4 phương pháp điều trị tiểu đường phổ biến hiện nay

Tiểu đường nhẹ chỉ cần kiểm soát chế độ ăn uống, nặng hơn phải dùng thuốc Đông - Tây y kết hợp theo chỉ định của bác sĩ.
 

Phương pháp không dùng thuốc

Phương pháp áp dụng khi mới phát hiện tiểu đường. Lúc này, chỉ số đường huyết không quá cao, chưa gây ra biến chứng cấp tính.

Điều chỉnh chế độ ăn: Bệnh nhân giảm lượng glucose nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, vitamin và các chất điện giải cho cơ thể. Duy trì cân nặng hợp lý, không để sụt cân quá mức. Đối với tiểu đường type 2 kèm béo phì, cần có chế độ ăn ít calo (dưới 1.200 kcal mỗi ngày) để giảm 20-25% so với nhu cầu năng lượng.

Luyện tập mang lại hiệu quả tốt cho người tiểu đường

Vận động thể lực: Phương pháp này cần thiết đối với bệnh nhân tiểu đường, nhưng lại ít được chú trọng áp dụng trong điều trị. Luyện tập mang lại lợi ích to lớn trong điều trị tiểu đường như: giúp giảm cân, giảm đề kháng insulin, cải thiện dung nạp glucose và nồng độ lipid máu. Ngoài ra, luyện tập phù hợp với thể trạng còn giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, cơ bắp dẻo dai, ổn định hệ tiêu hóa…

Liệu pháp thực hành y học tâm cơ thể: Thiền, yoga, thái cực quyền không chỉ mang lại lợi ích tương tự như vận động thể lực, mà còn giúp giảm stress oxy hóa trong tiểu đường - nguyên nhân gây đề kháng insulin và rối loạn tế bào β của đảo tụy.

Sản phẩm bổ trợ: Có thể sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ giúp ổn định mức đường huyết trong ngưỡng an toàn.

Phương pháp y học hiện đại

Thuốc tây giúp giảm đường huyết nhanh chóng

Insulin: Đây là chỉ định bắt buộc đối với tiểu đường type 1, tiểu đường thai kỳ, tiểu đường type 2 có mức đường huyết quá cao, nguy cơ gây biến chứng cấp tính hoặc người suy gan, suy thận nặng.

Thuốc uống hạ đường huyết: Thuốc được chỉ định sau khi chế độ ăn và vận động thể lực kiểm soát đường huyết áp dụng thất bại. Các thuốc được chia theo nhóm công dụng như chậm hấp thu glucose, kích thích bài tiết insulin, tăng tác dụng glucose, giảm tân tạo glucose, giảm đề kháng insulin. Lưu ý vẫn phải kết hợp dùng thuốc với chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.

Phương pháp y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, không có bệnh danh tiểu đường. Các biểu hiện khi đường huyết trong máu tăng như khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, mau đói, thèm ăn… được mô tả trong chứng tiêu khát và chia thành các thể bệnh: phế âm hư, vị âm hư, thận âm hư, thận dương hư.

Phép trị chung là lấy dưỡng âm thanh nhiệt, sinh tân dịch làm cơ sở. Một số bài thuốc cổ phương được nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng có tác dụng giảm và ổn định đường huyết như Lục vị tri bá, Lục vị kỹ cúc, Thiên vương bổ tâm, Tiêu khát phương.

Một số dược liệu dùng trong trị tiểu đường

Trên lâm sàng, thầy thuốc điều trị chú ý các thể bệnh thiên về chủ chứng, mà gia giảm các dược liệu theo cơ sở tác dụng nêu trên. Bên cạnh đó, người thầy thuốc y học cổ truyền còn lưu tâm đến các triệu chứng và biến chứng kèm theo để phối hợp các vị thuốc. Y học cổ truyền chú trọng phải đảm bảo an toàn cho người bệnh khi sử dụng thường xuyên, lâu dài.

Dược liệu điều trị tiểu đường và các triệu chứng kèm theo khá phong phú như khổ qua, mạch môn, dây thìa canh, chè đắng, hoàng kỳ, giảo cổ lam, ngũ vị tử, thục địa, câu kỷ tử, phục linh, hoài sơn… Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà phối hợp và cân chỉnh liều lượng.

Y học cổ truyền còn có phương pháp châm cứu ấn huyệt, giúp kích thích một số huyệt vị, kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Phương pháp kết hợp Đông - Tây y

Tiêu chí điều trị tiểu đường hiện nay là nhanh chóng đưa đường huyết về mức an toàn và ổn định, phòng tránh các biến chứng cấp tính và mạn tính của bệnh. Phương pháp kết hợp Đông - Tây y trong điều trị tiểu đường là phối hợp giữa tiêu chí giảm và duy trì sự ổn định của đường huyết.

Bác sĩ dùng các phương tiện chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng của y học hiện đại để chẩn đoán, xác định nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi, các bệnh kèm theo, lượng đường huyết... Qua đó, theo dõi chính xác mức đường huyết và các chỉ số kèm theo như mỡ máu, chức năng gan, thận.

Nếu mức đường huyết dưới 150mg/dl hoặc dưới 9mmol/L, có thể áp dụng phương pháp không dùng thuốc (kiểm soát chế độ ăn, tập luyện) và các loại thuốc y học cổ truyền (thuốc thang hoặc thành phẩm). Nếu mức đường huyết qua điều trị như trên vẫn không giảm, hoặc đường huyết lúc đói khi khởi đầu cao hơn 150mg/dl, nên dùng các thuốc y học hiện đại phối hợp với chế độ ăn và tập luyện.

Ngoài ra, với quan điểm chỉnh thể trong nguyên tắc điều trị của y học cổ truyền, thầy thuốc luôn chú ý tác động qua lại lẫn nhau giữa các chức năng tạng phủ. Việc chữa trị cần quan tâm điều chỉnh, nhằm đảm bảo tái lập sự cân bằng cho cơ thể người bệnh.

Đông y vận dụng những dược liệu thiên nhiên cùng với phương pháp châm cứu, bấm huyệt và bài tập dưỡng sinh, khí công... không chỉ kiểm soát đường huyết, mà còn củng cố các cơ quan tạng phủ bên trong.

Với phương pháp này, các bài thuốc dược liệu cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên lâm sàng, phối hợp với thuốc điều trị tiểu đường Tây y. Khi dùng dài ngày, phải xác định rõ hiệu quả, đồng thời đánh giá những chức năng khác của cơ thể.

Cảnh giác khi người tiểu đường bị bủn rủn, vã mồ hôi
Vì sao dầu ô liu có thể giúp giảm cân và ngừa tiểu đường?
Hợp chất trong dầu ô liu chống bệnh tiểu đường

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/phong-tri-benh-tieu-duong/4-phuong-phap-dieu-tri-tieu-duong-pho-bien-hien-nay-3652920.html

/ Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay/Vnexpress