3 lời khuyên khởi nghiệp của ông chủ Asanzo cho Startup Việt

Khởi nghiệp dựa trên thế mạnh sân nhà sẽ tạo điểm tựa cho các Startup Việt trước khi tiến ra thế giới, ông chủ tập đoàn Asanzo nhận định.

Việc chọn lựa đúng phân khúc khách hàng cùng với một chiến lược kinh doanh, tiếp thị và bán hàng đúng đắn đã tạo lập nên thương hiệu tivi Việt Asanzo của doanh nhân khởi nghiệp Phạm Văn Tam.

Là một doanh nhân khởi nghiệp nhiều trải nghiệm, ông chủ tập đoàn Asanzo đúc kết được nhiều bài học, lời khuyên dành cho các startup trẻ trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong việc xác định thị trường, lĩnh vực khởi nghiệp, làm việc với các nhà đầu tư...

Khai thác thế mạnh thị trường nội địa

Kết hợp được những điểm mạnh khởi nghiệp của bản thân cùng với thế mạnh của thị trường sẵn có là điều quan trọng, có khả năng đảm bảo được sự thành công cho dự án kinh doanh của các startup ở mức cao hơn. Cụ thể, ông Tam cho rằng Việt Nam hiện nay đang khá có lợi thế dành cho các bạn trẻ ở lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành sản xuất.

Tuy vậy, Chủ tịch tập đoàn Asanzo cũng nhận định nhiều doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp chưa tận dụng được lợi thế nông nghiệp của nước nhà, bên cạnh đó còn yếu trong khâu sản xuất, thiếu hụt sự gắn kết giữa các thành phần kinh tế.

Với một số doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng được về mặt chất lượng thì lại chưa biết cách xây dựng thương hiệu, lòng tin của khách hàng. Những người khởi nghiệp mới cần tận dụng được thế mạnh sân nhà và sự thấu hiểu thị trường để giải quyết được trúng và đúng bài toán khởi nghiệp bằng các sản phẩm có chất lượng.

Bên cạnh đó, các startup nên gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình với việc áp dụng phương pháp khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo, tìm kiếm những người cộng sự tốt và xây dựng mạng lưới cung ứng đạt tiêu chuẩn.

Ông chủ Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam sẵn sàng dành ra một khoản quỹ 5 triệu USD đầu tư cho các startup Việt tiềm năng ở lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất

Nghĩ lớn, nhưng hãy khởi đầu giản dị

Việc ưu tiên các thế mạnh “sân nhà” và khai thác thị trường nội địa không có nghĩa các công ty khởi nghiệp đừng bao giờ mơ mộng đến việc tiến ra thế giới hay không chuẩn bị kế hoạch cho việc mở rộng kinh doanh ra bên ngoài biên giới.

Suy cho cùng, khởi nghiệp là để giải quyết các nhu cầu có thật, vấn đề còn tồn tại của thế giới theo một phương pháp sáng tạo và có khả năng nhân rộng được. Các vấn đề chung của con người đôi khi không dừng lại ở biên giới một quốc gia mà luôn tồn tại ở những nhóm dân cư khác nhau cả về màu da lẫn ngôn ngữ.

Ông Phạm Văn Tam cho rằng nếu mục tiêu các nhà khởi nghiệp nhắm tới rộng và xu hướng toàn cầu hóa sâu thì khả năng dự án nhận được đầu tư sẽ cao hơn. Tuy vậy, các doanh nhân nên tiếp cận những nhà đầu tư trong nước trước khi tìm đến các quỹ đầu tư quốc tế. Ông chủ tập đoàn Asanzo nhận định tỷ lệ tìm được nhà đầu tư nước ngoài trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa nhiều.

Nhiều startup còn ham “mở chuỗi” khi chưa có một kế hoạch rõ ràng, đánh giá đúng sức mua cũng như nhu cầu từ thị trường và khả năng đáp ứng trên thực tế của doanh nghiệp. Tư duy toàn cầu nhưng các startup nên chọn địa bàn hoạt động một cách cụ thể, khi đã làm tốt, chắc chắn rồi mới nên tính chuyện mở rộng mô hình kinh doanh.

Chuẩn bị một bài thuyết trình xuất sắc

Các doanh nhân khởi nghiệp luôn phải trong tâm thế sẵn sàng thuyết trình, giới thiệu về sản phẩm, công ty, ý tưởng cùng kế hoạch kinh doanh của mình bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Vì vậy, việc có sẵn trong đầu một bài pitch (thuyết trình) dành cho các nhà đầu tư, công chúng và bất cứ ai quan tâm là một điều quan trọng.

Chủ tịch Asanzo cũng chỉ ra một lỗi cơ bản mà các doanh nhân khởi nghiệp trẻ thường mắc phải trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhà đầu tư là lỗi chủ quan, duy ý chí, luôn cho rằng ý tưởng, mô hình kinh doanh của mình là nhất...Vì vậy, ông Phạm Văn Tam cũng lưu ý các startup cần có một thái độ học hỏi tích cực, cầu thị, biết lắng nghe...

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Startup phải liên tục, bền vững

"Hãy làm sao để startup không phải là phong trào trong một lúc mà cần liên tục, dài hơi, bền vững", Phó thủ tướng nói.

Từ cô bé nghèo đến CEO hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng giúp các công ty, nhà lãnh đạo tìm kiếm lợi thế và tạo sản phẩm, dịch vụ khác biệt trên ...

Từ công nhân đến CEO startup công nghệ

Ứng dụng Around giúp tìm các dịch vụ xung quanh từ gần nhất đến xa hơn và là trang thương mại điện tử có thể ...

(https://startup.vnexpress.net/tin-tuc/goc-chuyen-gia/3-loi-khuyen-khoi-nghiep-cua-ong-chu-asanzo-cho-startup-viet-3669896.html)

/ Theo Phương Nguyên/VnExpress.net