Không ghi mật khẩu ra giấy, dùng tay che chắn khi rút tiền để tránh bị lộ mã PIN, chú ý quan sát người cầm thẻ của mình khi mua hàng trong trung tâm thương mại, sử dụng sms banking, sẵn sàng phối hợp với ngân hàng ngay khi mất thẻ,... là những điều người sử dụng thẻ ATM cần nằm lòng để tránh bị kẻ gian trộm cắp tiền trong tài khoản ngân hàng.
Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an vừa ra cảnh báo về nạn đánh cắp thông tin thẻ ATM khi hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền từ tài khoản thẻ ATM xảy ra gần đây và đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo đảm an ninh trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, Tổng cục Cảnh sát lưu ý, khi sử dụng thẻ ATM, người dùng không nên ghi mật khẩu ra giấy, sổ tay hoặc lưu trên điện thoại di động, tiết lộ mật khẩu hay cho người khác mượn thẻ ngân hàng. Ngoài ra, không nên đặt mật khẩu bằng các số dễ đoán như ngày sinh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, biển số xe...
Thứ hai, khi rút tiền, người sử dụng phải dùng tay che chắn để tránh lộ mã PIN, sau khi rút tiền xong, khách hàng nên kiểm tra đã lấy thẻ và tiền chưa, chờ thông báo kết quả giao dịch hoàn tất trên màn hình ATM trước khi rời đi.
Thứ ba, trong lúc mua sắm, thanh toán tiền bằng thẻ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng... cần phải chú ý quan sát người cầm thẻ (nhân viên thu ngân) tránh thông tin bị đánh cắp.
Thứ tư, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động và thông báo số dư tài khoản qua tin nhắn để nắm được các giao dịch của mình, phát hiện những phát sinh giao dịch đáng ngờ để kịp thời xử lý.
Nhiều người lo lắng về số tiền đang nằm trong tài khoản của mình rất có thể "bốc hơi" lúc nào không hay. |
Và cuối cùng, trong một số trường hợp không may xảy ra rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ mà chưa rõ nguyên nhân, người sử dụng nên liên hệ ngay với ngân hàng phát hành yêu cầu khóa thẻ và phối hợp với ngân hàng cung cấp các giấy tờ liên quan để các đơn vị chức năng hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết.
Trước đó, đại diện Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC 50, Công an TP Hà Nội) cũng nhận định, hiện tội phạm ngân hàng ở Việt Nam đang sử dụng ba thủ đoạn chính.
Đầu tiên phải kể tới là nhóm tội phạm chuyên mua bán, đánh cắp thông tin tài khoản thẻ ATM sau đó tự sản xuất thẻ ATM giả. Loại tội phạm này chủ yếu là người nước ngoài, trong đó, nhiều đối tượng là người Trung Quốc thường nhập cảnh vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch hoặc dưới hình thức đi du lịch. Khi vào Việt Nam, chúng thường mang theo phôi thẻ ATM cùng các thiết bị để sản xuất thẻ ATM giả tới các địa điểm rút tiền tự động để thực hiện hành vi phạm tội.
Đơn cử như vào giữa năm 2016 vừa qua, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Tian Yun Yun (SN 1987, trú tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) và Zhong Zheng (SN 2000, ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền tại cây ATM. Hai đối tượng này đã cấu kết với một số đối tượng gây ra hàng loạt vụ dùng thẻ ATM giả rút tiền tại các cây ATM trên địa bàn TP Hà Nội. Khi đang thực hiện rút trộm tiền tại cây ATM của Ngân hàng Liên Việt Post Bank, hai đối tượng trên đã bị bắt giữ.
Thủ đoạn thứ 2 là tội phạm sử dụng Skimming gồm: camera siêu nhỏ, khuôn bàn phím của ATM, thiết bị đặt ở khe đút thẻ để sao lại dữ liệu. Tội phạm sử dụng Skimming thường đến những trạm ATM vắng vẻ, lắp đặt các thiết bị vào ATM. Người dùng thẻ ATM khi gõ mật khẩu sẽ bị khuôn bàn phím và ca-mê-ra ghi lại, và khi thẻ đút vào khe sẽ bị sao chép lại dữ liệu. Từ đây, các đối tượng tiến hành đánh cắp thông tin của khách hàng và dùng thẻ giả để rút hết tiền trong tài khoản.
Thủ đoạn thứ ba là sử dụng phương thức Phishing (lừa đảo trực tuyến). Để thực hiện, tội phạm sẽ giả danh các cơ quan, tổ chức gửi email, tin nhắn, đường link đến người dùng với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc gửi đến các trang website giả mạo, có giao diện giống với giao diện của các website ngân hàng mà người dùng sử dụng để đánh cắp thông tin cá nhân về tên, tuổi, tên tài khoản ATM, mật khẩu... Sau đó sẽ dùng thông tin này để rút trộm tiền trong tài khoản ATM.
Anh Lê