9x bỏ lương cao để tự khởi nghiệp

Từ bỏ cuộc sống nhàn nhã với thu nhập 60-70 triệu một tháng, Trần Yến Nhi khởi nghiệp với ứng dụng kết nối doanh nghiệp với lao động phổ thông.

Năm 2015, Nhi mô tả mình “bất động” giữa văn phòng startup mới thành lập vài tháng. Hơn 20 nhân viên cùng lúc xin nghỉ. Sản phẩm dang dở, bao nhiêu đầu việc chất đống phía trước. Bên cạnh Nhi giờ chỉ còn Phạm Thị Bảo Nguyên - đồng sáng lập và hai nhân viên. Điều này khác xa tưởng tượng trước đó của cô gái 9x khi dấn thân vào con đường startup. Nhi không nghĩ nó chông gai đến thế, ngay từ khi bắt đầu.

Từng học quản trị kinh doanh, ra trường, Nhi nhanh chóng tìm được công việc ổn định tại một đơn vị xuất nhập khẩu. Thu nhập mỗi tháng trung bình vài chục triệu vì cô chịu khó kinh doanh thêm. Mỗi ngày của 9x trôi qua nhẹ nhàng, đơn giản, không nhiều áp lực. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy cuộc sống thiếu cái gì đó gọi là điểm nhấn.

Đầu năm 2015, Nhi quyết định khởi nghiệp bằng việc dùng một tỷ đồng tiền dành dụm cùng người bạn Bảo Nguyên xây dựng Easyjob. Ý tưởng đến tình cờ khi đôi bạn đi ăn hàng và phát hiện tình trạng phân bổ nhân sự không hợp lý. Có nơi không gian nhỏ nhưng nhân viên đông, rảnh rỗi. Trong khi đó, nhiều địa điểm đông khách nhưng không đủ nhân viên, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Họ quyết định giải quyết tình trạng này, lấy cảm hứng từ Uber để làm dịch vụ tìm việc nhanh, có khả năng tuyển dụng trong vòng 20 phút.

Ngay sau đó, hai đồng sáng lập thực hiện khảo sát, thống kê cho thấy trên thị trường có hơn 70% là lao động phổ thông. Tuy nhiên, các trang tìm việc hầu hết đều tập trung nhiều vào công việc văn phòng. “Chúng tôi muốn làm ứng dụng đi tiên phong trong tuyển dụng lao động phổ thông”, Nhi chia sẻ.

Ngay tháng đầu, họ nhanh chóng tìm được đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, sau một thời gian, thấy môi trường startup còn nhiều khó khăn, trong một ngày, hơn 20 nhân viên đồng loạt xin nghỉ. Khoảnh khắc đó Nhi gần như không biết phải làm gì, như người bất động cả buổi chiều đến sáng hôm sau. Mất 12 tiếng để định hình mình đang là người đầu tàu của con thuyền này, cô biết không thể tiếp tục ngồi yên. “Vì còn quá nhiều việc trước mắt, phải bắt tay làm ngay”, 9x kể.

Nhi cùng Nguyên tiếp tục tuyển dụng, chia sẻ rất kỹ cho nhân viên biết khác biệt của môi trường startup so với các doanh nghiệp khác. Lúc này, văn phòng của họ chỉ là một căn nhà trong hẻm, môi trường thiếu thốn, không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ. Đối diện với khó khăn, họ chọn bước về phía trước chứ không bỏ cuộc.

Trước tháng 9/2015, họ ra mắt bản chạy thử và chỉ trong một ngày đã có 1.000 lượt tải mặc dù không hề chạy quảng cáo. Đến tháng 12 cùng năm, Easyjob có đủ hai phiên bản cho cả Android và iOS. Hiện ứng dụng đã có gần 50.000 lượt tải.

Cô gái 9x Trần Yến Nhi.

Easyjob là trung gian giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Mô hình này áp dụng cho cả tuyển dụng dài hạn và ngắn hạn, tập trung vào lao động phổ thông. Điểm đặc biệt là tính năng tuyển dụng tức thời trong phạm vi gần. Khi nhà tuyển dụng hoặc người lao động nhận thấy nhu cầu có thể chủ động liên hệ với nhau, đặt lịch hẹn phỏng vấn ngay. Nhờ đó cắt giảm thời gian và chi phí..

Việc kiểm duyệt thông tin được kiểm soát kỹ. Họ thường đến gặp trực tiếp nhà tuyển dụng để kiểm chứng mức độ thực cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng về phía người lao động thì không thể xác nhận được hết. “Kể cả có chúng tôi hay không thì việc kiểm chứng ý thức của một người là rất khó. Vì thế, chúng tôi tạo phần đánh giá giúp nhà tuyển dụng có thể chấm điểm ứng viên để đảm bảo độ uy tín cá nhân của từng người”, cô gái sinh năm 1992 giải thích.

Để đi được đến ngày hôm nay, nguồn vốn ban đầu của hai đồng sáng lập vẫn như muối bỏ biển. Họ liên tục tham gia các cuộc thi và kêu gọi đầu tư. Trong hai năm hoạt động, Easyjob tìm được vài nhà đầu tư thiên thần. Có nhà đầu tư tự tìm đến và cũng có quỹ đầu tư đang quan sát.

Cũng trong thời gian này, Nhi và Nguyên luân phiên mang ứng dụng tham gia nhiều cuộc thi. Trong đó thành tích cao nhất giành quán quân cuộc thi Start Tel Aviv với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp” do đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức năm 2016.

Chuyến sang thăm Israel, quốc gia khởi nghiệp nổi tiếng của thế giới, khiến Nhi càng kiên định hơn với con đường đang đi. Cô nói bài học lớn nhất sau trải nghiệm đó là cứ làm thật tốt việc của mình, rồi mọi thứ sẽ đi đúng hướng.

Từ bỏ cuộc sống nhẹ nhàng để dấn thân vào startup chông gai, Nhi nói hoàn toàn là lựa chọn xứng đáng. “Trước đây có thể tôi kiếm nhiều tiền nhưng không bao giờ nghĩ mình có thể ngồi trên bàn gặp gỡ những người thầy, nhà đầu tư hay các mối quan hệ khác, nghe kinh nghiệm và có thể thuyết phục họ làm việc cùng mình. Khi làm được điều đó, niềm vui thật khó tả”, Nhi chia sẻ với nụ cười trên môi.

\'Thủ tục rườm rà cản bước startup vay vốn\'

Phó tổng giám đốc ABBank cho biết thủ tục nhiêu khê từ một số ngân hàng gây trở ngại cho các startup cần vay vốn.

\'Khởi nghiệp thiếu tầm nhìn sẽ không tồn tại lâu\'

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng nhiều đơn vị khởi nghiệp thất bại vì thiếu hiểu biết thị trường, chỉ lo đầu vào mà ...

Startup nông nghiệp giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp công nghệ

Aevisor giành giải thưởng 50 triệu đồng cuộc thi IoT Startup 2017 do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao tổ chức.

(https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/hanh-trinh-khoi-nghiep/9x-bo-luong-cao-de-tu-khoi-nghiep-3657455.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-KinhDoanh&vn_campaign=vn)

/ Theo Trương Sanh/VnExpress.net