Thai phụ 34 tuổi đến viện trong tình trạng nguy kịch cả mẹ lẫn con khi thai nhi đã thò 2 chân ra ngoài, nhịp tim rời rạc.
Thai phụ chuyển đến BV Sản nhi tỉnh Hưng Yên 4h30 sáng ngày 5/12 trong tình trạng đau bụng dữ dội ở tuần thai 37. Ối vỡ nước ối xanh bẩn, da xanh tái, niêm mạc nhợt, tim thai 70-80 lần/ phút, 2 chân thai nhi thò hết ra ngoài.
Sau khi tiếp nhận, bác sĩ trực đánh giá đây là ca đẻ phức tạp do cùng lúc đẻ non, ngôi ngược, sa chi, mắc cằm, tim thai suy. Nếu xử lý chậm trễ, sản phụ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngay lập tức, BV kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, quyết định lấy thai đường dưới bằng phương pháp Sonianop - đỡ đẻ ngôi mông.
Bé trai hồi phục tốt, tự thở, tự ăn sau khi chào đời |
Sau 5 phút, bé trai 2,9 kg chào đời, tuy nhiên bé không khóc, nhịp tim rời rạc, da tím tái. Bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Trưởng khoa Sơ sinh chỉ huy đặt nội khí quản, ép tim, bóp bóng, lập đường truyền qua tĩnh mạch rốn ủ ấm bé và đưa về khoa Hồi sức chăm sóc đặc biệt.
Cùng lúc, sản phụ có dấu hiệu băng huyết do sốc tâm lý, rau không bong. Các bác sĩ đã thực hiện bóc rau nhân tạo, dùng thuốc và các kỹ thuật chuyên khoa cấp cứu, sau 1 giờ, tình trạng sản phụ dần ổn định.
Sau hơn 1 ngày nằm viện, hiện sức khoẻ 2 mẹ con sản phụ đều tiến triển tốt. Mẹ đã có thể đi lại nhẹ nhàng, bé trai tự ăn, tự thở, không cần hỗ trợ của máy móc.
Thường từ tuần thứ 37 của thai kỳ, khi đi khám định kỳ, thai phụ sẽ được thông tin về ngôi thai.
Có 2 dạng ngôi chính là ngôi dọc và ngôi ngang. Mỗi dạng ngôi lại có nhiều kiểu khác nhau. Ngôi thai dọc gồm ngôi đầu và ngôi mông.
Ngôi đầu còn được gọi là ngôi thuận, biểu hiện bằng việc thai nhi nằm xuôi theo trục dọc của tử cung, đầu thai nhi hướng về phía âm hộ, mông thai nhi hướng về phía ngực mẹ. Đây là dạng ngôi thai thuận lợi cho cuộc sinh thường.
Tuy nhiên, cũng là ngôi đầu, nhưng bé không cúi tốt mà phần mặt, trán hoặc thóp trước trình diện ở eo trên khung chậu thì vẫn gây khó khăn khi sinh nở.
Ngôi mông còn gọi là ngôi ngược, thai nhi có tư thế ngược lại với ngôi đầu, gây khó sinh, thường gặp ở các ca sinh non. Thực tế cho thấy, tỉ lệ ngôi mông ở con so cao hơn so với con rạ.
Đa số trường hợp ngôi mông cũng phải sinh mổ. Tuy nhiên, vẫn có những ca ngôi mông có thể sinh thường, tỉ lệ khoảng 2%.
Ngôi thai ngang là tình trạng thai nhi nằm vắt ngang qua tử cung với phần lưng hoặc vai quay xuống dưới cổ tử cung. Nếu là ngôi ngang thì không thể sinh thường, bắt buộc phải mổ lấy thai.
Dù vậy, các bác sĩ sản khoa luôn khuyến cáo, dù được chẩn đoán là ngôi thai không thuận, thai phụ cũng không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là cần theo sát chỉ dẫn của BS để có xử lý kịp thời, phù hợp.
Việc xác định ngôi thai chỉ có ý nghĩa tại thời điểm thăm khám và sẽ còn biến đổi khi thai phụ chuyển dạ. Ngôi thai được xác định chắc chắn nhất là khi tử cung đã mở từ 2-3cm trở lên.
Với các trường hợp thai phụ được chẩn đoán ngôi thai, kiểu thai bất thường, cần được thăm khám định kỳ, khi thấy triệu chứng bất thường cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa kịp thời để tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.
Thúy Hạnh
Bé gái lớn lên trong bụng người mẹ hôn mê suốt 3 tháng
Chị Đặng Quỳnh Anh (Hà Nội) bầu 5 tháng bị tai nạn giao thông hôn mê, bác sĩ nuôi thai nhi trong bụng mẹ đến ... |