Ác mộng túi nylon và thảm họa rác thải nhựa

Việt Nam là một trong những nước đổ chất thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, chả lẽ chúng ta không hành động?

Cơn sốt đồ nhựa tiện dụng

Tôi còn nhớ, khoảng đầu những năm 1990, khi những chiếc túi nylon bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, chúng ta đã hân hoan với một thứ đồ đựng "thần kỳ" đến thế. Mỏng, nhẹ, dai bền, chiếc túi thay thế cho miếng giấy xi măng gói miếng thịt, hay cho những chiếc túi làm bằng báo cũ đựng đỗ, lạc, vừng.

Vừa bước qua thời bao cấp, chúng ta hào hứng đón nhận một vật dụng đơn giản mà tiện dụng và "văn minh" đến thế và không hề biết đến hậu quả môi trường từ túi nylon.

Cùng với sự phát triển kinh tế, chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ, kèm theo đó là cuộc xâm lấn của đồ nhựa, trong đó có một phần lớn là đồ nhựa dùng một lần.

Ống hút, cốc nhựa dùng một lần; hộp xốp và thìa nhựa gói xôi; nước đóng chai nhựa; chiếc tăm bông ngoáy tai thân nhựa… Hơn hết chiếc túi nylon ngày càng phổ biến, dù bạn chỉ mua một món đồ bé xíu như vỉ thuốc uống hay gói bột canh.

Chúng ta hồn nhiên dùng đồ nhựa và không quan tâm rằng một chiếc túi nylon mất 10 -20 năm mới phân hủy được, một chiếc cốc nhựa xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất thậm chí mất hàng trăm năm.

Chúng ta vẫn đang đang góp phần hủy hoại thiên nhiên môi trường, tích lũy hậu họa cho chính mình và con cháu.

Cơn sốt đồ nhựa tiện dụng diễn ra toàn cầu suốt 4 thập kỷ qua. Một báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2018 khắp thế giới, mỗi phút người ta mua 1 triệu chai nước uống bằng nhựa, mỗi năm sử dụng 5 nghìn tỉ túi nylon dùng một lần.

ac mong tui nylon va tham hoa rac thai nhua

Việt Nam là một trong năm trước đồ rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Ảnh: VietNamNet

Mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra đại dương. Nếu xu hướng này tiếp tục, năm 2050 các đại dương của chúng ta sẽ nhiều nhựa hơn cá.

Ở Việt Nam, nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi nylon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm – theo Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường.

Luật hóa việc dùng đồ nhựa một lần

Mỹ, Nhật và nhiều nước Châu Âu tạo ra số lượng rác thải nhựa đáng kể, nhưng cũng làm khá tốt trong việc quản lý rác thải nhựa.

Hôm 27.3 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần. Từ giờ đến năm 2021, que cầm bóng bay, hộp đựng đồ ăn thức uống, dao kéo, ống hút, que khuấy, tăm bông bằng nhựa sẽ bị cấm hẳn ở EU.

Kế hoạch cấm đồ nhựa sẽ tiêu tốn của EU 259 triệu đến 695 triệu euro mỗi năm, nhưng EU vẫn quyết tâm làm vì môi trường sạch hơn, rời bỏ "nền văn hóa dựa trên rác thải" như lời một nghị sĩ EU.

Từ 15 năm trước nhiều nước, nhiều thành phố Châu Âu đã bắt đầu giảm dần túi nhựa, hoặc cấm những sản phẩm như ống hút, que ngoáy bằng nhựa. Năm 2001, trong một chuyến công tác ở Đức, tôi nhớ mình đã phải phải trả thêm tiền để mua túi nylon đựng đồ ở siêu thị.

Lệnh cấm của Châu Âu mới đây phần nào được thôi thúc bởi việc Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu một số loại rác thải từ Châu Âu. Từ năm 2018 Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 chủng loại rác thải rắn, trong đó có các loại nhựa và giấy không được phân loại, khiến EU chịu sức ép phải tự giải quyết rác thải của mình. Lệnh cấm của Trung Quốc cũng là một ví dụ tốt để chúng ta tham khảo.

Tại Mỹ, bang New York trong vài ngày nữa sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật cấm túi nhựa dùng một lần, và họ sẽ là bang thứ hai tại Mỹ sau California thẳng thừng nói không với túi nhựa.

National Geographic cho biết, theo Liên Hiệp Quốc tháng 7.2018 ít nhất 127 nước đã cấm hoặc đánh thuế với túi nhựa.

Lựa chọn sống văn minh

Luật cấm đồ nhựa dùng một lần của Nghị viện Châu Âu vừa thông qua nhấn mạnh, thời gian phân hủy lâu khiến tồn dư nhựa được tìm thấy trong các loài động vật biển như cá và động vật có vỏ cứng, vì thế nó đi vào chuỗi thức ăn của con người. Các nghiên cứu khoa học cuối năm 2018 cho biết đã tìm thấy hạt vi nhựa trong cơ thể người, có thể là từ các loại thức ăn gồm cả hải sản và muối.

Việt Nam là một trong năm trước đồ rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan. 5 nước này chiếm một nửa lượng rác thải nhựa đổ ra biển.

Chẳng còn lạ gì cảnh khi bạn đang bơi ở biển thì va phải những chiếc túi nylon dập dờn trên sóng, hay đi dạo bờ biển gặp vô số vỏ bánh, cốc nhựa, ống hút trong quả dừa. Hẳn nhiều người đã xót xa khi nhìn những dải bờ biển đầy rác thải nhựa ở Bình Thuận, những đồi cát mà muốn lên chụp ảnh phải vượt qua mênh mông bãi rác nhựa ở Ninh Thuận. Cảnh tượng tương tự diễn ra ở nhiều nơi, vì thế chắc chắn đã đến lúc chúng ta không thể không hành động một cách thiết thực.

Một hai năm gần đây nhận thức của người dân đã thay đổi trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều người mang bình nước riêng đi làm, đi chơi thay vì mua nước đóng chai nhựa, dùng hộp cơm thay vì hộp xốp, nhiều quán café dùng ống hút cỏ, ống hút inox hay giấy, các siêu thị chuyển sang túi nhựa sinh học.

Ở quy mô lớn hơn, tỉnh Nam Định, tháng 11.2018 đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị cơ quan không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động chung, phát động cán bộ viên chức, người lao động cùng cộng đồng và gia đình "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần".

Từ tháng 6.2018, Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trương dùng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần trong các hội nghị. Ở Cù Lao Chàm, Hội An từ cả chục năm nay đã từ chối sử dụng túi nylon.

Chúng ta đã tổ chức sự kiện giờ Trái Đất, phát động làm sạch rác thải nhựa ở TPHCM, chiến dịch dọn rác ở Sơn Trà (Đà Nẵng)…

Nhưng những thay đổi đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh chung.

Với sự ô nhiễm rác thải nhựa ở mức báo động như hiện nay, đi đôi với việc tuyên truyền, vì sao không dùng biện pháp mạnh hơn, chế tài nghiêm hơn?

Với những món đồ nhựa tưởng chừng chẳng đáng kể nhưng lại tiềm ẩn thảm họa đó, ban đầu là tuyên truyền, nhưng để có hiệu quả có lẽ thật sự cần ý chí chính trị.

Việc nói không với thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở các cơ quan đoàn thể, các cấp chính quyền sẽ khởi đầu để luật hóa trong lĩnh vực này, như cách thức nhiều nước đang làm.

ac mong tui nylon va tham hoa rac thai nhua Cá chép mắc kẹt trong túi nylon, bàn thờ bị ném thẳng xuống hồ

Trong ngày ông Công ông Táo, tại nhiều hồ ở Hà Nội, số lượng người dân thả cá chép ít hơn mọi năm nhưng túi ...

ac mong tui nylon va tham hoa rac thai nhua Lỗ hổng pháp luật từ thuế bảo vệ môi trường: Thất thu nghìn tỉ đồng với túi nylon

Trong khi thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, áp dụng từ 1.1.2019 nhận được sự ...

ac mong tui nylon va tham hoa rac thai nhua Sớm đầu tư xây dựng cầu ở nơi học sinh chui túi nylon đến trường

Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, cân ...

ac mong tui nylon va tham hoa rac thai nhua Xin kinh phí xây cầu để học sinh không phải qua suối bằng túi nylon

Phó chủ tịch UBND huyện Mường Chà, Điện Biên, cho biết Sở Giao thông Vận tải tỉnh này sẽ xin kinh phí để xây cầu ...