108 vị anh hùng tụ lại dưới cờ “Thế Thiên Hành Đạo” ở Lương Sơn Bạc, mỗi người một cảnh, tính cách nhiều khác biệt. Và nếu xét theo tiêu chí “trọng nghĩa khinh tài” của anh hùng hảo hán thời phong kiến, thì có 4 vị đầu lĩnh sau đây là những người bậc nhất đề cao nghĩa khí giang hồ mà xem thường chuyện tiền bạc.
Hạng tư: “Tiểu Toàn Phong” Sài Tiến
Sài Tiến hiện ra lần đầu tiên qua lời tay chủ quán rượu, nói với Lâm Xung nhân khi chàng ta bị áp giải trên đường đến Thương Châu ở hồi 8 Thủy Hử: “Trong thôn kia có ông đại tài chủ, tên gọi Sài Tiến, ở đây thường gọi là Sài Đại Quan Nhân, mà đám giang hồ thì vẫn gọi là Tiểu Toàn Phong Sài Tiến, vốn là con cháu Sài Thế Tôn nhà Đại Chu khi trước. Từ khi Trần Kiều binh biến nhường ngôi cho Thái Tổ rồi. Vũ Đức hoàng đế mới sắc phong cho Thư thiết khoán. Ông ta thích chiêu hào những hảo hán trên đời, cho nên trong nhà lúc nào cũng nuôi đến năm bảy mươi người ở đó! Lại thường dặn ở nhà tôi, nếu thấy những người nào mắc tội đày ải qua đây, thì đưa vào để ông ta giúp đỡ…”.
4 anh hùng “trọng nghĩa khinh tài” bậc nhất Lương Sơn Bạc.
Hãy xem cách Sài Tiến trọng nghĩa như thế nào với Lâm Xung, khi nghe “Báo tử đầu” giới thiệu về mình: “Lâm Xung vừa nói dứt lời, thì người kia vội nhảy xuống ngựa đi đến tận nơi… cúi rạp xuống đất mà lạy, đoạn rồi dắt Lâm Xung đi vào trang viện. Sài Tiến mời Lâm Xung ngồi rồi nói: - Chúng tôi được nghe danh Giáo Đầu đã lâu, nay ngài lại đến đây cho tôi được thừa tiếp, thì thực là thỏa lòng khát vọng vô cùng… Nói đoạn thúc trang khách lấy rượu lên, rót luôn ba chén mời Lâm Xung… Sài Tiến nhường Lâm Xung ngồi khách vị mà tự mình ngồi chủ vị. Được một lát mặt trời đã lặn non tây, người nhà lại bày các thực phẩm la liệt trên bàn, nào là hải vị sơn hào, không gì là không có”.
Cái “khinh tài” của Sài Tiến thì được thể hiện rõ nét qua đoạn Lâm Xung giao chiến vài hiệp với tay Hồng Giáo Đầu bỗng nhảy khỏi cuộc chiến mà kêu rằng mình “có lẽ thua mất vì bị gông trói vướng mắc”. Lúc ấy, Sài Tiến liền cười mà rằng: “Trời ôi! Tôi quên đi mất đấy, được có khó gì đâu. Nói đoạn sai người lấy 10 lạng bạc đưa cho đám công sai mà bảo: - Thế nầy thì không phải, tôi phiền hai ông làm ơn hãy tạm tháo gông cho Lâm Giáo Đầu một lúc. Rồi sáng mai đi, sẽ lại lắp vào tử tế, nếu có xảy chuyện gì, trách nhiệm tôi xin chịu cả”.
Sau khi Lâm Xung đánh hạ Hồng Giáo Đầu, thì “Sài Tiến dắt tay Lâm Xung vào nhà trong, mời ngồi đánh chén tiếp rồi lại sai đem tiền thưởng cho Lâm Xung. Lâm Xung từ chối không được, sau bất đắc dĩ phải cảm ơn, mà nhận lấy. Đoạn rồi Sài Tiến lưu Lâm Xung ở luôn trong trại năm bảy hôm nữa, thiết đãi rất là long trọng”.
Tiểu Toàn Phong Sài Tiến, người mà rất nhiều đầu lĩnh Lương Sơn như Lâm Xung, chịu ơn.
Sau biết không lưu Lâm Xung lại ở lâu được, Sài Tiến liền “đặt tiệc tiễn hành, viết hai phong thư đưa cho Lâm Xung mà dặn rằng: - Quan Đại Doãn ở Thương Châu đối với tôi rất là tử tế… vậy tôi gửi hai phong thư này, xin ngài cứ đưa cho họ, tất là họ phải biệt nhãn đãi ngài. Nói đoạn lấy 25 lạng bạc đưa tặng Lâm Xung, và lấy 5 lạng bạc tặng lũ công sai một thể”
Khi tiễn Lâm Xung, Sài Tiến còn cẩn thận dặn dò rằng: “Bây giờ ngài sang đây phải bảo trọng lấy thân, rồi đến mùa đông thì tôi xin đưa quần áo rét sang để ngài dùng cẩn thận”. Đúng là trọng nghĩa trăm phần trọng nghĩa, khinh tài vạn lần khinh tài. Như câu thơ cuối hồi 8 của Thi Nại Am: “Ân cần trong lúc chia tay/Anh hùng ly biệt cho hay khác thường!”.
Và hãy nhớ rằng, ngoài Lâm Xung, Sài Tiến còn biết bao lần ra tay cứu giúp tương trợ những tội phạm sau này trở thành đầu lĩnh bậc nhất ở Lương Sơn như Tống Giang, Võ Tòng... Xét về số lượng (đầu lĩnh), khối lượng tiền bạctiêu tốn cho tất thảy các lần tương trợ, Sài Tiến xứng đáng là số 1 ở mức độ chịu chi. Nhưng trong danh sách những đầu lĩnh “trọng nghĩa khinh tài” nhất Lương Sơn Bạc, chàng ta chỉ đứng hàng 4. Tại sao vậy? Đơn giản là vì Sài Tiền thuộc dạng phú giá địch quốc, giàu có hơn người, số tiền chàng bỏ ra cứu giúp những hảo hán gặp nạn, chẳng thấm vào đâu so với tài sản thực sự của gia tộc.
Cửu Vân Long Sử Tiến, không chỉ đối tốt với thầy Vương Tiến mà còn vì nghĩa mà giúp đỡ bọn Chu Vũ Dương Xuân.
Hạng ba: “Cửu Vân Long” Sử Tiến
Thủy Hử hồi 1 kể chuyện Giáo đầu Vương Tiến dắt mẹ đi trốn, tới gần Duyên An, đang đêm lỡ đường thì thấy “một trang viện lớn, có tường đất bao bọc chung quanh ngoài trồng toàn liễu, có tới ba bốn trăm cây xanh…”. Đấy chính là Sử gia trang của nhà Sử Tiến: “Nguyên tổ phụ tôi từ xưa vẫn ở địa hạt huyện Hoa Âm này, đàng trước có dãy núi Thiếu Hoa, thôn này tên gọi là Sử Gia Thôn, có tới bốn trăm nhà ở, đều là họ Sử ở cả”.
Sau khi dạy võ nghệ cho Sử Tiến được nửa năm, “Vương Tiến cáo từ, Sử Tiến cố ý vật nài lưu lại, song Vương Tiến nhất định không nghe, bất đắc dĩ phải đặt tiệc tiễn hành, và đưa ra mấy tấm vải đoạn cùng hai trăm lạng bạc, để tặng Vương Tiến lên đường. Sáng hôm sau Vương Tiến từ giã… Sử Tiến bắt người gánh đồ hành lý, hết trong một ngày, đưa chân mẹ con thầy học, ra khỏi 10 dặm rồi mới bái biệt trở về”.
Đấy là chi tiết đầu tiên cho thấy cái sự “trọng nghĩa khinh tài” của Sử Tiến. Nhưng dù sao Vương Tiến cũng là thày dạy chàng tinh thông thập bát ban võ nghệ. Trò đối tốt với thày cũng là điều bình thường. Các câu chuyện sau này liên quan đến Sử Tiến mới thực sự làm nổi bật chân giá trị hảo hán của chàng ta.
Sử Tiến, lần đầu gặp Lỗ Đạt, chỉ nghe 1 lời, đã xuất tiền cứu người.
Sau khi giao chiến và bắt được “Khiếu giản Hổ” Trần Đạt – 1 trong 3 tướng cướp núi Thiếu Hoa cùng với bọn “Thần cơ Quân sư” Chu Vũ và “Bạch Hoa Xà” Dương Xuân, Sử Tiến định “hốt trọn ổ” rồi áp giải lên Quan một thể. Nhưng sau khi nghe bọn Chu Vũ- Dương Xuân khóc lóc bày tỏ sự tình “bị quan ức hiếp, bất đắc dĩ phải làm cướp kiếm ăn, tình thân ái nguyện cùng sinh cùng chết”, Sử Tiến lại động lòng: “Ba tên này nó có nghĩa khí với nhau như thế, nay nếu ta đem bắt mà giải quan, thì tất nhiên bọn hảo hán ở đời phải cười ta là người hẹp lượng, xưa nay thường nói, làm đấng anh hùng phải dung kẻ dưới…”.
Thế là Sử Tiến, trọng cái tình cái nghĩa của Trần Đạt, Dương Xuân, Chu Vũ mà tha cho bọn họ, thậm chí còn làm tiệc khoản đãi, kết thân thắm thiết. Sau đó, nhiều lần được bộ ba tướng cướp núi Thiếu Hoa tặng lễ vật vàng bạc, Sử Tiến cũng nhất mức tìm cách báo đáp lại: “liền sai người nhà đi mua gấm, đặt may ba cái áo, để tặng ba người. Cách mấy hôm sau áo đã may xong, Sử Tiến lại mua ba con dê béo, quay chín tử tế rồi cho đem áo gấm và dê béo vào trại, để tặng bọn Chu Vũ, Dương Xuân”.
Sau bị quan quân triều đình tróc nã vì kết giao với giặc cướp, mất cả cơ nghiệp, Sử Tiến từ biệt bọn Chu Vũ tới Vị Châu tìm thày Vương Tiến. Tại đây chàng gặp Lỗ Đạt, rồi tái ngộ Lý Trung. Trong tiệc rượu ở phố Châu Kiều, nghe được chuyện đời bị áp bức khổ nhục của cha con Kim Thúy Liên, Sử Tiến đã hành xử thế này: “Lỗ Đạt móc tay vào túi lấy ra lạng bạc, để trên bàn, rồi bảo Sử Tiến rằng: - Tôi có ít tiền quá, quan bác có đấy cho tôi mượn thêm một ít, rồi sáng mai tôi xin trả lại. Sử Tiến cười mà rằng: - Có thì bác lấy, đáng bao nhiêu mà nói chuyện trả. Nói xong, lấy một đỉnh bạc ra để trên bàn…”
Hoàn cảnh của Sử Tiến khi đó đã không còn là cậu ấm sống trong nhung lụa tại Sử Gia Trang mà là kẻ tội phạm, thân cô thế cô. Nhưng chỉ cần 1 lời của Lỗ Đạt – người lần đầu gặp mặt, chàng ta sẵn sàng xuất luôn 10 lạng bạc mà cứu giúp kẻ khốn cùng. Tới đây, cái tâm thế của kẻ hảo hán “trọng nghĩa khinh tài” của Sử Tiến mới thực sự rõ nét vậy.
Hạng Nhì: “Hô Bảo Nghĩa” Tống Giang
Tống Giang gia cảnh cũng thường, gọi là có chút của ăn của để chứ không phải giàu có gì. Chức vụ của chàng ta cũng chỉ là một Áp ti nhỏ nhoi ở huyện Vận Thành. Nhưng Tống Giang có biệt danh “Hô Bảo Nghĩa – người kêu gọi chính nghĩa”, “Cập thời Vũ – cơn mưa đúng lúc” chính là bởi dù không dư dả, chàng ta chẳng nề hà gì trong việc giúp người.
“Hô bảo nghĩa” Tống Giang, gia cảnh bình thường nhưng nổi tiếng cứu người giúp đời.
Chuyện ơn nghĩa với Tiều Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Lưu Đường, anh em họ Nguyễnkhi báo tin cho nhóm cướp sinh Thần Cương này biết chuyện bị triều đình tróc nã mà trốn thoát lên Lương Sơn, cho thấy rõ cái nghĩa khí của họ Tống, không cần phải bàn tới. Cái sự “khinh tài” của chàng được miêu tả rõ qua lần giúp đỡ mẹ con Diêm Bà Tích ở hồi 19.
Sau khi nghe chuyện éo le của mẹ con Diêm Bà Tích, Tống Giang chẳng nghi ngại gì mà đáp ngay rằng: “Các người theo tôi đến nhà hàng này, mượn bút nghiên tôi viết cho mấy chữ, mà ra nhà Trần Tam Lang bên đông huyện lấy quan tài. Khi viết giấy xong rồi, Tống Giang lại hỏi luôn rằng: - Nhà mụ có tiền nong gì để chi vào việc ấy chưa? Diêm Bà đáp: - Chẳng dấu gì Áp Ty, quan tài chưa có, thì làm chi có tiền nữa. - Nếu vậy ta cho mụ mười lạng bạc đây, để mà lo liệu. - Áp Ty có lòng thương thế, thì thực là cha mẹ tái sinh, xin được làm trâu ngựa để đền ơn lớn. Tống Giang gạt đi rằng: - Bất tất phải nói thế. Nói đoạn lấy ra một đĩnh bạc đưa cho Diêm Bà, rồi đứng dậy ra về”.
Rồi ở lần Lưu Đường tìm gặpTống Giang, đem thư và lễ vật tạ ơn cứu mạng, thì cách hành xử của họ Tống cũng rất mực “trọng nghĩa khinh tài” vậy: “Tống Giang bóc thư xem xong, lấy một lạng vàng và bức thư bỏ vào túi văn thư, ở phía trong áo, rồi bảo với Lưu Đường rằng: - Còn số tiền này hiền đệ bọc lại mang về, tôi không dùng đến... Được một lát mặt trời đã xế, Lưu Đường lại toan lấy tiền đưa cho Tống Giang. Tống Giang gạt đi mà rằng: - Hiền đệ nghe tôi nói: Bảy anh em các bác mới đến sơn trại đương cần tiền bạc để tiêu, và tôi đây trong nhà cũng đủ chi dùng, vậy tôi xin gửi lại ở đấy, rồi khi nào cùng túng, sẽ xin đến lấy…”.
Chưa hết, “Lưu Đường lại hết sức nói, Tống Giang nhất định không thu nhận, rồi gọi mượn bút mực của nhà hàng, và lấy một tờ giấy viết phong thư cẩn thận để giao cho Lưu Đường. Lưu Đường là người tính trực, thấy Tống Giang một mực thoái thác như thế, thì cũng không làm sao được, liền chịu phép gói vàng và bỏ cả phong thư vào bao cẩn thận…”.
Tống Giang thật đúng với câu thơ của Thi Nại Am ở cuối hồi 29 thế này: “Giang hồ nghĩa nặng tri âm. Hỏi chi tài mệnh thăng trầm về sau. Non cao nước vẫn còn sâu. Thân này xoay với bể dâu còn dài. Đất đâu lấp được miệng đời. Vàng đâu mua chuộc được người thủy chung?”.
Hạng nhất: “Hoa hòa thượng” Lỗ Trí Thâm
Cái sự xuất hiện của Lỗ Trí Thâm gắn liền với câu chuyện của Sử Tiến. Nhưng ngay từ lần đầu “ra mắt”, họ Lỗ đã cho thấy mình là bậc chính nhân quân tử, thấy chuyện bất nghĩa là ra tay cứu giúp, coi tiền bạc nhẹ như lông hồng. Hồi hai Thủy Hử truyện kể về việc Lỗ Đạt cùng Sử tiến Lý Trung đang uống rượu thì nghe được chuyện cha con họ Kim – Kim Nhị và Kim Thúy Liên bị ác bá Trịnh Đồ o ép đủ đường.
Nhưng Lỗ Trí Thâm, từ khi còn làm đề hạt đến lúc thành Hòa thượng, mới là đệ nhất “trọng nghĩa khinh tài”.
Họ Lỗ thấy chuyện bất bình bèn “móc tay vài túi lấy ra vài lạng bạc” rồi mượn thêm của Sử Tiến (1 đĩnh bạc – 10 lượng) và Lý Trung (2 lạng bạc), tất cả được chừng 15 lạng đưa hết cho Kim lão mà nói: “Tiền này cha con giữ để tiêu dùng, rồi thu xếp hành lý cẩn thận, để sáng mai tôi đến đây sớm, tôi sẽ bảo cách cho mà đi, xem đứa nào giữ lại được nữa?”.
Sau vì chuyện cha con họ Kim đánh chết Trịnh Đồ, thành tội phạm phải đi trốn lên núi làm sư, rồi lang bạt kỳ hồ, khí chất trọng nghĩa khinh tài của Lỗ Trí Thâm còn được đặc tả qua lần chàng cứu mạng huynh đệ Lâm Xung ở rừng Dã Trư. Thủy Hử hồi 8 chép rằng:
“Khi đi được 17, 18 ngày đường, Lỗ Trí Thâm dò biết là ở đó cách Thương Châu còn có dăm bảy dặm nữa, mà lại toàn là nơi đông đúc sầm uất, chứ không vắng vẻ như trước, thì trong bụng đã hơi yên vững, liền tìm vào một chỗ ngồi nghỉ và bảo với Lâm Xung rằng:- Từ đây đến Thương Châu đường xá đã đông vui, mà cũng không còn xa mấy nữa, vậy tôi xin từ biệt bác.
Lâm Xung bồi hồi cảm tạ mà nói rằng:- Bây giờ sư huynh có về, thì xin nói chuyện đi đường cho nhà tôi được biết, còn tôi đây nếu trời còn cho sống, thì tất nhiên có ngày trả nghĩa sư huynh.Trí Thâm lại lấy ra mấy lạng bạc đưa cho Lâm Xung, và lại đưa cho đám công sai mấy lạng mà dặn rằng:- Lũ bây đáng lẽ ta chém cổ đi rồi, nhưng vì ta nể mặt anh em mà tha cho đấy, vậy từ đây trở đi, chúng bay phải nên cẩn thận, đừng trở bụng chó má ấy ra nữa”
Khi làm Đề hạt của nả chẳng có là bao, Lỗ Trí Thâm vẫn dốc cạn túi và cũng chẳng nề hà gì chuyện sĩ diện mà vay tiền những người lần đầu mới gặp mà giúp kẻ khó. Rồi tới khi thành tội phạm phải đi trốn, tức hoàn cảnh còn thê thảm hơn nhưng họ Lỗ vẫn xem thường tiền bạc, đặt tình nghĩa lên hàng đầu. Đệ nhất hảo hán “trọng nghĩa khinh tài” chân chính, còn ai hơn được Lỗ Trí Thâm?
Ba đầu lĩnh… đáng khinh thường nhất Lương Sơn Bạc
Dưới lá cờ “Thế Thiên hành đạo” của Lương Sơn Bạc, có mấy người thực sự là chân hảo hán anh hùng? Mỗi người trong ... |
Những “cựu thù” bằng mặt không bằng lòng trên Lương Sơn Bạc
Lương Sơn Bạc thực ra gồm nhiều nhóm đầu lĩnh mà quan hệ thân sơ hoàn toàn khác biệt. Thậm chí có những người dù ... |