5 năm, người nước ngoài mua gần 16.000 căn nhà

Dù người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam trong 5 năm qua không nhiều. Nếu so sánh với số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua thì chỉ chiếm tỉ lệ 2% tổng số nhà ở. Theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, việc giao dịch này đang có xu hướng tăng dần. Điều này cũng phát ra một tín hiệu đáng mừng nhưng bên cạnh đó có những vấn đề lo ngại.

Chiếm tỉ lệ 2% tổng số nhà ở

Trong văn bản Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) gửi Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan về việc nên hay không nên nới giới hạn “trần” sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc mua căn hộ du lịch (condotel), Hiệp hội này khẳng định không có làn sóng người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho rằng, không nên “ảo tưởng” sẽ có một làn sóng người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại Việt Nam. Thực tế tình hình người nước ngoài mua nhà 5 năm qua (2015-2020) đã chứng minh cho nhận định này. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ từ 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn, tổng cộng trong 5 năm đã bán được 12.335 ngôi nhà, căn hộ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Tuy nhiên, HoREA cho biết, nếu giả định 17 Tập đoàn và doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 70-80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài, thì có thể ước số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua trên phạm vi cả nước chỉ vào khoảng 14.800 - 16.000 căn. Trong đó, 5 Tập đoàn hàng đầu (Vingroup, Novaland, Phú Mỹ Hưng, CBRE, Hưng Thịnh) được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà, với 10.571 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài, riêng Tập đoàn Vingroup chiếm tỉ lệ 40%, cao nhất.

Đối chiếu với số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009-2019) của Bộ Xây dựng, thì đã có 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 căn nhà, bình quân mỗi 5 năm phát triển được khoảng 787.000 căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, thì chỉ chiếm tỉ lệ 2% tổng số nhà ở.

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số 16.000 này không phải là lớn. Chứng tỏ thị trường bất động sản cho người nước ngoài chưa được mở rộng, đang có giới hạn. Các nhà đầu tư chưa quan tâm đến loại hình nhà ở nhiều mà chủ yếu là đầu tư vào khu bất động sản công nghiệp.

Còn một số chuyên gia bất động sản cho rằng, trên thực tế mặc dù chưa nhiều nhưng đang có xu hướng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đang tăng dần. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đều có những quy định cho người nước ngoài mua bất động sản.

Như vậy, theo các chuyên gia này, bỏ qua những khó khăn thách thức hiện tại, tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam về dài hạn sẽ rất phát triển. Việc đa dạng nguồn khách mua gồm cá nhân/tổ chức bao gồm người Việt trong nước, Việt kiều, người nước ngoài cũng là điều cần thiết và có lợi cho chủ đầu tư nói riêng và lĩnh vực bất động sản nói chung.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, các giao dịch thành công của người nước ngoài thường rơi vào nhóm dự án thuộc phân khúc cao cấp đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh an toàn, giao thông thuận tiện...

Thận trọng tránh phát sinh phức tạp

Trao đổi với Lao Động, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm - cho hay, người mua nhà ở Việt Nam chủ yếu là Việt Kiều. Việc người mua nhà ở đây cũng là mừng nhưng cũng lo. Luật sư Tú nói, mừng là những người này sẽ bơm vốn cho nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản của chúng ta giúp cho nhà đầu tư quay vòng sản xuất kinh doanh nhà tốt hơn. Ngoài ra, nó sẽ kích cầu tốt hơn đối với thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo luật sư Tú bên cạnh đó đi kèm với một mối lo rất lớn bởi hiện nay thị trường bất động sản vốn rất méo mó. Việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ tạo thêm sức ép về giá. Điều này tạo áp lực cho người dân ở nông thôn khi ra sinh sống làm việc ở đô thị rất khó khăn trong việc mua nhà. Khó khăn chồng chất khó khăn khi đẩy giá nhà lên cao.

“Lo ngại về an ninh trật tự cũng là điều cần phải bàn tới. Ví dụ vụ đánh bạc ở Hải Phòng. Các đối tượng người Trung Quốc đã sử dụng chung cư của mình như một cứ điểm để thực hiện hành vi tội phạm. Khi phát hiện được thì vi phạm pháp luật đã kéo dài từ trước đây” - vị luật sư này nói.

Cao Nguyên

New Zealand cấm người nước ngoài mua nhà New Zealand cấm người nước ngoài mua nhà
Cấp sổ đỏ cho người nước ngoài: Việt Nam khác Mỹ Cấp sổ đỏ cho người nước ngoài: Việt Nam khác Mỹ
/ laodong.vn