Ngày 4/4, 32 ngoại trưởng NATO đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Washington (4/4/1949). Vào thời điểm đó, cuộc đối đầu với Liên Xô thể hiện thông qua việc phong tỏa Berlin và ngày nay logic đối đầu với Nga rõ ràng đã quay trở lại. Để chuẩn bị, NATO muốn giành lại quyền kiểm soát việc hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.
Đối thủ và đối đầu
Lần đầu tiên, hội nghị có đến 32 đại diện tham dự, bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, quốc gia chính thức gia nhập NATO ngày 7/3 năm nay. Lần này NATO muốn tập trung vào “nhiệm vụ chính”, đó là đối phó với Nga, vốn đã là mối bận tâm chính trong suốt 75 năm qua của tổ chức này.
Tại lễ khai mạc hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh “châu Âu cần châu Mỹ để bảo đảm an ninh”, “đồng thời Bắc Mỹ cũng cần châu Âu” về đóng góp quân sự, mạng lưới tình báo và sức mạnh ngoại giao. Ông lưu ý: “Với NATO, Mỹ có nhiều bạn hữu và đồng minh hơn so với bất kỳ cường quốc nào”. Theo ông Jens Stoltenberg, NATO cần đảm bảo việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine để ngăn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp với khối. Cho đến nay, các nước đồng minh NATO luôn cẩn thận tránh để liên minh phải trực tiếp tham chiến.
Ngoài ra, còn có mối lo ngại về việc ông Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ngoại giao nội bộ của các nước đồng minh. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump thường xuyên đưa ra những lời đe dọa nhắm vào NATO, mặc dù nó không gây ra hậu quả cụ thể nào.
NATO cần dựa vào các cam kết hơn là đóng góp tự nguyện khi nói đến viện trợ cho Ukraine, Tổng thư ký Jens Stoltenberg phát biểu. “Vào lúc kỷ niệm những thành quả của NATO trong 75 năm qua, chúng ta không được ngủ quên trên những thành tựu đó. Hiện giờ, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc chiến quy mô lớn mà chúng ta vẫn nghĩ đã vùi trong lịch sử. Vì vậy, tăng cường vai trò của NATO về mặt điều phối và hỗ trợ là cách để chấm dứt cuộc chiến này”, ông phát biểu.
Theo ông, cuộc chiến ở Ukraine đã kéo Liên minh vào cuộc đối đầu xa với Nga. Đó là lý do để các nước đồng minh NATO quyết định chuẩn bị tiếp quản nhóm Ramstein để yểm trợ cho Ukraine. Khi được hỏi liệu có kế hoạch bãi bỏ nhóm Ramstein và đưa nhóm này vào NATO hay không, ông Stoltenberg nói: "Tất nhiên, bất cứ điều gì chúng tôi làm đều sẽ phối hợp chặt chẽ với tất cả các sáng kiến khác mà các đồng minh NATO tham gia. NATO là một phần của Ramstein. 99% sự hỗ trợ của NATO cho nhóm Ramstein là do các đồng minh NATO cung cấp".
Ông nói thêm: “Người đứng đầu chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác hậu cần là tướng Christopher Cavoli và ông là Tư lệnh Mỹ ở châu Âu, đồng thời cũng là Tư lệnh NATO ở châu Âu". Khi chiến tranh Ukraine mới nổ ra, các nước đồng minh đã không muốn giao cho NATO nhiệm vụ hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine vì sợ kích động leo thang từ phía Nga. Từ giờ, NATO đi theo hướng đối đầu.
Một phần của cuộc xung đột?
Tổng thư ký NATO đề xuất thành lập một quỹ đóng góp của đồng minh trị giá 100 tỷ USD trong 5 năm cho Ukraine như một phần gói hỗ trợ để các nhà lãnh đạo liên minh ký kết khi họ tập trung tại Washington vào tháng 7. Các nguồn tin cho biết: “Là một phần của gói, NATO cũng có thể đảm nhận các nhiệm vụ hoạt động của Nhóm phòng thủ liên lạc Ukraine do Mỹ đứng đầu, điều phối việc chuyển giao vũ khí của khoảng 50 quốc gia cho Ukraine”. Theo Bloomberg, "việc thể chế hóa sự hỗ trợ của NATO có thể báo hiệu cam kết của họ với Ukraine về lâu dài, đặc biệt khi các thành viên khó có thể đưa ra lời mời chính thức để Ukraine tham gia liên minh tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington”.
Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong cuộc họp báo với đồng cấp Pháp Stéphane Séjourné tại Paris ngày 2/4, tuyên bố, thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO là dịp để ‘‘xác định một cách cụ thể và rõ ràng’’ lộ trình gia nhập khối của Ukraine. Cho đến nay, NATO thường nhấn mạnh là Ukraine sẽ gia nhập NATO trong tương lai, nhưng Kiev chỉ có thể được kết nạp một khi chiến tranh kết thúc. Cũng tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái xuyên biên giới của Kiev, trong khi Ngoại trưởng Pháp ngầm tán thành.
Mỹ, thành viên chủ chốt của NATO, đã không đồng tình với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine, vốn đang ngày càng nhắm vào các cơ sở sâu bên trong Nga. Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một số cơ sở dầu mỏ của Nga vào tháng 3, tuyên bố rằng họ “gây ra một đòn mang tính biểu tượng bằng cách đưa cuộc chiến đến gần Moscow hơn” và làm gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội ở tiền tuyến. Các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra vào tháng 4, với vụ gần đây nhất nhắm vào một số cơ sở công nghiệp ở Elabuga và Nizhnekamsk, các thành phố thuộc Cộng hòa Tatarstan của Nga. Ông Blinken đã tìm cách tránh xa tình hình bằng cách nói rằng Mỹ "không ủng hộ cũng như không cho phép Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ của mình". Tuy nhiên, ông Sejourne dường như ủng hộ bất kỳ động thái nào mà Kiev thực hiện, cho rằng Ukraine chỉ đang tự vệ.
Cũng liên quan tới sự mất đoàn kết trong NATO, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết: “Hungary sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào có thể dẫn đến leo thang chiến sự ở Ukraine hoặc mối đe dọa sắp xảy ra một cuộc chiến tranh toàn cầu. Chúng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ đề xuất nào có thể đưa NATO đến gần chiến tranh hơn hoặc chuyển NATO từ thế phòng thủ thành một liên minh tấn công”. Ông nhấn mạnh NATO nên tuân thủ quyết định trước đó là không tham gia các cuộc chiến ở Ukraine và tránh "xung đột trực tiếp với Nga".
Ngoại trưởng Hungary nói rằng, Budapest phản đối các hành động thù địch ở Ukraine và lên án chúng, và rằng, trong mọi trường hợp, "đó không phải là chiến tranh Hungary hay chiến tranh NATO". Ông than thở rằng, các đồng minh NATO đã thể hiện những ý định, kế hoạch và đề xuất trái ngược nhau, có thể khiến họ "vượt qua một số ranh giới mà cho đến gần đây vẫn được coi là ranh giới đỏ".
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/75-nam-nato-i727588/