Ám ảnh “Linda”, các tỉnh ĐBSCL căng mình chống áp thấp nhiệt đới

Hôm qua, (1.11) Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát đi thông báo dời ngày tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm cơn bão Linda để tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới. Một số địa phương của tỉnh này chính thức cho học sinh nghỉ học vào ngày hôm nay (2.11). Điều ngạc nhiên là đúng 20 năm sau, đường đi của áp thấp nhiệt đới trùng khớp với đường đi của cơn bão Linda ngày nào.

Nhiều tàu đánh cá đã vào cửa biển Gành Hào (Bạc Liêu) trú ẩn. Ảnh: Nhật Hồ

Ám ảnh thảm họa Linda

Đúng ngày này 20 năm trước, (2.11.1997) cơn bão Linda bất ngờ đổ ập vào ĐBSCL. Do bất ngờ và không có kinh nghiệm chống bão, ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề, hàng ngàn người đã chết và mất tích.

Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ, từ 18 giờ 1.11 các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng chính thức cấm biển, cường quyết không để tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản. Đồng thời khẩn trương kêu gọi tầu thuyền đánh cá vào bờ; đối với tàu ở xa đề nghị vào nơi trú tránh an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chính thức phát đi thông báo vào chiều 1.11 dời ngày tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997 vào ngày 3.11 thay vì ngày 2.11 như kế hoạch.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh bậc học mầm non và tiểu học do ảnh hưởng của ATNĐ, chiều 1.11, các huyện vùng ven biển: Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh đã có thông báo khẩn về việc cho học sinh nghỉ học vào sáng thứ 5, ngày 2.11. Việc di dời dân khỏi vùng ảnh hưởng giao UBND các huyện tự quyết nếu thấy cần thiết. Cà Mau cũng kiến nghị với Trung ương, Bộ Ngoại giao giúp ngư dân vào trú bão ở vùng biển Malaysia, Indonesia..

Tại Kiên Giang, tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp để bàn về biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang diễn ra phức tạp. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, thời điểm này, đơn vị đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18 ngàn lao động đang hoạt động từ 10 vĩ độ trở lên trong vùng ảnh hưởng vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn còn khoảng 6 ngàn phương tiện với hơn 30 ngàn lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm từ 7-10 độ vĩ bắc.

Đại tá Bùi Minh Trí- Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang- cho biết: “Hiện nay còn trên biển gần 10 ngàn tàu, những tàu này chúng tôi đã thông báo, định hướng, cảnh báo vùng biển, vùng nguy hiểm. Ngoài ra, lực lượng biên phòng đã triển khai xuống tất cả đơn vị, thường xuyên túc trực sẵn sàng ứng phó với thời tiết phức tạp”.

Tại huyện ven biển Kiên Lương, trong sáng 1.11, chính quyền địa phương thông báo không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời đề nghị Chi cục Thuỷ lợi tỉnh cho mở các cống ngăn mặn để tàu thuyền vào tránh trú bão sâu khu vực bên trong cho an toàn. Ngoài ra, huyện đảo Kiên Hải cũng đã họp trực tuyến với các xã, ấp trong toàn huyện để triển khai biện pháp ứng phó. Huyện đã vận động bà con gia cố, neo đậu an toàn 293 bè cá trên biển.

Ông Mai Anh Nhịn - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang - đã chỉ đạo các huyện thị, thành phố phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, phân công trực 24/24 để kịp thời chỉ đạo khi có tình huống xảy ra, đề nghị các địa phương, nhất là các huyện ven biển rà soát lại các đê bao sản xuất để chủ động trong đối phó với triều cường, mưa lớn đề phòng ngập úng cho lúa đông xuân.

ATNĐ trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão

Theo TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương: Đến 13h ngày 2.11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Đường đi của 2 cơn áp thấp nhiệt đới (ảnh do Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương cung cấp lúc 18h ngày 1.11)

Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Ven biển Nam Bộ cần đề phòng nước dâng do ATNĐ và không khí lạnh từ 0,3-0,4m, kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.

Đặc biệt, ATNĐ2 gần Biển Đông đang có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 2.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 115,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Dự báo 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h00 ngày 1.11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Các phương tiện đã nắm được thông tin về ATNĐ và đang chủ động di chuyển phòng tránh.

Mặc dù vậy, hiện còn 31 phương tiện của Bạc Liêu, 112 phương tiện (897 lao động) tại Cà Mau chưa liên lạc được. Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.

Ứng phó với ATNĐ và bão, đảm bảo APEC diễn ra an toàn

Sáng 1.11.2017, tại cuộc họp khẩn triển khai ứng phó với 2 ATNĐ đang gây nguy hiểm tới các tỉnh Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Phó Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Hoàng Văn Thắng khẳng định: “BCĐ Trung ương về PCTT sẽ cử Đoàn công tác làm việc với BCĐ APEC và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các TP: Đà Nẵng, Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với ATNĐ, mưa lũ. Đảm bảo tuần lễ APEC được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả”.

Do tính chất của 2 đợt ATNĐ đang tồn tại song song và ảnh hưởng đến nước ta, từ thực tế đó Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan để chủ động phòng tránh.

BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) vừa có Công điện số 84/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang và Đông Nam Bộ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các bộ, ban, ngành về công tác ứng phó với 2 cơn áp thấp nhiệt đới rất nguy hiểm.

Công điện của Thủ tướng: Ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1659/CĐ-TTg ngày 1.11.2017 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về phía vùng biển Nam Cà Mau; tối và đêm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau và Kiên Giang với sức gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, kèm theo lốc xoáy, vòi rồng, mưa lớn, sóng biển và nước dâng cao.

Tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên đã có mưa rất to, nguy cơ lũ lớn trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt cục bộ ở vùng trũng Các hình thế thời tiết nguy hiểm trên xảy ra trong thời gian chuẩn bị diễn ra sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng là Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cần rút kinh nghiệm từ trận bão LINDA (xảy ra ngày 02 tháng 11 năm 1997), huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với áp thấp nhiệt đới, nhất là chủ động bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, phương tiện, tàu, thuyền và các hoạt động trên biển, trên sông, kênh rạch, đặc biệt lưu ý tránh tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, cũng như người dân.

Yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại.

2. Các địa phương khu vực ảnh hưởng mưa lũ (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên) và khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trong những ngày tới (từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.

Cơn ác mộng 20 năm sau bão Linda

Sau thảm họa bão Linda 20 năm trước, chiếc tàu nào cặp bến đều có hàng trăm người từ khắp nơi chạy ra cầu của ...

Tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão Linda

Ngày 2/11 sắp tới, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số ...

http://laodong.vn/phong-su/am-anh-linda-cac-tinh-dbscl-cang-minh-chong-ap-thap-nhiet-doi-573558.ldo

/ Báo Lao động