6.000ha đất đổi đường sắt đô thị: Có mối lo tham nhũng?

Không nên lựa chọn nhà đầu tư theo kiểu đến xin làm dự án này nhưng phải đổi lại được dự án khác. 

Phải dứt khoát

PGS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cũng nói rõ quan điểm là không đổi đất và phải tách bạch việc sử dụng, đấu giá đất với việc đấu thầu dự án xây dựng ĐSĐT thành hai dự án riêng biệt. Vị PGS cảnh báo, đó là cách tốt nhất để ngăn chặn tham nhũng.

6000ha dat doi duong sat do thi co moi lo tham nhung
Hà Nội khó hoàn thành mục tiêu. Ảnh minh họa

Ông cho biết, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã có từ rất lâu, cơ chế này thực hiện trong bối cảnh ngân sách nhà nước phân bổ cho các địa phương nhưng không đủ để phát triển hạ tầng. Trong khi đó, địa phương chỉ có đất đai là tài sản có giá trị. Trong bối cảnh đó, phương án đổi đất lấy hạ tầng được nhiều địa phương cân nhắc, thực hiện. Thực chất là hình thức địa phương ký hợp đồng với nhà đầu tư, nhà đầu tư bỏ tiền xây một công trình, dự án nào đó và đổi lại địa phương phải trả chủ đầu tư bằng đất.

Cơ chế trên nếu được quản lý chặt chẽ, cơ quan thực thi pháp luật liêm chính, minh bạch thì không có vấn đề gì, thậm chí còn được xem là giải pháp tốt giúp địa phương vẫn có thể phát triển hạ tầng mà không bị áp lực về kinh phí.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là quá trình đổi chác trên diễn ra thế nào? Vị trí đất ở đâu? Giá trị đem ra đánh đổi tính toán ra sao? Người thực hiện quản lý, giám sát có công tâm, khách quan không?... Theo ông Hùng, tất cả nếu thực hiện không tốt sẽ luôn gắn với tham nhũng, thất thoát rất lớn từ phần xác định giá trị đất chênh lệch trong cách tính của địa phương với giá trị thị trường.

Trên thực tế, chuyện tham nhũng, thất thoát đã từng xảy ra với rất nhiều địa phương. Ngay ở Bà Rịa – Vũng Tàu, một địa phương được xem là tiên phong đi đầu thực hiện cơ chế này đã khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo chịu "án" kỷ luật nghiêm khắc.

Vì vậy, theo vị PGS cho rằng, việc tách bạch hai vấn đề đấu giá sử dụng đất và đầu tư xây dựng ĐSĐT thành hai dự án riêng biệt vừa giúp ngăn chặn được tình trạng thất thoát, tham nhũng lại vừa giúp khai thác hiệu quả sử dụng quỹ đất cũng như đảm bảo được chất lượng dự án.

Đối với 10 dự án ĐSĐT, PGS Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị Hà Nội tổ chức đấu thầu rộng rãi để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Ông nói rõ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực cũng như đảm bảo được chất lượng của dự án.

Làm thế nào...?

Ở một diễn biến liên quan, Hà Nội vừa đặt mục tiêu trong 13 năm phải hoàn thiện hệ thống đường sắt nhằm nâng tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng vận tải công cộng lên tới 40-50%. Với chủ trương đầu tư thêm 8 tuyến đường sắt, nhiệm vụ của Hà Nội là trong vòng 13 năm phải hoàn thiện được hơn 100 cây số ĐSĐT.

Đây được xem là lý do gây áp lực rất lớn cho Hà Nội. TS Nguyễn Xuân Thủy nói thẳng "xét cả về thời gian lẫn khả năng xoay trở nguồn vốn đầu tư Hà Nội đều khó có thể thực hiện được".

Về thời gian, ông cho biết ở một đất nước phát triển, áp dụng công nghệ cao, đội ngũ công nhân rất lành nghề như Tiệp Khắc mà để thực hiện 100 cây số ĐSĐT họ cũng phải mất tới 40 năm.

Nước Nga cũng phải mất 60-70 năm mới hoàn thiện được hệ thống đường sắt đô thị vài trăm cây số như hiện nay.

"Vậy mà Hà Nội lại muốn làm 100 cây số ĐSĐT chỉ trong 13 năm thì chỉ có thể biến hình thành siêu nhân", ông nói.

Về vốn đầu tư, theo tính toán của TS Thủy, trung bình mỗi tuyến đường sắt là khoảng 15 cây số, mỗi cây số khoảng 120-150 triệu USD. Như vậy, mỗi năm Hà Nội cần ít nhất khoảng 2,5 tỷ USD để thực hiện mục tiêu trên. Với con số này, Hà Nội có huy động hết các nguồn lực cũng khó có thể thu xếp được.

Đứng trong tình cảnh quá gấp rút như hiện nay, giải pháp đổi đất lấy hạ tầng theo vị chuyên gia cũng là một giải pháp có thể được cân nhắc nhằm gỡ bí cho Hà Nội.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, nếu quản lý không tốt sẽ là kẽ hở cho những kẻ cơ hội, thực dụng hưởng lợi cả hai đầu, cả về giá trị và cả giá trị thực của dự án. Khi đó, câu chuyện chống thất thoát, tham nhũng còn là vấn đề khó khăn, phức tạp hơn nhiều.

"Từ khâu quản lý cho tới khâu sử dụng, khâu nào cũng bộc lộ những kẽ hở có khả năng gây thất thoát cho ngân sách nhà nước từ hàng chục tỷ tới vài chục tỷ một năm.

Ngay với chi phí đền bù của mỗi dự án cũng mỗi nơi tự đặt ra một mức giá, không ai so sánh, giám sát được. Vì vậy, việc xác định giá đất trong cơ chế đổi đất lấy hạ tầng cũng chính là vấn đề dễ nảy sinh tiêu cực nhất. Tiếp đến là vị trí đất, hợp đồng thực hiện...

Hà Nội phải đảm bảo tất cả đều phải được thực hiện rất chặt chẽ đồng thời phải gắn vào đó là trách nhiệm của những người thực thi chủ trương đó", ông Thủy nói.

/ Hoài An/Đất Việt