Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu ra đời sẽ hỗ trợ các NH đẩy nhanh số nợ xấu, từ đó sẽ tạo điều kiện cho NH trong việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng của mình.
Mặt bằng lãi suất cho vay đang giảm thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vậy đâu là những lĩnh vực được dòng vốn rẻ chảy vào mạnh nhất? Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng khẳng định, với Vietcombank, NH này đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, vốn ưu đãi đang tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Dư nợ của 5 lĩnh vực này chiếm gần 50% tổng dư nợ của cả NH.
Ông Phạm Quang Dũng |
Tuy nhiên, dư luận đang lo ngại dòng tiền chảy vào khách hàng lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi không biết lo ngại này xuất phát từ đâu. Nhưng tại Vietcombank, cách tiếp cận của NH vẫn nhất quán, khi ra quyết định cấp tín dụng bao giờ cũng dựa trên phương án kinh doanh của khách hàng để cấp vốn. Còn chuyện phân biệt “đại gia” hay không là câu chuyện khác. Hai nữa, trong quản lý danh mục, rủi ro tín dụng NH đều có giới hạn tín dụng cho từng khách hàng, ngành hàng, có yêu cầu TSBĐ… Với nhiều tiêu chí quản trị rủi ro như vậy, tôi khẳng định, việc tập trung cho vay đại gia không xảy ra tại Vietcombank.
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay của Vietcombank như thế nào?
Từ đầu năm đến nay các NH rất tích cực thực hiện chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các DN. Và Vietcombank là một trong những NH rất gương mẫu thực hiện chủ trương chỉ đạo này. Nhất là mới đây, NHNN đã quyết định giảm hai loại lãi suất là lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn đồng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Trên cơ sở đó Vietcombank cũng đã điều chỉnh hạ lãi suất.
Cụ thể, tại Vietcombank, lãi suất cho vay ngắn hạn đồng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến khoảng 6,5%/năm. Đối với khách hàng tốt quan hệ tổng thể với NH được tiếp cận với gói lãi suất cạnh tranh chỉ ở mức 5%/năm thậm chí còn thấp hơn.
Liệu lãi suất có thể giảm thấp hơn không, thưa ông?
Theo tôi, mặt bằng lãi suất hiện nay tương đối là phù hợp. Mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và duy trì trong thời gian tương đối dài. Điều này cho thấy hiệu quả trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN suốt thời gian dài vừa qua.
Mặt khác, xét trong tương quan giữa lãi suất và lạm phát cũng như lãi huy động và cho vay tức là cung và cầu nguồn vốn, tôi cho rằng mặt bằng lãi suất hiện nay hoàn toàn phù hợp với thị trường. Đơn cử như tại Vietcombank, lãi suất huy động 5,3%/năm, trong khi cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên là 6,5%/năm. Như vậy, margin NH chỉ 1-1,2%, chưa kể khách hàng tốt còn được tiếp cận vốn với lãi suất dưới 5%/năm. Dư địa giảm lãi suất cho khách hàng khó có thể giảm sâu. Vì nếu giảm nữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, an toàn của hệ thống NH.
Nói như vậy nhưng với tư cách là NHTM Nhà nước, Vietcombank tiếp tục tìm cách tiết giảm chi phí. Đặc biệt là kiểm soát chất lượng tín dụng một cách tốt nhất để tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro nhằm mục tiêu đảm bảo ít nhất duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay và phấn đấu giảm tiếp lãi suất đối với khách hàng có chất lượng tốt. Ngoài ra, Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu ra đời sẽ hỗ trợ các NH đẩy nhanh số nợ xấu, từ đó sẽ tạo điều kiện cho NH trong việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng của mình.
Nghị quyết 42 thúc đẩy các bên tăng cường mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Vietcombank sẽ triển khai hoạt động này ra sao trong thời gian tới?
Nghị quyết này tạo khuôn khổ pháp lý cho các NH mua bán nợ theo nguyên tắc thị trường mua nợ như được bán nợ dưới giá gốc… Đối với Vietcombank thì bất cứ khoản nợ nào cũng được phân tích đánh giá cụ thể rồi đưa giải pháp xử lý. Nếu như việc bán nợ được đánh giá là hiệu quả nhất thì NH mới chọn phương án đó. Còn không thì NH sẽ tính toán xử lý bằng các biện pháp khác. Nguyên tắc thu hồi nợ của NH đó là hiệu quả. Bất cứ phương án nào có thể giúp NH thu hồi vốn tốt nhất, chúng tôi sẽ lựa chọn trước.
Xin cảm ơn ông!