Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) với mức đầu tư 3,2 tỷ USD bị thu hồi khiến người dân chưa được đền bù âu lo.
Gần tháng qua, người dân thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) - nơi quy hoạch thực hiện xây Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô với tổng mức đầu tư gần 3,2 tỷ USD, sống trong thấp thỏm, khi hay tin dự án này bị thu hồi.
Quanh thôn, những ngôi nhà lụp sụp, một số căn bỏ hoang. Vườn tược trống trơn, trơ sỏi đá. "Nhà cửa ở đây đa phần đều xập xệ, không được sửa chữa suốt thời gian dài vì đất trong diện quy hoạch", ông Nguyễn Cao Ký (47 tuổi, thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm) nói.
Trong ngôi nhà khá tuềnh toàng, tường cũ kỹ, ông Ký bảo, gia đình có gần 700 m2 đất, vợ chồng xây ngôi nhà cấp bốn với gần 200 m2. Vườn trồng đủ cây trái, chăn nuôi gia súc. Hơn 10 năm trước, chính quyền bất ngờ thông báo khu này được quy hoạch làm dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô. Lúc ấy, vợ chồng ông hoang mang, nhưng lâu dần thì chấp nhận điều đó. Họ đồng ý sẽ đến nơi mới sống, cách đấy hơn 3 km, với diện tích đất hẹp gần 200 m2 được nhà đầu tư cấp.
Ông Ký âu lo khi chờ đợị nhiều năm để nhận tiền đền bù thì dự án dừng. Ảnh: Xuân Ngọc.
Tuy nhiên, giá đền bù giải phóng mặt bằng cùng các tài sản liên quan gia đình ông với chủ đầu tư chưa đi đến thống nhất. "Chúng tôi cũng muốn đi, nhưng họ chưa trả tiền nên phải nhập nhằng thời gian dài", ông chia sẻ và khẳng định nhận được tiền sẽ đưa gia đình đi ngay.
Ông nói, nơi mình đang sống vướng quy hoạch nên không trồng trọt, không chăn nuôi, không sửa chữa, cái gì cũng không. Thời gian dài chờ dự án để có một nơi ổn định, nhưng giờ lại rơi vào cảnh, "ở không được, đi cũng không xong, bởi khi dự án thu hồi tiền đâu ra mà trả, rồi lại rơi vào cuộc sống tạm bợ như thực tại", người đàn ông đặt hoài nghi.
Cách nhà ông Ký chừng 200 m, bà Lê Thị Cúc (49 tuổi) nói, người dân ở đây đã sống trong cảnh chờ đợi dự án triển khai một cách mòn mỏi. Khu này đã bị "treo" cả chục năm. Nhà bà cùng rất nhiều người xung quanh chưa nhận được tiền đền bù nên nấn ná ở lại. "Đất được cấp nhưng chúng tôi phải có tiền mới cất nhà", người phụ nữ phân trần.
Bà kết hôn với chồng, rồi về nơi đây sống, bốn người con lần lượt ra đời. Họ đào ao trồng sen, kết hợp nuôi tôm, cá với diện tích gần 3.000 m2. Mỗi ngày, gia đình thu nhập tầm 500.000 đồng đủ để trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn họ. Số còn lại, bà dành dụm. "Từ khi lập dự án tới nay, gia đình phải nhường đất để thực hiện, hồ nuôi phải bỏ hoang", bà kể lể.
Bà cho rằng, chính quyền cần có giải pháp phù hợp để người dân an tâm và sợ ổn định, vì họ loay hoay với dự án đã thời gian rất dài.
Trong khi đó, số đông người dân đã chuyển đến khu tái định cư. Ngoài ổn định cuộc sống, cơ sở hạ tầng tốt hơn, nhưng họ phải đối mặt nhiều lo ngại.
Nhận 520 triệu đồng từ tiền đền bù cùng mảnh đất gần 200 m2 ở khu tái định cư, gia đình bà Châu Thị Hưởng (53 tuổi) dựng nhà, rồi một ít để lại lo chi tiêu. Thoạt đầu, bà quay quắt nhớ nhà, thi thoảng ghé về thăm. Với bà, ở nơi mới thấy mọi thứ tốt hơn. Tuy nhiên, gia đình đối tình trạng thiếu việc làm.
Thuở còn ở nơi cũ, gia đình bà Hương có gần 3.000 m2 đất, họ canh tác làm nông, trồng cây. Các con bà xúm vào làm chung. Tuy nhiên, từ khi về nhà mới thì đất hạn hẹp, con trai và dâu buộc phải làm thợ xây, phụ hồ. Lúc công trình xong, họ phải tìm việc khác, hoặc ai thuê gì làm đó. "Chúng tôi chỉ mong dự án hình thành, rồi con cháu chúng tôi được tuyển vào làm, còn kiếm tiền chăm lo cuộc sống", bà Hưởng mong mỏi.
Ở khu tái định cư, gia đình bà Hưởng đối mặt nguy cơ thiếu việc làm. Ảnh: Xuân Ngọc.
Ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa nhìn nhận, dự án bị thu hồi sẽ đẩy người dân vào thế khó, bởi họ vừa mất đất, vừa chờ đợi ròng suốt 10 năm qua. Nhiều trường hợp đồng thuận bồi hoàn nhưng chưa nhận được tiền từ nhà đầu tư, buộc ở lại để chờ giờ rất sốt ruột, lo âu.
Theo lãnh đạo huyện, khoảng 500 hecta mặt đất lẫn mặt nước của 870 hộ dân và các đơn vị trong diện quy hoạch đã được thu hồi để giao mặt bằng thực hiện Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô. Trong đó, hơn 800 hộ đã di dời đến khu tái định cư. "Phần thu hồi sẽ rất khó trả lại cho người dân, vì họ đã được đền bù, rồi đến nơi mới", ông Hòa nói và cho biết, phạm vi thu hồi mà chưa thực hiện thì phải chờ ý kiến của UBND tỉnh để có hướng xử lý.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND Phú Yên cho biết tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành rà soát lại toàn bộ dự án, các vấn đề liên quan công tác đền bù giải phóng mặt bằng; chi phí chủ đầu tư... Ngoài ra, địa phương làm việc với chủ đầu tư để giải quyết một số vấn đề tồn tại khi rút khỏi dự án. "Phải có báo cáo cụ thể khi đấy mới có phương án chính xác, để giải quyết cho người dân", lãnh đạo tỉnh nói.
Trao đổi VnExpress, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên cho biết, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hồi đầu tháng 3. Với lý do, chủ đầu tư đã quyết định chấm dứt đầu tư vì gặp khó khăn về kinh tế.
Theo Ban quản lý, hôm 30/3, đơn vị có buổi gặp tập đoàn của Singapore xung quanh vấn đề doanh nghiệp này muốn đầu tư tại dự án. "Chúng tôi mới xuất phát từ làm việc, hai bên chưa thỏa thuận bất kỳ giao dịch nào", đại diện Ban Quản lý kinh tế Phú Yên nói.
Nơi triển khi dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, Phú Yên ngổn ngang sau 10 năm cấp giấy phép. Ảnh: Xuân Ngọc.
Dự án án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu hồi tháng 11/2007, với tổng diện tích hơn 535 hecta đất. Trong đó, hơn 400 hecta xây nhà máy, số còn lại dựng cảng Bãi Gốc - chưa tính phần diện tích mặt nước từ 500-1.000 hecta.
Nơi đây hình thành Nhà máy lọc dầu dự kiến 8 triệu tấn mỗi năm với mức đầu tư 3,2 tỷ USD do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, được liên danh Technostar Management (Anh) và Telloil (Nga) lập ra, làm chủ đầu tư.
Tại lễ động thổ nhà máy hồi tháng 9/2014, nhà đầu tư cam kết tích cự thực hiện dự án, với kỳ vọng hai năm sau sẽ khởi công dự án và dự kiến hoạt động năm 2019.
Tỉnh Phú Yên sau đó bàn giao 143 heta đất cùng di dời hơn 200 hộ dân trong khu vực đến khu tái định cư để chủ đầu tư triển khai xây nhà máy. Tuy nhiên, hai năm sau lễ khởi công dự án không thực hiện đúng tiến độ vì chủ nhà đầu tư gặp vướng về kinh tế.
Xuân Ngọc