Xã hội đen chỉ thực sự trở thành những băng nhóm nguy hiểm khi nó được sử dụng như một công cụ của nhóm lợi ích, khi nó trở thành vũ khí để cạnh tranh, thanh trừng nhau, khi đằng sau đó, là quyền lực chính quyền của một số quan chức thái hóa, biến chất.
Trong khi Thủ tướng yêu cầu phải “loại bỏ những băng nhóm xã hội đen đe dọa cuộc sống người dân và doanh nghiệp (DN)” thì tại Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nói đến những nhóm xã hội đen không còn chỉ vài ba ngàn bến xe, quán nước...
Đúng, xã hội đen, băng nhóm giờ đây không đơn thuần chỉ là “anh chị”, giang hồ, xăm trổ, dao kiếm với đối tượng là những đồng bạc lẻ bến tàu bến xe của những người dân nữa rồi.
Nói như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, các băng nhóm xã hội đen đã “chuyển hướng sang lấn chiếm đất đai, lấn chiếm đất công chứ không thèm đi ra chiếm đoạt vài ba ngàn theo kiểu ở bến xe bến cóc như ngày xưa nữa”. Và sự nghiêm trọng, tính nguy hại của nó, không đơn thuần chỉ là chuyện Chủ tịch Bắc Ninh có lần phải kêu cứu lên Chính phủ, hay gần hơn, thời sự hơn, “mafia Đà Nẵng” thao túng kinh tế, thao túng cả một số quan chức chính quyền. Sự nguy hại còn ở chỗ nó khiến một bộ phận chính quyền tê liệt, khiến người dân ngày càng mất niềm tin.
Chỉ mới hôm rồi thôi, trong vụ bắn chết 3 người ở Đắk Nông, có một chi tiết là doanh nghiệp đã sử dụng xã hội đen để trấn áp người dân tay không tấc sắt, đã mua sắm khiên dao, công cụ, bao đá để... cưỡng chế, trong khi đó là việc, là nhiệm vụ của chính quyền.
Thuê mướn xã hội đen, rồi hành xử luật rừng như xã hội đen, liệu DN có thể làm như vậy nếu không có sự im lặng hoặc thiếu trách nhiệm từ phía một số quan chức chính quyền?
Để có thể loại bỏ xã hội đen, vì vậy, phải bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi tại sao.
Tại sao “Vũ nhôm” lại sở hữu được nhiều nhà đất như vậy?
Tại sao xã hội đen lại có thể tung hoành như chốn không người?
Tại sao thế giới ngầm lại có thể đe dọa ngay cả một bộ phận hay một nhóm quan chức chính quyền?
Câu trả lời có lẽ ai cũng biết. Nó chỉ có thể tồn tại nhờ vào bộ phận không nhỏ những quan chức thoái hóa, biến chất. Nó nhờ vào sự cấu kết với những viên chức chính quyền. Nó gắn chặt với lợi ích nhóm. Và nó được chống lưng, được bảo kê. Xã hội đen chỉ thực sự trở thành những băng nhóm nguy hiểm khi nó được sử dụng như một công cụ của nhóm lợi ích, khi nó trở thành vũ khí để cạnh tranh, thanh trừng nhau, khi đằng sau đó, là quyền lực nhà nước của một số quan chức thoái hóa, biến chất.
Loại bỏ xã hội đen, vì thế, phải bắt đầu từ việc làm trong sạch bộ máy, loại bỏ, thanh trừng những kẻ bắt tay gầm bàn trong chính bộ máy.
Bắt Vũ “nhôm”: Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt
Bộ Công an vừa tiếp nhận bắt Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” – đối tượng bị truy nã bỏ trốn. Nhiều người dự ... |
14 ngày bỏ trốn của Vũ \'nhôm\'
Sau 14 ngày bỏ trốn, ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") đã bị Bộ Công an bắt giữ chiều 4/1. |