Là thủ phạm giết người song David Williams "lật ngược thế cờ" khi nhận là nhân chứng, đưa ra lời khai đổ tội cho ông hàng xóm.
Mùa thu năm 1996, một nhân viên trông xe bị bắn chết tại nơi làm việc thuộc thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Trong nhiều tháng, việc điều tra vụ án không có tiến triển.
Khi bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc cướp tài sản, David Williams nói sẽ cung cấp thông tin về vụ giết nhân viên gửi xe trên để đổi lấy hình phạt nhẹ hơn. Theo David, John Miller, hàng xóm và là người quen lâu năm, đã thừa nhận giết người.
Nhà chức trách sau đó không tìm được vật chứng buộc tội John nhưng vẫn khởi tố về tội Cướp tài sảnvà Giết người vào tháng 6/1997, dựa trên duy nhất lời khai của David.
Trước và trong phiên xét xử, David hai lần rút lại lời khai và thừa nhận nói dối để đổ tội cho John vì mâu thuẫn cá nhân. Năm 1997, dù thiếu bằng chứng và nhân chứng chủ chốt phản cung, bồi thẩm đoàn vẫn kết án tù chung thân với John.
John Miller bị kết án chung thân vì lời khai gian dối của chính kẻ giết người. Ảnh: Jose F. Moreno. |
Năm 2002, David viết thư xin lỗi gửi tới mẹ của John, thừa nhận khai báo gian dối và giờ day dứt lương tâm. Trong thư, David nói đã giết người để tự vệ do bị nạn nhân bắn trước vì mâu thuẫn tiền bạc. John không biết và chưa bao giờ xuất hiện tại hiện trường.
Tại phiên kháng cáo với bằng chứng mới, David khai đã giết người. Nhưng sau khi bị công tố viên đe dọa bằng án tử hình, anh ta lại cố ý nói sai tình tiết chính của vụ án khiến yêu cầu kháng cáo không được toà chấp nhận. David sau đó bị kết án về tội Khai man, nhận án ba năm tù.
Trong lúc này, không nản chí, John vẫn tiếp tục gửi đi nhiều đơn kháng án lên tòa án cấp tiểu bang, liên bang, thậm chí cả tòa tối cao Mỹ nhưng đều bị từ chối với câu trả lời "việc đánh giá độ tin cậy của nhân chứng là nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn, không phải của tòa án".
Mùa thu năm 2011, tổ chức phi lợi nhuận Dự án Vô tội, chi nhánh bang Pennsylvania tiếp nhận hồ sơ vụ án của John. Nhân viên của tổ chức này đã lật lại lời khai gốc, từ đó phát hiện David nói còn một nhân chứng khác nghe thấy John nhận tội giết người, nhưng điều này là bất khả thi vì khi ấy người kia đang trong tù.
Với tình tiết mới, nhóm luật sư bào chữa lập luận rằng công tố viên năm ấy đã giấu không cung cấp thông tin có thể gỡ tội cho bị cáo, từ đó vi phạm vào án lệ Brady v. Maryland. Tới năm 2016, lập luận của nhóm luật sư bào chữa mới được tòa án liên bang chấp nhận sau khi bị mọi cấp tòa tiểu bang bác yêu cầu.
Ngày 12/6/2019, tòa liên bang ra phán quyết sơ bộ hủy bản án của John và yêu cầu trả tự do cho anh ta trong vòng 180 ngày. Công tố viên Philadelphia có thể kháng nghị bản án hoặc tái truy tố nhưng từ chối thực hiện cả hai quyền.
Ngày 31/7, phán quyết vô tội được phê duyệt, theo đó mọi cáo trạng với John đều bị bác bỏ.
Bước ra khỏi phòng xử án với bạn bè và người thân, John chia sẻ mọi thứ có vẻ rất "siêu thực". Người đàn ông ngồi tù oan 22 năm nói muốn hưởng thụ sự tự do trước khi tính tới chuyện khởi kiện đòi bồi thường.
Quốc Đạt (Theo Philadephia Inquirer, Washington Post)
50 phút ngồi tù - án phạt ngắn nhất trong lịch sử tại Anh
Shane Jenkins, 23 tuổi, bị thẩm phán ở Anh phạt 50 phút trong buồng giam để viết thư cho các nạn nhân bị thiệt hại ... |
Người đàn ông Mỹ đi tù oan 17 năm vì nạn nhân nhận diện nhầm
Phát hiện có người giống hệt mình, thậm chí cùng tên, Richard Anthony Jones đề nghị xét lại vụ án và được tuyên vô tội. |