WHO cảnh báo thế giới đang cạn nguồn kháng sinh

Các nhà khoa học cho rằng với tình hình hiện nay, chúng ta sẽ sớm không còn đủ kháng sinh để chống lại các virus ngày một nguy hiểm, mạnh mẽ và có khả năng kháng kháng sinh cao hơn.

Tổ chức Y tế thế giới vừa đưa ra một báo cáo xác nhận rằng thế giới đang dần cạn kiệt nguồn kháng sinh có hiệu quả. Tốc độ phát minh ra kháng sinh của con người đang chậm lại so với sự phát triển của virus.

Tốc độ nghiên cứu kháng sinh của con người có dấu hiệu không bắt kịp với diễn biến phức tạp của virus

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói: "Sự đề kháng kháng sinh là một tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ toàn cầu, sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự tiến bộ của y học hiện đại. Chúng ta có nhu cầu cấp bách phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chống lại tình trạng kháng kháng sinh, bao gồm bệnh lao, nếu không chúng ta sẽ bị buộc phải trở lại thời kỳ mọi người lo sợ nhiễm trùng thông thường và có nguy cơ mất đi cuộc sống từ những cuộc phẫu thuật nhỏ".
Nhiều chủng virus gây bệnh lậu, lao phổi, các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi và nhiễm trùng đường tiểu, ngày càng có khả năng đề kháng cao hơn với kháng sinh hiện có. Điều này xảy ra do những biến đổi di truyền của virus mà căn nguyên chính là việc sử dụng sai hoặc "ngược đãi" các loại kháng sinh hiện có, khiến thuốc không những không diệt được mà còn tôi luyện cho virus mạnh mẽ hơn.
Tính đến tháng 5 vừa qua, có 51 loại kháng sinh và 11 chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh đang được phát triển. Con số này nhìn có vẻ dư dả so với tình hình hiện nay, nhưng rồi nó sẽ không còn đủ. Số thuốc mới thực sự được bổ sung vào kho dự trữ kháng sinh hiện hữu của nhân loại chỉ nhỏ giọt qua từng năm. Trong số thuốc mới cũng có quá ít kháng sinh đường uống – loại thực sự tốt hơn cho việc tiếp cận rộng rãi tại các cơ sở điều trị.
Để có đủ kinh phí cho việc phát triển các loại thuốc này, WHO và tổ chức Drugs for Neglected Diseases (Thuốc cho các căn bệnh bị bỏ quên) đã thành lập một "Quan hệ đối tác trong nghiên cứu và phát triển kháng sinh toàn cầu" với 6 quốc gia, bao gồm Đức, Anh và Nam Phi, đóng góp 67 triệu USD cho công tác phát triển kháng sinh.
Tuy nhiên, sản xuất ra thuốc chữa bệnh chỉ là một vấn đề. Việc đẩy mạnh y tế dự phòng, ngăn ngừa các bệnh dịch đang được WHO coi trọng hơn bao giờ hết.


http://nld.com.vn/suc-khoe/who-canh-bao-the-gioi-dang-can-nguon-khang-sinh-2017092115043471.htm

/ Theo A.Thư/nguoilaodong.com.vn