Đậu bắp là thực phẩm tốt cho sức khoẻ nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ nếu như sử dụng sai cách, dưới đây là 5 nguy cơ tiềm ẩn khi ăn đậu bắp bạn cần lưu ý.
Thành phần dinh dưỡng của đậu bắp
Báo Vietnamnet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, quả đậu bắp tươi giàu chất nhầy, carbohydrate (tinh bột, đường, palmatin, stearin), protein, flavonoid, scopoletin và các vitamin như A, B1, B2, B3, B9; vitamin C, E, K, các khoáng chất canxi, sắt, kẽm, kali, magie.
Lá đậu bắp chứa các khoáng chất, tannin, chất nhầy và giàu các dẫn xuất flavonoid. Rễ đậu bắp chứa polysaccharide, carbohydrate, dầu, chất nhầy, flavonoid và một số thành phần tác dụng chống oxy hóa.
Về tác dụng với sức khỏe, đậu bắp được dùng để điều trị bệnh lỵ, tiêu chảy trong viêm đường ruột cấp tính và kích thích dạ dày, ruột. Quả đậu bắp chứa nhiều chất xơ và chất nhầy, tác dụng nhuận tràng nhẹ, giúp hỗ trợ tiêu hoá.
Các thành phần khác nhau của cây đậu bắp tác động chống oxy hoá và bảo vệ gan. Ví dụ, thành phần có hoạt tính chống oxy hoá trong hạt là procycanidin B2, procyanidin B1 và rutin; trong hoa, quả, lá có polyphenol, flavonoid.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi ăn đậu bắp
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Chu Thị Dung - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3 cho biết, đậu bắp là một loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra một số nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe...

Đậu bắp là thực phẩm tốt cho sức khoẻ nhưng cần ăn đúng cách
- Có thể gây rối loạn tiêu hóa: Đậu bắp chứa fructan, loại carbohydrate gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy, đặc biệt ở những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường: Đậu bắp có thể làm giảm khả năng hấp thụ metformin, một loại thuốc điều trị tiểu đường type 2, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát đường huyết. Người bị tiểu đường type 2 thường có nguy cơ cao bị sỏi thận do nước tiểu có tính axit và đậu bắp chứa oxalate làm tăng nguy cơ này.
- Có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận: Hàm lượng oxalate cao trong đậu bắp có thể hình thành tinh thể oxalat canxi, làm tăng nguy cơ sỏi thận, đặc biệt ở những người có tiền sử mắc bệnh này.
- Tương tác với thuốc chống đông máu: Hàm lượng vitamin K cao trong đậu bắp có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chống đông máu như warfarin, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Nguy cơ dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với đậu bắp, với các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc nghẹt mũi.
Những điều cần lưu ý khi ăn đậu bắp
Theo BS Chu Thị Dung, để ăn đậu bắp bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Ăn với lượng vừa phải: Khoảng 100-150g/lần, 2-3 lần/tuần để tránh các tác dụng phụ.
- Người bị sỏi thận hoặc bệnh gout: Nên hạn chế ăn đậu bắp hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Không nấu đậu bắp quá chín: Đậu bắp chứa nhiều vitamin C, vitamin B, chất chống oxy hóa và enzyme tiêu hóa... nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể phá hủy những dưỡng chất này. Chất nhầy tự nhiên trong đậu bắp (mucilage) giúp hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát đường huyết và giảm cholesterol... nếu nấu quá chín, chất nhờn này có thể bị mất đi.
- Theo dõi phản ứng của cơ thể: Nếu gặp triệu chứng dị ứng hoặc khó chịu, nên ngừng sử dụng ngay lập tức.
Đậu bắp là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều hoặc không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Hãy ăn uống cân bằng và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bệnh lý nền để tận dụng tối đa lợi ích của đậu bắp một cách an toàn.
https://vtcnews.vn/5-nguy-co-tiem-an-khi-an-dau-bap-ar936928.html