Thời đại toàn cầu hóa, một bộ phim đa quốc tịch là chuyện thường ngày, với điện ảnh VN cũng vậy. Đã qua thời phim có bối cảnh ngoại phải dựng cảnh giả, hay việc sử dụng một vài người Nga đóng vai Tây, ngày nay những phim Việt có nhiều yếu tố ngoại ngày một tăng lên.
Cảnh phim “Truy sát” - phim có một số diễn viên ngoại tham gia. Ảnh do đoàn phim cung cấp. |
Khi diễn viên ngoại đổ xô vào phim Việt
Ngày trước, hình ảnh các “ông Tây” trong một số phim Việt về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ còn lạ lẫm với nhiều khán giả, thì nay số lượng diễn viên ngoại vào vai trong phim Việt ngày một nhiều hơn.
Đạo diễn Cường Ngô khi thực hiện chùm phim ngắn “Ngọc Viễn Đông” đã mời 2 người mẫu quốc tế là Richie Kul và Kris Duangphung tham gia 2 chương “Thuyền” và “Trăng huyết”. Richie Kul mang 2 dòng máu Trung Quốc - Thái Lan, là đại diện một công ty đào tạo và quản lý người mẫu hàng đầu tại Mỹ còn Kris Duangphung là người mẫu Đức, gốc Thái.
Một bộ phim rất hay về thế giới những người phụ nữ Việt tại Mỹ sống bằng nghề nail mang tên “Chạm” (Touch) của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh đã mời được John Ruby, vào vai Brenda (John Ruby), anh chàng thợ máy gặp trục trặc với cô vợ người Việt của mình...
Hay một cái tên đạo diễn Việt kiều quen thuộc - Dustin Nguyễn - có nhiều thủ pháp làm phim đa dạng khi thực hiện “Lửa Phật” đã mời bằng được diễn viên Roger Yuan, đạo diễn hành động Hollywood và là diễn viên của hàng loạt phim bom tấn như: “Shanghai noon”, “Lethal Weapon 4”, “Batman Begins”, “Black Dynamite”... vào bộ phim hành động giả tưởng đầu tiên của Việt Nam.
“Lọ Lem Sài Gòn” do đạo diễn Hàn Quốc Kim Guk Jin và đạo diễn Việt Nam Đỗ Mai Nhất Tuấn cùng thực hiện có sự tham gia của nam diễn viên Hàn Quốc Lee Min Woo vào vai nam chính Jun Oh. Phim còn có vai khách mời là cậu bé lai Việt nổi tiếng từ MV Gangnam Style - “Psy nhí” Hwang Min Woo. ...
Cảnh phim “Dạ cổ hoài lang” - phim có nhiều cảnh quay tại Mỹ. Ảnh do đoàn phim cung cấp.
Với tham vọng tạo nên “quả bom” phòng vé, nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh khi làm phim hành động “Truy sát” đã mời hẳn 3 diễn viên nước ngoài vào phim như Lâm Vissay (người Đức); Thiên Nguyễn (người Úc); Marcus Guilhem (người Pháp).
Rồi cô gái Hàn xinh đẹp Hari Won nổi lên từ chương trình truyền hình thực tế “Cuộc đua kỳ thú” và “Ơn Giời, cậu đây rồi” được đạo diễn Quang Huy chọn mặt gửi vàng vào phim “Chàng trai năm ấy”. Và phim kinh dị “Cô hầu gái” của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn vừa đoạt Bông sen bạc tại LHPVN lần thứ 20 có sự hiện diện của diễn viên người Pháp Jean Michel Richaud vai nam chính, sánh đôi cùng Nhung Kate trong phim...
Long lanh cảnh ngoại
Mùa phim Tết, bộ phim “Đích tôn độc đắc” (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) do Mega GS sản xuất cũng có một số cảnh quay tại Mỹ và dù chỉ có mấy ngày nhưng đạo diễn, phó đạo diễn, tổ chức sản xuất đều phải sang cùng các thành viên khác để thực hiện các cảnh quay, chưa kể phải thuê thêm người bản địa và thiết bị.
Trước đó vào dịp cuối năm, bộ phim Việt “Giấc mơ Mỹ” ra mắt có xấp xỉ 60% bối cảnh được quay tại 15 thành phố lớn ở California, Mỹ là dự án điện ảnh có nhiều cảnh quay nhất được thực hiện tại nước ngoài cho đến thời điểm này. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền tâm sự với truyền thông, vì muốn làm một bộ phim về cuộc sống và công việc của người Việt tại Mỹ nên không thể ăn gian bằng cách tự dàn dựng bối cảnh, thậm chí kịch bản cũng phải chỉnh sửa theo để phù hợp với các cảnh quay tại Mỹ”...
Khoảng 10 năm trước, việc đưa cả một êkíp làm phim sang Mỹ quay là chuyện “hái sao trên trời”. Hồi đó, phim Việt rất hiếm khi có cảnh quay ở nước ngoài (cảnh ngoại) mà nếu có thường họa sĩ sẽ tìm và dựng một bối cảnh na ná vì quay ở nước ngoài rất tốn kém, chưa kể chuyện xin visa không đơn giản.
Nhưng về sau, càng ngày càng nhiều phim Việt có cảnh ngoại và không còn chỉ là “thêm nếm”, gia vị cho phim mà trở thành bối cảnh vô cùng quan trọng. Như phim “Dạ cổ hoài lang” đại diện cho VN dự giải phim ASEAN lần thứ 20 năm nay của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Dũng “khùng”), có rất nhiều cảnh quay tại Mỹ và đoàn làm phim đã phải lặn lội sang cả bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ và đợi cảnh tuyết rơi để có những thước phim ăn ý nhất.
Lùi xa một chút, phim “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng có những cảnh quay khá công phu mùa tuyết rơi tại trời Âu.
Việc kết nối để có các cảnh ngoại trong phim Việt giờ đây cũng dễ dàng hơn trong thời đại toàn cầu hóa. Nhất là khi có những cái bắt tay hợp tác cùng sản xuất, cùng phát hành phim của các nhà làm phim Việt và Nhật Bản, Hàn Quốc. Minh chứng rõ nhất ở mảng phim truyền hình với các phim như “Tuổi thanh xuân 1 và 2” quay tại Hàn Quốc; “Khúc hát mặt trời”, “Người cộng sự” quay tại Nhật...
Ngoài ra rất nhiều phim truyền hình khác như “Khung cửa sổ mùa thu” quay tại Nga; “Bí mật tam giác vàng” quay tại Lào - Thái Lan; series phim “Trở về” được quay tại Lào - Thái Lan - Campuchia; “Hai phía chân trời” quay tại các nước Đông Âu; hai bộ phim lịch sử “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”, “Tình ca phố”, quay tại Trung Quốc, “Đô la trắng” được quay tại Thái Lan, “Đua nhau làm giàu” quay tại Mỹ, “Duyên trầu cau” quay tại Đài Loan...
Còn với phim truyện điện ảnh, bên cạnh Trung Quốc là mảnh đất quen thuộc như “Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong” (Nguyễn Khắc Lợi), “Vượt qua bến Thượng Hải” (Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ) thì “Âm mưu giày gót nhọn” (Hàm Trần), “Cali mùa hoa vàng” (Xuân Phước) quay tại Mỹ, “Duyên trần thoát tục” (Lê Cung Bắc) quay tại Ấn Độ; “Thầu Chín ở Xiêm” (Bùi Tuấn Dũng) quay tại Thái Lan...
Yếu tố “ngoại” đem lại gì?
Sự mới lạ bao giờ cũng là điều mà các nhà làm phim hướng tới. Các diễn viên ngoại, cảnh quay ngoại đã góp phần “đổi món”, đem tới hương vị lạ cho khán giả, nhất là khi các diễn viên VN và cảnh đẹp VN đã bị tận dụng đưa vào phim tối đa, thành nhàm chán.
Thực tế thì vai trò của diễn viên ngoại tốt hơn cảnh ngoại, nhưng nhìn bằng con mắt khắt khe thì cả hai yếu tố ngoại này cũng chưa đóng góp chủ yếu vào thành công của phim (nếu có), ngoại trừ một số phim, như “Tuổi thanh xuân” phần 1 - 2, khá hấp dẫn với khán giả không chỉ vì cảnh đẹp như mơ ở xứ Hàn mà vì các sao Hàn vai chính trong phim. “Âm mưu giày gót nhọn”, “hot” do đề tài về hậu trường showbiz gây tò mò với khán giả, chứ không phải do những cảnh quay ở Mỹ. Hay như trong “Chàng trai năm ấy”, diễn xuất của Hari Won rất sống động, tươi mát góp phần đáng kể vào thành công của phim...
Còn ở nhiều phim khác, diễn viên ngoại, cảnh ngoại mà kịch bản tệ, nội dung nhạt thì không đủ sức làm “nóng” phòng vé. Vì diễn viên ngoại đóng phim Việt chưa phải là sao, còn các cảnh đẹp ở nước ngoài thì thời nay nhiều khán giả đã có dịp tận mắt chứng kiến...
Một cái đích mà nhiều nhà sản xuất nhắm tới là cơ hội bán phim ra nước ngoài sẽ thuận lợi hơn nếu có nhiều yếu tố “ngoại”.
Nhưng nếu chỉ tốn tiền cho những diễn viên ngoại, cảnh ngoại mà không đầu tư mạnh cho chất lượng kịch bản cũng như nhiều khâu khác tạo nên sự đồng bộ cho một phim thì giấc mơ hội nhập vẫn mãi chỉ là viễn cảnh mù xa...
Tết 2018: Phim Việt sẽ đại bại vì quá an toàn? 9 bộ phim mới dự kiến đồng loạt ra rạp từ mùng 1 Tết Nguyên đán, trong đó có bốn tác phẩm của điện ảnh ... |
Nhạc phim nào được yêu thích nhất trên Zing Music Awards 2017? Năm qua, nhiều ca khúc nhạc phim thành công rực rỡ, từ đó thúc đẩy các nhà sản xuất đầu tư hơn cho phần âm ... |