Ngay khi phát hiện ra sai sót, nhà sản xuất “Sau ánh hào quang” đã gỡ bỏ talkshow “Lê Giang và bí mật sau bàn mổ” ra khỏi kênh YouTube. Tuy nhiên, điều này vẫn không cản được việc nghệ sĩ hài Duy Phương thuê luật sư vào cuộc nhằm lấy lại thanh danh cá nhân.
Chia sẻ
Ca sĩ Thủy Tiên “kể” chuyện Ưng Hoàng Phúc theo đuổi mình trên sóng truyền hình. Ảnh: T.L
Có nghĩa là trong việc này, không chỉ nhà sản xuất mà cả nhà đài đều là đối tượng bị ông Duy Phương khiếu kiện. Việc ông Phương có theo vụ này đến cùng hay hai bên tìm cách giải quyết êm thấm… cũng đều mở ra tiền lệ: Không còn việc lên sóng “tố” hay bới móc đời tư một cá nhân đó thoải mái mà không chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.
Nhà đài, nhà sản xuất… im lặng
Trong tình hình chung, các đài truyền hình cạnh tranh khá quyết liệt, đặc biệt ở mảng giải trí, game show. Trung bình mỗi tuần có từ 5-8 chương trình giải trí ở các đài và ngoài các đài lớn còn xuất hiện thêm một nhà đài chịu chơi, chịu đầu tư lớn và thu hút không ít ngôi sao là Đài Truyền hình Vĩnh Long.
Đã từ lâu, các chương trình này hầu hết do các nhà sản xuất hợp tác với nhà đài và tỉ lệ rating cao mới quyết định mùa sau tiếp tục hay không. Chính vì thế, không ít nhà sản xuất tìm mọi cách thu hút sự chú ý của khán giả nên chương trình khá dễ dãi. Còn nhà đài lại buông lỏng định hướng nội dung và khâu kiểm duyệt cũng đơn sơ, thế nên một số chương trình bị chê là nhảm như “Quý ông hoàn hảo”, rồi tiếp đến là “Sau ánh hào quang”.
Còn nhớ vụ Trung Dân bị Hương Giang Idol xúc phạm trong gameshow, công chúng chờ mãi mới có lời xin lỗi miễn cưỡng của cô ca sĩ, còn nhà sản xuất thì im lặng, trong khi nhà đài thì càng “vô can” hơn.
Tương tự, chương trình “Hát mãi ước mơ” khai thác chuyện gia đình của ông bố “gà trống nuôi con” Đặng Hữu Nghị cũng trở nên quá phản cảm với màn tranh cãi giữa hai vợ chồng, vậy mà sau này chỉ nhân vật Hữu Nghị xin lỗi Mạnh Thường Quân (?!).
Làn sóng tẩy chay “Sau ánh hào quang” đã bắt đầu xuất hiện, khi người ta ngơ ngác không hiểu sao mỗi tuần nghệ sĩ lại trình làng chuyện riêng gia đình, chuyện tình yêu, vợ chồng, nợ nần, rồi khóc như mưa... Nghệ sĩ ai cũng trở nên đáng thương và có quyền tự nâng mình lên, hạ thấp người khác xuống, kể cả xúc phạm lẫn động chạm. Người xem không học được gì trước cảnh bới móc đời tư của người trong cuộc, vốn là những nhân vật của công chúng. Ngay sau đó, nhiều nghệ sĩ như Quang Minh, Xuân Hương, ca sĩ Ngọc Ánh... cũng lên tiếng chê trách format “Sau ánh hào quang” và kêu gọi tẩy chay chương trình này.
Truyền thông “lá cải hóa”
Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái, thời gian gần đây chuyện đời tư của ngôi sao phát sóng tại TP.Hồ Chí Minh dường như đang là “đỉnh điểm” của xu hướng báo chí hiện đại ngày nay. Đặc biệt là việc vợ đầu của nghệ sĩ Duy Phương - bà Lê Giang tiết lộ sự thật về cuộc hôn nhân được cho là “kinh khủng và cay đắng” khiến nổ ra nhiều cuộc tranh luận, ồn ào từ phía dư luận.
“Tôi cho rằng, việc đưa đời tư lên sóng truyền hình không mang lại tích cực mà ngược lại, đem đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến mặt tinh thần của người trong cuộc, định hướng dành cho công chúng có phần sai lệch. Không chỉ là đời tư của nghệ sĩ mà còn tất cả công dân Việt Nam đều được luật pháp bảo vệ. Đưa chuyện đời tư của sao lên sóng mà không gạn lọc, không thúc đẩy được mục đích tốt đẹp như đề cao nhân cách nghệ sĩ, đề cao tính thực tế trong cuộc đời của họ là điều đáng buồn cho ngành công nghiệp sản xuất truyền hình hiện nay” - bà Minh Thái chia sẻ. Theo bà, đa số chương trình truyền hình phát sóng cho khán giả “nếu xét về mặt văn hóa ứng xử là có vấn đề”.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Câu chuyện đời tư cá nhân tập trung vào các mối quan hệ rắc rối đan xen, thông tin không kiểm chứng, phiến diện một chiều khi đăng tải, thêm nữa, câu chuyện được đưa ra “ánh sáng” mà có sự “biên tập” ít nhiều sẽ thiếu đi tính công bằng và sự chính xác là một sai sót khá nghiêm trọng trong công tác báo chí. Trước khi lên sóng (hay tin bài) bất cứ chương trình gì cũng cần căn cứ theo luật pháp Việt Nam, vì thế các nhà sản xuất khi thực hiện chương trình phải dựa trên nền tảng: Đảm bảo quyền riêng tư; Không phơi bày chuyện đời tư mà không có sự đồng ý của người trong cuộc; Không đưa thông tin chưa được kiểm chứng lên mặt báo…
Theo luật sư Hoàng Cao Sang - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật - trong câu chuyện của nghệ sĩ Lê Giang và Duy Phương, báo chí và đài truyền hình không nên tận dụng khai thác đời tư của họ, kể cả việc khai thác đó được sự chấp nhận của hai người. Có thể trong trường hợp này họ tận dụng truyền thông để phản bác nhau. Vì vậy, truyền thông không nên đi sâu vào để ủng hộ hay vô tình bới móc câu chuyện đời tư của họ. Theo Điều 4 của 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam có quy định nhà báo không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm của người khác.
Việc báo chí, truyền thông khai thác đời tư của hai nghệ sĩ này đã làm cho mối quan hệ của họ càng trở nên mâu thuẫn sâu sắc hơn và đặc biệt làm cho giới trẻ mất niềm tin vào cuộc sống gia đình. “Có một số tờ báo ăn theo còn đưa một số những câu chuyên lâm ly bi đát về đời tư của Lê Giang và Duy Phương, trong trường hợp một trong hai người họ có quyền yêu cầu những tờ báo cải chính và xin lỗi họ, nếu xác định có thiệt hại thì họ có quyền yêu cầu bồi thường về những thiệt hại đó. Bởi lẽ, Điều 38 BLDS quy định “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”” - luật sư Sang nhấn mạnh.
“Hiện nay, lỗi chung của báo chí Việt Nam mà chúng ta thấy rất rõ là đang ngày càng có xu hướng lá cải hóa, “ưa thích” đi sâu hay đưa chuyện riêng của các ngôi sao lên phương tiện truyền thông đại chúng nhằm câu view, bán báo. Tất cả phương tiện báo chí hiện đại khi làm việc đều phải dựa trên nguyên tắc như tính khách quan, trung thực, đảm bảo sự trong sáng của thông tin. Báo chí Việt Nam đã và đang đi theo lối mòn, không ngần ngại làm đủ thứ “trò”, không muốn nói là rẻ tiền, nhằm mục đích câu kéo sự chú ý của độc giả. Thật đáng tiếc”. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái