Tôi giật mình khi khán giả xem xong một tập phim hài không nhận xét về nội dung hay diễn xuất của diễn viên mà chỉ săm soi rồi hét toáng lên khi diễn viên lộ nội y - Nhà biên kịch Chu Thơm – Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật nói.
Gần đây, hài nhảm liên tục được phát trên truyền hình và đặc biệt là trên mạng internet. Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng chúng vẫn liên tục ra đời. Nhiều người nói vui, hài nhảm giờ đây bùng phát như "nấm mọc sau mưa".
Nhà biên kịch Chu Thơm - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đã chia sẻ với VTC News một số quan điểm về vấn đề trên.
- Gần đây, series hài "Loa phường" đang gây ra những ý kiến trái chiều trên mạng. Với tư cách là một nhà biên kịch, ông đánh giá thế nào về loạt hài này?
Tôi có xem các tập phim của Loa phường và rút ra một vài đánh giá. Trước tiên về mặt kịch bản, nó chỉ là các tình huống trong nhà ngoài phố. Chuyện xoay quanh những nhân vật trong một xóm trọ với những va chạm trong cuộc sống đời thường. Mỗi tập phim một đề tài, không bài bản. Kinh phí làm phim rẻ nên không có ngôi sao, hoặc diễn viên chuyên nghiệp tham gia.
Ngôn ngữ của các nhân vật quá bình dân. Có nhiều từ trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng không dám sử dụng, nhưng các nhân vật trong series hài trên cứ vô tư nói. Họ không biết ngượng mồm nhưng người xem phải đỏ mặt.
Nó là một series hài nhưng không có nhiều dấu ấn của đạo diễn. Mọi thứ diễn ra một cách quá hồn nhiên. Diễn xuất của các diễn viên cũng rất nghiệp dư.
Tập phim mang tựa "Vụ hiếp dâm thần kì" của "Loa phường".
- Series hài trên dù không thực sự có chất lượng cao nhưng vì sao nó vẫn hút một lượng khán giả không nhỏ?
Chương trình nào thì khán giả đó. Những người làm nghề như chúng tôi sẽ không xem chương trình như thế này. Những khán giả có hiểu biết cũng rất ít người có thể xem hết một tập phim.
Tôi nghĩ, chỉ có những khán giả còn rất trẻ, tò mò, a dua, chưa có sự hiểu biết, chưa có trải nghiệm mới tìm thấy tiếng cười trong những tình huống hài như thế.
Tôi cũng có đọc các bình luận sau mỗi tập của series phim hài trên và giật mình. Các bạn ấy không bàn về nội dung phim, không bình luận về diễn xuất của diễn viên mà chỉ là những nhận xét kiểu: Cô này, cô kia xinh thế, thậm chí săm soi và hét toáng lên khi phát hiện có một diễn viên lộ nội y.
Đây là một điều rất đáng lo ngại. Vì những khán giả này còn quá quá vô tư và vô tâm, định hướng thẩm mỹ chưa rõ ràng.
Mặc dù cơ quan quản lý nhiều lần can thiệp nhưng hài nhảm vẫn xuất hiện nhiều như "nấm mọc sau mưa".
- Từ hiện tượng của "Loa phường", theo ông lý do nào khiến những series hài nhảm lại liên tục nở rộ?
Vì nó phù hợp với số đông công chúng. Những người sản xuất các chương trình hài nhảm còn “sống khoẻ” hơn những người làm nghệ thuật nghiêm túc. Và, theo quy luật có cầu thì có cung. Chính những người xem (có nhưng tập Loa phường đến 5 thậm chí 7 triệu views) đang nuôi sống những chương trình hài đó.
Chúng ta không thể lên án những người xem, bởi rất có thể họ không phải là những người xấu mà chỉ là những người không muốn trầm tư mặc tưởng, nghĩ sâu xa về chủ đề tư tưởng của một chương trình nghệ thuật. Họ chị cần xem những chương trình giải trí, xả căng thẳng, càng cười được nhiều cho thoải mái đầu óc càng tốt. Họ xem nhiều rồi thành nghiện hài nhảm lúc nào không hay, thậm chí còn quảng cáo cho bạn bè xem.
Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo rằng, những chương trình hải nhảm có tác hại chẳng khác gì thực phẩm bẩn. Nó không gây hậu quả ngay lập tức nhưng ngấm dần vào con người, đầu độc họ, để rồi đến một lúc nào đó, rất có thể họ sẽ hành xử như những nhân vật trong các chương trình hài nhảm kia.
Hài nhảm có thể sẽ khiến con người ta lệch lạc về thẩm mỹ và thói quen thưởng thức nghệ thuật.
Nhà biên kịch Chu Thơm
Hài nhảm có thể sẽ khiến con người ta lệch lạc về thẩm mỹ và thói quen thưởng thức nghệ thuật. Hài nhảm được phát rộng rãi trên mạng internet và thậm chí các các chương trình truyền hình. Sức tác động của nó lên người xem không phải là con số nhỏ, mà là hàng chục triệu người.
- Theo ông, những chương trình hài nhảm bị lên án nhiều nhưng sao nó không bị cấm?
Nhà sản xuất của các chương trình hài nhảm này đều có tính toán rất kỹ. Tác phẩm của họ không thực sự xuất sắc nhưng cũng không vi phạm vào những quy định cấm của nhà nước trong các hoạt động nghệ thuật. Các tình huống hài thường thô thiển nhưng cũng chưa tới mức vi phạm vào thuần phong mỹ tục.
Hơn nữa, dù bộ Thông tin và Truyền thông ra yêu cầu quản lý chặt chẽ các thông tin phát trên mạng nhưng điều này là rất khó thực hiện. Hàng giây hàng phút có bao nhiều thông tin, bao nhiêu clip được đưa lên, làm sao có thể kiểm soát hết. Các chế tài xử phạt của chúng ta cũng chưa thực sự nghiêm khắc và bám sát với thực tế.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ ý thức của mỗi người rất quan trọng. Những người làm công tác nghệ thuật cần phải khắt khe với mình hơn. Họ nên giới thiệu tới công chúng với những sản phẩm có chất lượng, chứ đừng mải mê chạy theo thị hiếu của một số công chúng dễ dãi.
Còn người xem cũng phải biết bảo vệ mình, tránh xa những chương trình không có chất lượng cao về thẩm mỹ. Đừng để những chương trình hài nhảm, những tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng đầu độc chính bản thân mình.
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
Tha thứ cũng phải có nguyên tắc
Người Việt Nam vốn bao dung và độ lượng, nhưng gần đây thì hình như chúng ta quên đi mất một điều, đó là muốn ... |
Hài tết ngày càng nhạt vì bị hài thực tế “cạnh tranh”?
Sau Táo quân giao thừa Tết Mậu Tuất, có nhiều ý kiến nhận xét chương trình “nhạt”, nhàm chán, thiếu sức hấp dẫn. Không chỉ ... |
Táo quân và thân phận “làm dâu trăm họ”: Có nên dừng chương trình?
Vừa qua, chia sẻ với truyền thông, nghệ sĩ Chí Trung, một trong những nhân vật trụ cột của dàn diễn viên thực hiện Táo ... |
Phim hài Tết ngập cảnh \'nóng\' phản cảm
Đoạn trailer của "Tỷ phú đè đại gia" bị chỉ trích là có nhiều chi tiết phản cảm. Đặc biệt, phân đoạn Quang Tèo xé ... |