29 nghệ sĩ kiến nghị giải quyết cổ phần hóa Hãng phim truyện VN

29 người gồm đạo diễn, biên kịch, quay phim... ký đơn đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng có gần 40 nghệ sĩ nhưng chỉ 29 người ký tên vào văn bản mới nhất, do những người còn lại không có mặt ở Hà Nội, bận vào TP HCM và một số tỉnh khác mưu sinh. Ba năm nay, họ cho biết bị cắt lương, không có bảo hiểm, xoay xở nhiều việc khác nhau như làm quảng cáo, phim ngắn hoặc làm thuê ngắn hạn cho một số đơn vị. Hãng không còn nhận dự án mới do không có chủ quyền.

Biên kịch Phương Dung viết kịch bản phim truyền hình cho VFC, một số hãng phim trong Nam. Ngoài ra, chị bán hàng online để có thêm thu nhập. Quay phim Quốc Tuấn cho biết vì không có bảo hiểm y tế, nhiều nghệ sĩ mất hàng chục triệu đồng mỗi lần khám, chữa bệnh. Anh thuộc một trong số những trường hợp sang năm sẽ về hưu. "Tôi xác định tinh thần sẽ không có chế độ hưu trí. Tuy nhiên, tôi muốn lên tiếng vì những nghệ sĩ còn lại. Mấy chục nghệ sĩ đã sống không lương mấy năm nay", ông Tuấn nói.

29 nghệ sĩ kiến nghị giải quyết cổ phần hóa Hãng phim truyện VN

Các nghệ sĩ giăng nhiều khẩu hiệu ở trụ sở xưởng phim tại số 4, Thuỵ Khuê, Hà Nội hồi tháng 12/2019. Ảnh: VFS.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - cho biết đơn vị không có thẩm quyền giải quyết sự việc. Trong tuần sau, Cục sẽ có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị sớm xử lý vấn đề. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết chưa nhận được đơn kiến nghị của các nghệ sĩ.

Những bất cập ở Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài 5 năm nay, sau khi đơn vị mời chào cổ phần hóa năm 2016. Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm. Hãng hiện mang tên công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa hãng có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp. Sau kết quả này, công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn.

Tháng 4/2019, Phó Thủ tướng thường trực - ông Trương Hòa Bình - đã có văn bản kết luận yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư, xây dựng phương án củng cố, phát triển Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía nhà đầu tư chưa có động thái rút vốn, hoạt động của hãng phim đình trệ.

Trước khi cổ phần hóa, hãng có 80 nghệ sĩ, trong đó 60 người thuộc biên chế, 20 người ký hợp đồng ngắn hạn. Hiện tại, nhiều người đã nghỉ hưu, chuyển công tác nên còn gần 40 người thuộc biên chế. Các nghệ sĩ nhiều lần biểu tình, chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm. Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư dâng cao, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng phải cử thanh tra hòa giải.

Hà Thu

Cổ phần hoá Hãng phim truyện VN: Vivaso phải rút vốn trước thời hạn Cổ phần hoá Hãng phim truyện VN: Vivaso phải rút vốn trước thời hạn
Nhà đầu tư mới Hãng phim truyện VN: Có lại vì đất? Nhà đầu tư mới Hãng phim truyện VN: Có lại vì đất?
CPH Hãng phim truyện VN: Giờ nghệ sĩ mới kêu thì khó quá! CPH Hãng phim truyện VN: Giờ nghệ sĩ mới kêu thì khó quá!
/ vnexpress.net