ. Sau phẫu thuật, má bệnh nhân bị lõm vào và trở nên dị dạng. “Rất may là bệnh nhân này chỉ bị lõm má bởi tạo má lúm đồng tiền. Chứ chưa tới mức biến dạng khuôn mặt. Di chứng cũng sẽ phải tính đến là sẽ bị ảnh hưởng hay làm mất chức năng ống tuyến nước bọt, có thể làm tắc hoặc rò rỉ ống tuyến nước bọt của bệnh nhân này"- BS Khanh cho hay.
Sau làm đẹp tại spa, không ít các "Eva" hốt hoảng suy sụp khi nhìn thấy gương mặt mình trở nên biến dạng.
Tiếp đó, vào cuối tháng 2.2018, bệnh nhân Hà Thi S. (21 tuổi, ngụ tại tỉnh An Giang) đã đau đớn và suýt mất mũi vì nâng mũi ở spa. Chị S. nhập viện trong tình trạng mũi đã bị co rút, sưng tím toàn bộ thân mũi.
Theo lời chị, chị đã nâng mũi 2 lần trước đó nhưng không hài lòng và được một spa ở quận 4, TP.HCM tư vấn là nâng mũi bằng chỉ sẽ hiệu quả, chị không tìm hiểu kỹ mà gật đầu luôn. Chị cho biết được một nhân viên tại spa luồn rất nhiều sợi chỉ vào mũi, bà chủ spa nói về nhà 24h sẽ hết khó chịu nhưng chị mòn mỏi đợi cả 2 tháng sau, mũi cứ tình trạng sưng to, rỉ chảy nước vàng và biến dạng…
Được biết, sau hơn 2h phẫu thuật, các bác sĩ đã mổ cấp cứu cho bệnh nhân S. giải quyết tình trạng bị nhiễm trùng. Đồng thời phải tái cấu trúc lại chiếc mũi cho chị S. Khi thao tác vùng mũi của bệnh nhân bác sĩ cũng rất khó khăn do mũi co rút, xơ chai cứng. Trong khoang mũi phát hiện rất nhiều sợi chỉ cuộn thành một bó, mô xơ chai gây nhiễm trùng. Trường hợp chị S. cũng là ca thứ 3 trong 2 tháng đầu năm 2018 xảy ra biến chứng sau khi đi nâng mũi bằng chỉ tại spa khu vực TP.HCM mà các bác sĩ báo cáo.
Gần đây nhất, vào ngày 23.4 vừa qua, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, một khách hàng chạy gấp từ điểm spa tới cấp cứu vì sau khi làm nhấn mí mắt cho cô, nhân viên spa đã làm gẫy kim, một phần kim nhỏ xíu như lông mi mắt đã "chạy" trong mắt cô gái mà chủ spa "bó tay" không thể xử lý.
Để cứu cho con mắt bệnh nhân, bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phải huy động hết cả "công năng" mới lần, tìm ra được mảnh kim gãy. Và đây cũng là trường hợp thứ 4 từ đầu năm 2018 tới nay mà Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận cấp cứu về nhấn mí mắt tại spa.
Dịch vụ "Bảo hành trọn đời" - phía sau lời cam kết
Chỉ đề cập về phương pháp làm đẹp da "vĩnh cửu" nhờ được đắp mặt nạ bằng nhiều loại bột chiết xuất từ các loại "thảo dược thiên nhiên" mà đang có ở tất cả các spa, Thanh-một nhân viên PR của thẩm mỹ viện H.Y. khu vực TP.HCM phân tích cho chúng tôi như sau: Nguồn gốc nguyên liệu đắp mặt mà spa thường làm có thể không gây ra tác hại nhìn thấy ngay, nhưng về lâu dài mới xuất hiện.
Trong đó, ngại nhất là nguy cơ ung thư da, từ loại kem làm từ nguyên liệu có chất tẩy, độc tố đầy trong đó. Phổ biến nhất là da mặt người làm bị tàn phá, ngưng sử dụng là da xám lại như da người chết, nổi mụn lại nên cứ phải bôi kem, dùng thuốc ở spa đó thường xuyên, gây nên tình trạng "nghiện" kem thoa da.
Qui trình trị liệu đẹp da trong spa thường từ 5-10 lần. Nhưng sau khi dùng một thời gian, mụn mọc lại ầm ầm, da lại xám như cũ. Tất nhiên, khách lại tới spa và lại dùng liệu trình đó. Spa bỗng dưng có những con nghiện "hợp pháp"...
Một thực tế diễn ra theo lẽ tự nhiên, đó là hầu hết người đi làm đẹp bị "sự cố" đều rất ngại, xấu hổ, hoặc nhận thấy nguy tới tính mạng, nguy cơ "xấu vĩnh viễn" rồi mới chạy tới cầu cứu bác sĩ trong bệnh viện. Cũng có trường hợp bệnh nhân quay trở lại cơ sở làm đẹp "bất thành" cho mình "bán vốn", đòi kiện nhưng hầu như không đi tới đâu. Có nơi chủ cơ sở còn "hùng hổ" chửi bới, kêu cả xã hội đen "dằn mặt" dọa nạt nếu bệnh nhân đi tố cáo.
Những câu chuyện làm đẹp bị hỏng được truyền tai giữa các chị em và từ đây đã hình thành nên những Hội facebook "Chị em dao kéo", Hội "Chị em phẫu thuật thẩm mỹ"; "Tâm sự Eva"... mà ở đó, có vô số tâm sự như một "hội kín" để chị em giải quyết "hậu" của việc làm đẹp. Thời sự nhất của Hội là những câu chuyện sau khi làm đẹp bị hỏng.
Trên trang "tâm sự dao kéo" chúng tôi đọc được một đoạn tâm sự như sau: "Đây là câu chuyện của bạn em: Cuối tháng trước, Ch. có tin tưởng vào lời dụ dỗ của bà chủ Spa và để bà tiêm 50 cc filler vào hai bên ngực. Sau đó mới phát hiện ra là silicon lỏng. Sau đó ngực của Ch. bắt đầu tức, đỏ, sưng lên. Em có đọc được một bài báo có trường hợp... phải cắt bỏ hết hai bên ngực vì bơm silicon. Hai chị em có đăng lên hội nhóm để chị em chia sẻ kinh nghiệm thêm. Ngay sau đó chủ spa nhắn tin dọa nạt. Họ kêu nếu không xóa bài sẽ mời lên Công an. Em và Ch. lúc đó cũng chưa nghĩ đến việc đòi bồi thường hay gì cả, chỉ là mong họ khám lại đưa ra phương pháp thôi vậy mà họ còn hung hăng dọa nạt đủ kiểu. Rồi họ cho mấy thằng nhóm khác xóa bài. Hôm sau em và Ch. đi lên spa đó thì cơ sở đã đóng cửa. Bất lực và hoang mang em đưa Ch. đi siêu âm thì phát hiện là ngực có nhiều nang đã bị chạy lan ra xung quanh có khả năng hoại tử. Có bệnh thì vái tứ phương, chị em cứ nghe nơi nào có bác sĩ hay là chạy tới. Các bác sĩ nổi tiếng xem và đều từ chối vì họ bảo chưa từng gặp ca nào kinh khủng vậy. Cuối cùng thì trời cũng có mắt, em Ch. cũng được một bác sĩ cứu”.
Trước thực trạng có nhiều quảng cáo trên mạng tự xưng hoặc giả danh BS có kinh nghiệm làm tạo hình thẩm mỹ (THTM), BS Ngô Anh Kiệt- Trưởng khoa phẫu thuật THTM Bệnh viện Triều An, TP.HCM phân tích: Phẫu thuật THTM đòi hỏi bác sĩ có thâm niên, tay nghề cao, hiểu được giải phẫu để chích thuốc tê, tiên liệu được biến chứng xảy ra trong hậu phẫu để giải quyết.
Do đó đừng vì ham giá rẻ mà đánh đổi tính mạng, việc muốn phục hồi lại các chức năng ở vùng mũi, má sau tai biến thẩm mỹ là rất khó khăn. Chưa kể là các vùng tác động bên dưới như ngực, bụng - hút mỡ thì là những cuộc đại phẫu rồi! Nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa để thực hiện hoặc những nơi được cấp phép đàng hoàng".
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Hồng Dũng- Phòng Quản lý Dịch vụ Sở Y tế TP.HCM nói: "Vì nhiều lý do mà hiện chưa thể quản lý được các việc tư vấn, hoạt động hành nghề tại các spa. Từ liệu trình, tư vấn cho tới nhiều kỹ thuật có tính chất xâm lấn mà nhiều cơ sở vì lợi nhuận đang hành nghề "điếc không sợ súng". Khách hàng cần tỉnh táo khi nghe những tư vấn làm đẹp tại spa.
Cũng theo BS Dũng, cho tới nay, trong việc chăm sóc bệnh tật của người dân, chỉ có phác đồ trị liệu của Bộ Y tế với các bệnh lý, riêng ngành đa khoa thẩm mỹ, dù nó là một phần của dịch vụ ngành Y, nhưng chưa có phác đồ điều trị. Mọi quảng cáo kỹ thuật đều từ miệng của mọi chủ tiệm spa, cũng như thẩm mỹ “chui” đều tự xướng lên rằng: "Bảo hành trọn đời" mà thôi.
Đến spa truyền trắng, cô gái nhập viện cấp cứu trong đêm
Sau khi truyền trắng ở một cơ sở thẩm mỹ, người phụ nữ về nhà và rơi vào tình trạng khó thở, người rét run, nổi ... |
Sự thật "trần trụi" phía sau vẻ hào nhoáng của spa!
Giữa chi phí gốc của dịch vụ với giá thu của khách của một liệu trình gọi là “cấy Vitamin tươi“ lên da mặt có ... |