Ám ảnh hội chứng gián điệp Nga ở Phần Lan

Năm ngoái, khi Phần Lan ban hành lệnh cấm cấp thị thực cho người Nga và cấm nhập cảnh đối với công dân Nga có thị thực Schengen, một trong những lý do chính là gây khó khăn cho “các điệp viên Moscow”. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan tình báo Phần Lan cho rằng ngay cả lệnh cấm nhập cảnh đối với phần lớn người Nga cũng không ngăn được hoạt động của các “điệp viên thù địch”.

Những người Nga khả nghi

Thời gian gần đây, các cư dân nói tiếng Nga ở Phần Lan - khoảng 88.000 người - thường phàn nàn về những rắc rối mà họ gặp phải vì nguồn gốc xuất thân của mình. Số lượng các vụ kiểm tra do Cơ quan Cảnh sát An ninh Phần Lan (SuPo) thực hiện ngày càng tăng và những người nói tiếng Nga là đối tượng được kiểm tra đầu tiên.

SuPo quả quyết rằng: “Chiến tranh đã thay đổi tình hình an ninh ở Phần Lan, và do đó, số cơ quan có nhu cầu kiểm tra các nhân viên của mình ngày càng nhiều”. Trong một số trường hợp, những cuộc kiểm tra này đã kết thúc đáng buồn. Ví dụ như vụ sa thải các lập trình viên và nhân viên thiết kế ở Bộ Bảo trợ xã hội Phần Lan (Kela) vì bị coi là “khả nghi” do mang quốc tịch Nga.

Ám ảnh hội chứng gián điệp Nga ở Phần Lan -0
Người đứng đầu SuPo Antti Pelttari.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát hình sự Phần Lan (KRP) tiến hành điều tra hai công dân Nga định cư ở Phần Lan có thẻ cư trú thường xuyên vì bị tình nghi làm gián điệp tại bệnh viện trung tâm vùng Kainuu.

Tuy nhiên, ngay cả người Phần Lan cũng bị nghi ngờ làm gián điệp cho Nga. Tờ báo Helsingin Sanomat viết rằng những sinh viên Phần Lan học tiếng Nga lo ngại về triển vọng nghề nghiệp của mình. Một số đồng bào gọi họ là “tay sai của Putin”.

Ví dụ, cô Senni Toikka, 25 tuổi, đang học cao học tại Đại học thành phố Tampere, phàn nàn: “Tôi không muốn xấu hổ về chuyên ngành của mình, nhưng những thành kiến và nhận xét của mọi người xung quanh khiến tôi rất bức xúc. Trước chiến tranh, người ta đã nhận xét, nhưng bây giờ thậm chí còn nhiều hơn”.

Senni Toikka cho biết các sinh viên khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga phải đối mặt với sự hằn học và nghi ngờ của mọi người xung quanh. Theo cô, nhiều sinh viên học tiếng Nga “cảm thấy sợ hãi và thiếu tự tin”.

“Hoạt động gián điệp bị suy yếu”

Cuối tháng 3/2023, trong bản tin hằng năm, SuPo tuyên bố rằng năm 2022, họ đã giảm một nửa số lượng “gián điệp chuyên nghiệp của Nga” hoạt động trên lãnh thổ Phần Lan. Cơ quan này cho rằng việc cắt giảm này được thực hiện nhờ trục xuất các nhân viên tình báo và từ chối cấp thị thực cho những người Nga tìm cách đến Phần Lan.

Hiện nay, SuPo tin rằng hoạt động của các điệp viên Nga đã bị suy yếu trong một thời gian dài: “bởi phần cơ bản của hoạt động này là thiết lập các mối liên hệ cá nhân, nhưng công việc này đòi hỏi nhiều thời gian”.

Cơ quan tình báo Phần Lan nghi ngờ rằng Đại sứ quán Nga ở Helsinki, cũng như các lãnh sự quán ở các thành phố Turku và Mariehamn là nơi chứa chấp nhiều điệp viên Nga nhất.

Về phía mình, Đại sứ quán Nga thường xuyên công bố trên Internet danh sách những người làm ngoại giao ở Phần Lan. Tờ báo Helsingin Sanomat đã nghiên cứu những thông tin này - năm qua, danh sách đã giảm đi 11 người. Báo chí Phần Lan viết rằng năm ngoái, SuPo đã trục xuất "6 nhân viên tình báo Nga" khỏi nước này, còn 5 người khác bị từ chối nhập cảnh.

Đồng thời, các phương tiện truyền thông cũng lưu ý rằng một số nhân viên tình báo là thành viên gia đình của các nhà ngoại giao nên không có tên trong danh sách ngoại giao chính thức của Nga.

Tháng 1/2022, trong danh sách các nhà ngoại giao Nga ở Phần Lan có 52 người. Danh sách hiện tại chỉ có 41 người. Để so sánh: năm 2005, chỉ riêng Đại sứ quán Nga ở Helsinki đã có gần 60 nhân viên.

Ông Antti Pelttari, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát An ninh Phần Lan cho rằng Nga vẫn đang tìm mọi cách tạo vỏ bọc cho các điệp viên của mình. Ông giải thích: “Dần dần, họ buộc phải bù đắp những lỗ hổng trong cơ quan tình báo, chẳng hạn, bằng cách tăng số lượng những nhân viên làm việc dưới vỏ bọc”.

Ám ảnh hội chứng gián điệp Nga ở Phần Lan -0
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ai cũng có thể trở thành gián điệp

Cơ quan Cảnh sát An ninh Phần Lan cho rằng: không chỉ các nhà ngoại giao mà cả các nhà báo, nhà khoa học, doanh nhân, nghiên cứu sinh và sinh viên cũng có thể làm gián điệp. Quả thật, SuPo không cung cấp thông tin chính xác về số lượng các nhân viên tình báo Nga ở Phần Lan. Họ chỉ  tuyên bố rằng có “hàng chục” nhân viên tình báo nước ngoài làm việc ở đây.

Đầu năm nay, Lực lượng vũ trang Phần Lan đã thành lập Trung tâm đấu tranh chống ảnh hưởng của nước ngoài. Nhiệm vụ của trung tâm là huấn luyện các quân nhân Phần Lan nhận biết “các phương pháp gây ảnh hưởng” và chuẩn bị cho họ chống lại “tác động từ bên ngoài”.

Quân đội phản ứng một cách dè dặt về hoạt động của trung tâm mới. Nhiệm vụ của trung tâm là “tổ chức huấn luyện cho các nhân viên và quân nhân dự bị thuộc Lực lượng vũ trang các phương pháp phát hiện và đấu tranh chống lại tác động lớn”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là “tất cả các binh sĩ sẽ học cách phát hiện tác động đối với quân đội của mình và đấu tranh chống lại”.

Câu hỏi được đặt ra: về thực chất, “ảnh hưởng lớn” là gì?

Trong tài liệu của Nội các Phần Lan về chính sách quốc phòng năm 2021, có cả một trang viết về vấn đề này. Theo đó, “ảnh hưởng lớn là khái niệm được sử dụng trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh, bao gồm cả ảnh hưởng hỗn hợp và sử dụng sức mạnh quân sự một cách công khai”.

Mục tiêu của những kẻ gây ra ảnh hưởng như vậy là “làm suy yếu khả năng phòng thủ của quốc gia bị ảnh hưởng, chẳng hạn như bằng cách làm suy yếu ý chí tự vệ hoặc khả năng hành động của giới lãnh đạo chính trị”.

Bản tuyên bố về chính sách quốc phòng của Chính phủ Phần Lan viết: “Từ góc độ quốc phòng của Phần Lan, áp lực quân sự và sử dụng vũ lực là những phương tiện chính để gây ảnh hưởng trên quy mô rộng”. Các tài liệu không chỉ rõ quốc gia nào bị nghi ngờ gây ra “ảnh hưởng lớn”, nhưng điều này không khó phán đoán.

Năm ngoái, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát An ninh Phần Lan, Antti Pelttari, viết: “Xã hội Phần Lan phải sẵn sàng trước những hành động khác nhau mà nước Nga có thể gây ra để tác động vào Phần Lan sau khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Theo ý kiến của ông, “Trong thời gian gần nhất, Nga có ý định mở rộng các chiến dịch tác động thông tin của mình ở Phần Lan”. Hiện nay, khi Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nhiệm vụ của các điệp viên Nga, theo SuPo, đã được điều chỉnh.

Thứ nhất, điệp viên Nga được tung vào Phần Lan để tìm hiểu những lĩnh vực hợp tác bí mật của Phần Lan với NATO.

Thứ hai, họ được giao nhiệm vụ gieo rắc sự bất mãn của người Phần Lan với việc trở thành thành viên NATO - nghĩa là điều này không góp phần đảm bảo an ninh mà hoàn toàn ngược lại.

Cách đây không lâu, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Phần Lan, Pekka Haavisto, đã nói về một biểu hiện nổi bật trong hoạt động của các điệp viên “hỗn hợp” Nga.

Như chúng ta biết, năm ngoái, khi kinh Koran bị đốt gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng các cuộc đàm phán với Thụy Điển về việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO. Haavisto nói trên truyền hình rằng đằng sau hành động này có thể có một âm mưu nhằm gây “ảnh hưởng hỗn hợp” từ phía Nga.

“Vấn đề này đang được điều tra. Nhiều mối liên hệ khác nhau đã được phát hiện. Tôi không thể nói chắc chắn. Sự việc đang được chính quyền địa phương điều tra làm rõ”, - Bộ trưởng Haavisto nhấn mạnh.

Ám ảnh hội chứng gián điệp Nga ở Phần Lan -0
Trụ sở SuPo ở Helsinki.

Thiếu tướng hải quân trên ghế bị cáo

Mới đây, ở Phần Lan đã diễn ra phiên tòa xét xử cựu sĩ quan tình báo Georgij Alafuzoff.  Thiếu tướng hải quân về hưu Georgij Alafuzoff  năm nay 70 tuổi, là hậu duệ của những người Nga di cư.

Có một thời, Georgij Alafuzoff từng được coi là một trong những sĩ quan có năng lực nhất ở Phần Lan. Được phong cấp bậc trung úy hải quân năm 1974, dần dần ông lọt vào thành phần ban lãnh đạo quân sự của đất nước. Từ năm 2007 đến 2013, Alafuzoff giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội Phần Lan. Ở Phần Lan, ông được mệnh danh là “chuyên gia về Nga” - và không chỉ nhờ khả năng thông thạo tiếng Nga.

Năm 1997, Alafuzoff tốt nghiệp loại ưu Học viện Bộ Tổng tham mưu Nga. Đỉnh cao trong sự nghiệp của ông bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2016, khi ông giữ chức Giám đốc Cục Tình báo của Bộ Tham mưu Quân đội Liên minh châu Âu.

Và đột nhiên năm 2019, ông bị buộc tội liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu mật của tờ Helsingin Sanomat. Một thời gian sau, có giả thuyết cho rằng chính Alafuzoff đã chuyển cho các nhà báo một ổ USB flash chứa thông tin mật về các hoạt động của Trung tâm Tình báo Quân đội Phần Lan

Tuy nhiên, ngày 22/12/2022, viện công tố kết luận rằng không có bằng chứng về việc Alafuzoff cố tình tiết lộ bí mật về các hoạt động của Trung tâm Tình báo Quân đội Phần Lan, nghĩa là ông không liên quan đến vụ án này.

Thế nhưng, tháng 2/2023, một vụ án mới chống lại ông được khởi tố - lần này Alafuzoff bị buộc tội “tàng trữ và xử lý trái phép thông tin mật”. Tháng 10 năm nay, xuất hiện thông tin về việc phiên tòa xét xử Alafuzoff đã kết thúc tại Tòa án Công lý Helsinki. Công tố viên đề nghị mức án tối thiểu 2 năm tù đối với thiếu tướng hải quân về hưu Georgij Alafuzoff 

Trong quá trình xét xử, Alafuzoff “bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng, rằng ông đã lưu giữ một “số lượng đáng kể” các tài liệu mật tại nhà riêng, một số trong số đó được coi là tuyệt mật. Phía buộc tội chỉ ra rằng trong quá trình khám xét nhà riêng của Alafuzoff, các cán bộ điều tra đã phát hiện các tập tin liên quan trên máy tính, ổ đĩa ngoài, thẻ nhớ và ở dạng giấy của bị cáo

Georgij Alafuzoff bị cáo buộc đã phạm các tội  này từ năm 2005 đến năm 2016, khi lần đầu giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Phần Lan, sau đó là Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội Phần Lan và cuối cùng là Giám đốc Cục Tình báo của Bộ Tham mưu Quân đội Liên minh châu Âu.

Bản thân Georgij Alafuzoff phủ nhận những cáo buộc này. Tòa án dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào cuối năm 2023.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/am-anh-hoi-chung-gian-diep-nga-o-phan-lan-i713247/

Trần Đình / cand.com.vn