3 bộ có ý kiến thẩm định, 2 tuyến metro TP.HCM được "cởi trói"

Vướng mắc về phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 tuyến metro của TP.HCM đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ‘cởi trói’.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM sáng nay cho biết, chiều qua đã nhận được văn bản thẩm định dự án điều chỉnh tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) của Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn hai dự án metro này, Bộ KH-ĐT đánh giá dự án có cơ sở thu xếp đủ nguồn vốn nước ngoài để thực hiện theo tổng mức đầu tư điều chỉnh thể hiện qua các cam kết của nhà tài trợ.

Như vậy, với kết luận này thì đây được xem là cơ sở để UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 từ 17.400 tỷ đồng lên 47.000 tỷ, và tuyến metro số 2 từ khoảng 26.000 tỷ lên gần 48.000 tỷ.

Bộ KH-ĐT vừa có kết luận thẩm định dự án điều chỉnh của 2 tuyến metro số 1 và số 2 đủ cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo

Bộ KH-ĐT lưu ý UBND TP.HCM cần đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác nhằm thực hiện dự án theo tiến độ dự án điều chỉnh.

Mới đây, tại buổi họp báo thông tin tình hình giao thông trên địa bàn TP tháng 10, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP kiêm chủ tịch Hội đồng thẩm định điều chỉnh 2 dự án metro cho biết rất ‘sốt ruột’ vì chờ đợi ý kiến của Bộ KH-ĐT.

Theo ông Lâm, nếu ý kiến của Bộ KH-ĐT thống nhất cơ cấu vốn mà TP trình thì trong tháng 10, Hội đồng thẩm định có thể hoàn tất công tác thẩm định và có thể duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 dự án.

Như vậy, với ý kiến trên, bước tiếp theo, hồ sơ sẽ được hoàn chỉnh để trình UBND TP, Ban thường vụ Thành ủy, rồi xin HĐND thành phố ghi vốn.

Tiếp đó, UBND thành phố sẽ duyệt vốn và làm thủ tục với Trung ương. Khi đó tổng mức đầu tư mới của 2 tuyến metro mới có giá trị pháp lý để bố trí vốn và ký lại hợp đồng vay.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trong lần thị sát tiến độ thi công tuyến metro đầu năm 2019

TP gửi công văn khẩn

Hôm 8/10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có văn bản khẩn cầu cứu Thủ tướng và các Bộ KH-ĐT, Tài chính vì lo ngại không kịp hoàn tất thủ tục trình HĐND TP ghi vốn vào kỳ họp cuối năm.

Theo quy định, tiến độ điều chỉnh các dự án metro cần phải có ý kiến của 3 bộ: Xây dựng (về thiết kế điều chỉnh), KH-ĐT, Tài chính (về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn).

Đối với dự án metro số 1, hiện đang tập trung toàn bộ nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình vào khai thác quý 4/2021. Nếu không thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh kịp thời trong tháng 11/2019 thì việc chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu chắc chắn dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tranh chấp, kiện tụng của các nhà thầu nước ngoài.

Đối với tuyến metro số 2, hiện đang ở giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án.

“Nếu không thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh kịp trong tháng 11, kế hoạch trao thầu, giải ngân các hiệp định vay của các nhà tài trợ sẽ không kịp thực hiện trước hạn cuối vào tháng 12/2020, dẫn đến nguy cơ các hiệp định vay sẽ không còn hiệu lực, dự án sẽ mất nguồn vốn và sẽ bị ngưng trệ” - báo cáo nêu rõ.

Trung tuần tháng 9, Bộ Xây dựng đã đánh giá nội dung của hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị - metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cơ bản đầy đủ các nội dung theo quy định.

Tuyến metro số 1 dài gần 20km với 14 nhà ga hiện đã hoàn thành được 67% tổng khối lượng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, sau nhiều lần điều chỉnh ngày về đích. Còn tuyến metro số 2 dài 11,3km hiện mới xây dựng tòa nhà điều hành và dự kiến đến năm 2026 mới hoàn thành.

Tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi hơn 81.000 tỷ đồng sẽ được chuyển giao về Hà Nội làm chủ đầu tư?
Nguy cơ ngừng thi công vì chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư
Metro Bến Thành - Suối Tiên có nguy cơ ngừng thi công, bị nhà thầu kiện
/ vietnamnet.vn