Nghề báo gian nan nhưng hạnh phúc! Chuyên mục Reablog xin trở lại vệt ký ức nhiều kỳ của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi anh có dịp chứng kiến sát gần cuộc chiến tranh ở Afghanistan vào năm 2002.
Năm 2002, Quân đội Mỹ mở cuộc tấn công chính quyền Taliban ở Afghanistan. Đó chính là cuộc chiến mở màn chống chủ nghĩa khủng bố sau vụ 11/9. Có hai nhà báo Việt Nam đã lên đường đến vùng đất ấy để viết về cuộc chiến tranh này: Nhà báo, nhà văn Như Phong và tôi.
Lúc đó, tôi đang giúp phụ trách nội dung tờ An ninh Thế giới Cuối tháng. Đúng đêm không quân Mỹ tấn công thủ phủ Taliban ở Kabul thì chúng tôi đang ở trong một ngôi nhà của người hồi giáo ở biên giới Pakistan và Afghanistan để tìm đường đi tiếp vào vùng chiến địa.
Phần 1: Visa Hồi giáo và Kinh Koran
Sau sự kiện 11/9 kinh hoàng, nước Mỹ không còn cách nào khác là tiến hành một cuộc chiến tranh tấn công Kabul, thủ đô đất nước Hồi giáo Afghanistan, nơi mà người Mỹ cho đó là sào huyệt của chủ nghĩa khủng bố. Osama bin Laden không trú ngụ ở đó sau sự kiện 11/9. Đương nhiên là vậy. Nhưng đó là thủ phủ của chính quyền Taliban mà bin Laden là một phần không thể tách rời của nó.
Tôi nhớ một buổi chiều, Tổng biên tập báo An ninh Thế giới, nhà văn Hữu Ước, hỏi tôi có thể đi cùng nhà báo Như Phong đến Pakistan rồi sau đó tìm cách đến Afghanistan để viết phóng sự về cuộc chiến sắp nổ ra không. Ông dự báo cuộc chiến sẽ xảy ra trong vài ngày tới.
Lúc đó, tôi đang giúp nhà văn Hữu Ước tổ chức và thực hiện tờ An ninh Thế giới Cuối tháng. Tôi đã đồng ý mà không một giây suy nghĩ. Tại sao lại là tôi chứ không phải ai khác? Vì tôi biết một chút tiếng Anh và vì tôi đã từng lang thang ở nhiều nơi trên thế giới. Chuyến đi này cần người có kinh nghiệm.
Báo An ninh Thế giới gấp rút chuẩn bị tất cả những gì có thể cho chuyến đi của chúng tôi. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của Báo từ ngày thành lập. Bộ phận hành chính trị sự của Báo mua ba lô, chuẩn bị máy tính xách tay, máy ảnh, tiền mặt đô la, thuốc men, mỳ tôm… rồi lo công văn giấy tờ, lo xin visa.
Trong khi đó, nhà báo Như Phong phải tập huấn cấp tốc cách sử dụng internet để gửi bài và ảnh. Tôi không tham dự khóa học ngắn giờ ấy vì nhân vật chính của chuyến đi đó là nhà báo Như Phong và chúng tôi cũng chỉ có một cái máy tính xách tay. Hơn nữa, nhiệm vụ của tôi là phiên dịch và có viết được gì thì viết chứ không bắt buộc. Bởi thế mà tôi chỉ mang theo một chiếc máy ảnh du lịch, dăm cái bút bi và một sấp giấy. Có lẽ tôi là phóng viên chiến tranh duy nhất trong thế kỷ 21 đã lên đường tác nghiệp với trang bị như thế.
Trong ngày đầu tiên, chúng tôi đến sứ quán Pakistan ở khách sạn Daewoo để xin visa, một nhân viên lãnh sự quán tiếp chúng tôi hờ hững. Ông tên là Moin Udin. Đó là người đàn ông da ngăm đen, cao to nhưng giọng nói và đôi mắt rất buồn. Phải chăng lúc đó ông đang mang mặc cảm về những người Hồi giáo của ông sau sự kiện 11/9. Tôi đoán thế.
Sau này chúng tôi trở thành bạn thân của nhau nhưng tôi cũng không một lần hỏi ông rằng phỏng đoán của tôi có đúng hay không. Ngày đầu tiên, ông không hứa hẹn gì với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ có visa. Ông bảo chúng tôi cứ về và trở lại vào ngày hôm sau.
Chiều hôm sau, chúng tôi trở lại sứ quán Pakistan. Tôi rất bất ngờ khi thấy nhà báo Như Phong rút trong túi áo khoác một cuốn Kinh Koran còn mới tinh khi bước vào cầu thang máy. Moin Udin bước ra tiếp chúng tôi. Ông sững sờ khi thấy trên bàn trước mặt chúng tôi là cuốn Kinh Koran. Rồi ông bước tới, cúi xuống và nâng cuốn Kinh lên. Ông xúc động hôn lên cuốn Kinh. Một nụ cười như quả trái mùa hiện lên trên đôi môi ông. Tôi thấy mắt ông rơm rớm.
Rồi như sực tỉnh điều gì đó, ông vội pha trà mời chúng tôi. Ông nói đó là loại trà đặc biệt nhất của người Pakistan. Rồi ông hỏi tôi muốn hút thuốc cứ hút. Và tôi, một kẻ nghiện ngập đầy thói xấu đã được lời như cởi tấm lòng. Tôi lấy thuốc ra hút trong chính căn phòng có một tấm biển nhỏ: Không hút thuốc. Khi thấy tôi liếc mắt ngượng ngùng nhìn tấm biển đó, Moin Udin mỉm cười và đứng dậy cất cái biển đi.
Moin Udin và nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Điều gì đã đổi thay thái độ của ông? Cuốn Kinh Koran hay là sự chia sẻ từ những người không cùng tôn giáo là chúng tôi trong lúc lòng ông đang hoang mang trống trải. Bởi lúc đó, dù chẳng ai nói ra điều gì thì những người Hồi giáo chân chính vẫn cảm thấy một nỗi đau buồn đôi lúc phủ ngập đôi mắt họ sau sự kiện 11/9. Họ nghĩ gì về chính phủ Mỹ, tôi không can thiệp và không bàn luận. Nhưng cái chết của hàng ngàn người trong tòa tháp đôi đã làm chúng ta và những người Hồi giáo chân chính nổi giận và đau đớn.
Moin Udin đã làm visa cho chúng tôi. Ông mang hộ chiếu cho chúng tôi nhưng đặt ở một góc bàn xa chỗ chúng tôi ngồi và nói, bao giờ chúng tôi uống hết cốc trà đặc biệt tự tay ông pha thì ông mới cho chúng tôi nhận visa. Chúng tôi ngồi uống trà và nói chuyện về Pakistan. Ông dặn dò chúng tôi nhiều điều. Đặc biệt là những hành xử thông thường để chúng tôi khỏi bỡ ngỡ và tránh được những phiền phức không cần thiết.
Ông còn dặn chúng tôi mỗi khi vào tiệm ăn ở Pakistan thì phải nói cho người nấu ăn biết để cho ít ớt thôi vì người Pakistan ăn rất cay. Ông có biết đâu rằng những người mà ông đang lo sẽ phải ăn những món cay của xứ sở ông lại là những kẻ ăn ớt như ăn rau ghém. Quả thực là như thế. Sau này ở Pakistan, khi thấy tôi gọi thêm ớt thì những người ở đó tròn mắt nhìn tôi. Họ không nghĩ lại có một xứ sở khác ăn cay nhiều hơn cả họ.
Trước khi rời sứ quán Pakistan, Moin Udin hỏi tôi có thể chuyển giúp ông một gói quà về cho vợ và hai cô con gái ông được không. Tôi nhận lời. Đó là một bọc xà phòng thơm ông mua ở Việt Nam. Khi biết tôi có nhận mang gói quà đó, đã có người khuyên tôi phải cắt từng bánh xà phòng ra không nhỡ trong đó có thuốc nổ hay ma túy gì thì làm sao. Tôi bật cười và phẩy tay. Nhưng suốt thời gian trước khi rời Việt Nam, người bạn kia không chịu từ bỏ lời khuyên ấy lại làm tôi có lúc lúng túng. Tôi cầm những bánh xà phòng thơm và thoáng một chút ngờ ngợ.
Sau này, tôi rất xấu hổ về sự ngờ ngợ ấy cho dù nó chưa phải là sự nghi ngờ. Sự thiếu lòng tin sẽ giết chết con người. Ngẫm lại chuyện ấy, dù là chuyện nhỏ mà cứ thấy lòng phảng phất nỗi buồn về chính bản thân mình. Khi chia tay, Moin Udin đưa chúng tôi ra tận cầu thang máy của khách sạn. Ông ôm chúng tôi rất chặt và nói: “Hãy cẩn thận, người anh em. Thánh Ala sẽ phù hộ cho người anh em”.
Chuyến đi đó, tôi đã giấu cha mẹ và các anh chị em tôi. Bởi chắc chẳng người thân nào của tôi lại muốn tôi đến nơi bom rơi đạn lạc như thế. Một đồng nghiệp lớn tuổi có vị trí đã ghé tai tôi và nói: “Thà chết bên cạnh một người đàn bà còn hơn chết ở một nơi vớ vẩn”. Lời khuyên ấy là thực lòng nhưng tôi đã quyết định thực hiện chuyến đi ấy. Và chúng tôi lên đường. Chỉ sau khi báo chí và truyền hình Việt Nam đưa tin về chuyến đi của chúng tôi thì cha mẹ, anh chị em và rất nhiều bè bạn của tôi mới biết. Tất cả đều lo lắng cho đến lúc chúng tôi trở về lành lặn.
Trẻ con gia đình Hồi giáo ở Afghanistan trên đường đi sơ tán. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều
Kể từ năm 1975, tôi đã có nhiều chuyến đi xa, nhưng chưa có chuyến đi xa nào lại có đông người tiễn như thế. Những đồng nghiệp của tôi ở Báo An ninh Thế giới đã tiễn chúng tôi và dúi cho chúng tôi nhiều thứ mà họ nghĩ chúng tôi sẽ rất cần khi đi chuyến đi này. Có người đã khóc.
Cùng lúc đó, một đồng nghiệp ở Hà Nội ngồi uống bia hơi và cam đoan chúng tôi sẽ khó mà trở về được. Anh ta tin cuộc chiến lần đó là một cuộc chiến tàn khốc hơn bất cứ cuộc chiến nào kể từ thế kỷ 20. Và những người đi vào cuộc chiến đó cầm chắc 1 sống 9 chết. Họ nghĩ tôi là kẻ dại dột.
Sau khi chúng tôi đi, có người hỏi Tổng biên tập Hữu Ước rằng, nếu chúng tôi trúng đạn không về được thì ông sẽ làm gì. Nhà văn Hữu Ước nói, nếu nhỡ có chuyện gì thì Báo An ninh Thế giới sẽ nuôi những đứa con chúng tôi đến lúc có công ăn việc làm và đề nghị Nhà nước công nhận chúng tôi là liệt sỹ. Những chuyện như thế, chúng tôi được nghe kể lại sau khi trở về.
Nếu chúng tôi nghe được những dự báo bi đát về số phận của chúng tôi trước khi đi thì liệu chúng tôi có dám đi không? Tôi phải xin thú thực rằng: Tôi không biết mình sẽ quyết định như thế nào. Vì không ai bắt chúng tôi phải đi chuyến đi này. Vì lúc đó đất nước chúng ta đã sống trong hòa bình được gần 30 năm rồi. Vì đời sống của chúng ta đã được cải thiện rất nhiều. Vì chúng ta đã và đang bắt đầu có thói quen hưởng thụ. Nhưng nghề và nghiệp là như thế.
Hơn nữa, tôi là kẻ luôn luôn khát vọng những chuyến đi xa. Tôi chưa bao giờ đắn đo hay từ chối một chuyến đi xa nào. Với tôi, đó cũng là một cách chống lại sự tẻ nhạt của một đời sống quá nhiều sáo mòn. Điều gì mà trái tim tôi hối thúc và vẫy gọi thì tôi làm. Được sống như thế thì có thất bại cũng chẳng có gì phiền muộn và ân hận.
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là chuyến đi Campuchia năm 1979, chỉ mấy tháng sau ngày Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Lý do của chuyến đi đó cũng giống với lý do chuyến đi Pakistan: Người ta cần một người biết tiếng Anh. Đơn giản là thế chứ chẳng có gì to tát cả. Đó cũng là một chuyến đi đầy nguy hiểm.
Hồi đó, tàn quân Pol Pot vẫn lẩn khuất bên những con đường quốc lộ ở Campuchia. Tôi phải mặc quần áo lính, mang súng AK báng gập. Trên chiếc xe U-oát chạy trên con đường nham nhở hố chống xe tăng từ thời Pol Pot, chúng tôi phải ngồi nhìn về phía sau để có thể phát hiện ra mình bị phục kích. Đã có những trận phục kích như thế.
Một người tôi quen biết (bạn của cha tôi) đã bị phục kích và hy sinh. Một quả đạn B40 đã làm nổ tung chiếc xe của ông. Ngày đó, thủ đô Phnom Penh vẫn còn hoang vắng vì người dân bị lùa ra khỏi thành phố vẫn chưa về nhiều. Đêm ngủ, chúng tôi phải để súng cạnh giường và mở sẵn chốt an toàn.
Đến sân bay Nội Bài, nhiều nhân viên hàng không đã nhận ra chúng tôi. Họ được thông báo về hai hành khách đặc biệt này. Họ vô cùng ân cần giúp chúng tôi làm thủ tục. Lần đầu tiên tôi được các nhân viên hàng không tận tình giúp đỡ như thế. Họ tiễn chúng tôi với gương mặt nhiều ái ngại và cảm thông. Hình như trong họ lúc đó có thấp thoáng một ý nghĩ rằng, hai vị hành khách này ra đi có thể mãi mãi không trở về...
(Còn tiếp)
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Người mẫu Hồi giáo trẻ làm nên lịch sử
Halima Aden, 21 tuổi, làm nên lịch sử khi trở thành người mẫu Hồi giáo đầu tiên xuất hiện trên tạp chí áo tắm Sports ... |
Học giả Qatar gây tranh cãi vì hướng dẫn đàn ông Hồi giáo đánh vợ
Học giả nổi tiếng người Qatar hy vọng mọi người sẽ hiểu "kỷ luật trong gia đình Hồi giáo" qua video dạy cách trừng phạt ... |
Cô gái Hồi giáo gây sốc khi lên truyền hình rao bán trinh tiết
Cô tự nghĩ tại sao mình phải quan hệ tình dục miễn phí với ai đó trong khi cô có thể vừa làm chuyện ấy ... |
Mỹ liệt Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố
Quyết định của Tổng thống Trump đánh dấu lần đầu Mỹ coi lực lượng quân sự của một quốc gia là khủng bố. |