Mất mấy trăm triệu đồng 'mua' một suất biên chế sư phạm là chuyện đã truyền tai từ rất lâu. Ai cũng biết nhưng chưa ai thừa nhận chính thức.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 |
Tuần qua, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu: “Tôi phải nói công khai với các đồng chí ở các tỉnh là “chạy việc” rất khó. Rất nhiều cháu “mai phục”, dạy hợp đồng trong trường lâu rồi mà vẫn chưa vào được biên chế”. Như vậy, đây là thực tế chứ không còn là rỉ tai nhau nữa. Mấy hôm nay lại có chuyện một nữ giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk buộc phải công khai với cơ quan chức năng chuyện “đổi tình lấy biên chế” với phó hiệu trưởng của trường. Có thể đây chỉ là hiện tượng cá biệt chứ không phổ biến như chuyện “đổi tiền lấy biên chế” nhưng nó cho thấy một điều: vào biên chế ngành giáo dục là con đường rất gian khổ đến nỗi phải “mai phục” như lời Phó thủ tướng, nên là nỗi ám ảnh với rất nhiều giáo viên, nhất là ở các tỉnh.
Nhưng để không phải phập phồng bị cắt hợp đồng lao động vào bất cứ lúc nào, họ buộc phải vào biên chế. Thông tin hàng trăm giáo viên tỉnh này, tỉnh nọ đột ngột bị cắt hợp đồng cứ vào mỗi năm học khiến rất nhiều giáo viên bất an không biết khi nào mới đến lượt mình. Đối với giáo viên, đặc biệt ở tỉnh, vào biên chế là đích phải phấn đấu. Biên chế cũng chính là động lực để nhiều học sinh thi vào sư phạm. Bởi thế khi ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất từng bước bỏ biên chế ngành giáo dục thì có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Bỏ biên chế ngành giáo dục hay không là một câu chuyện dài khó có hồi kết. Điều dễ hơn là những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục cần phải nhìn thấy cái gốc vì sao con đường vào biên chế sư phạm lại gian nan đến vậy! Một trong những lý do chính yếu là do cung cầu không gặp nhau dẫn đến thừa thiếu giáo viên cục bộ. Theo số liệu Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 giữa tháng 1.2017, ở một số tỉnh/thành, số lượng giáo viên THCS dư dôi mỗi tỉnh lên đến hàng ngàn. Còn theo một dự báo khác, đến năm 2020 sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên.
Đây là nguyên do buộc các giáo viên phải “chạy” vào biên chế bằng mọi giá khiến xã hội phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng của người được gọi là thầy, để thấy nghề giáo sao mà “rẻ” đến vậy! Đây cũng là lý do khiến những học sinh giỏi không còn thiết tha gì thi vào sư phạm.
Hậu quả giờ chúng ta đã thấy và càng thấm thía khi chất lượng nhà giáo không còn như trước. Ai dám chắc sẽ có một nền giáo dục tốt nếu chất lượng nhà giáo giảm sút, khi người giỏi và tâm huyết đều ngoảnh mặt với ngành sư phạm? Đó chính là nỗi sợ lớn nhất khi nghĩ về tương lai của giáo dục nước nhà.