Nhà chỉ còn 2,8 tạ thóc, ông Hồ Sỹ Trân (Hà Tĩnh) vẫn quyết bán một nửa làm lộ phí cho con thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân.
Hôm nay là ngày truyền thống công an nhân dân, các thành viên trong gia đình ông Hồ Sỹ Trân (62 tổi, trú xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) nhận nhiều lời chúc mừng. Ông Trân có bốn con trai, một con nuôi, trong đó 4 người đang công tác tại các đơn vị công an và theo học trường cảnh sát, cậu út vừa đậu trường Sỹ quan Chính trị.
Sống ở vùng đồng chua nước mặn, gia đình ông Trân cũng như bao hộ dân xã Hồng Lộc đều nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào vài sào ruộng và buôn bán nhỏ. Vì khó khăn, nhiều thanh niên trong vùng khi tốt nghiệp phổ thông đã tha hương làm ăn, ít có điều kiện học lên cao.
Vợ chồng ông Hồ Sỹ Trân. Ảnh: Đức Hùng
Gia đình ông Trân những năm 2000 thuộc diện nghèo nhất xã. Trong căn nhà cấp bốn, tài sản quý nhất là chiếc xe đạp cà tàng và bộ bàn ghế cũ kỹ. Để lo cho sáu miệng ăn, ngoài thời gian mùa màng, ông phải đi phụ hồ. "Dù khó khăn, vợ chồng tôi luôn tâm niệm không để con cái dang dở việc học. Cũng may các cháu thấu hiểu được tâm tư của bố mẹ nên rất nghe lời", ông Trân nói.
Anh Hồ Sỹ Tích (31 tuổi, con đầu ông Trân, công tác tại Công an Hà Tĩnh) tâm sự, những năm học phổ thông, để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, anh đạp xe đi mua kem đá về bán lấy tiền mua sách vở. Nhiều lúc đi bán không kịp về nhà, anh mang theo cặp sách, để xe ngoài cổng trường rồi vào lớp học.
Năm 2005, anh Tích làm hồ sơ thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Do không có tiền, cả nhà lúc đó còn 2,8 tạ lúa, ông Trân quyết bán 1,4 tạ để lấy chi phí đưa con đi thi. "Hồi đó, tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ về trường cảnh sát, chỉ nghe nói vào đó rất khó, song bố mẹ không phải nuôi ăn học. Tự nhủ bản thân cố gắng, cuối cùng tôi đạt điểm cao vào trường", anh Tích nhớ lại.
Noi gương anh trai, hai người em Hồ Sỹ Tùng (26 tuổi) và Hồ Sỹ Tiến (21 tuổi) đều nỗ lực dùi mài kinh sử, tiếp nối anh đậu vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Anh Tùng đã ra trường, hiện đang công tác tại miền Bắc, anh Tiến là sinh viên khóa D41. Em út Hồ Sỹ Tâm (18 tuổi) vừa vượt vũ môn thành công, đậu vào Trường Sỹ quan Chính trị với số điểm 27,5 khối C.
Các thành viên trong gia đình ông Trân. Ảnh: Đ.H
Ngoài bốn con trai, gia đình ông Trân có một người con nuôi tên Trần Văn Huần (24 tuổi), hiện làm công an ở miền Bắc. Ông Trân kể, Huần là con một gia đình nghèo trong xóm. Năm 2010, Huần có nguy cơ bỏ học nên ông bàn với vợ và các con nhận cậu bé làm con nuôi, về ở với gia đình, chu cấp cho ăn học.
"Nhiều người thấy vậy bảo vợ chồng tôi dở hơi, lo cho các con chưa đủ mà còn đi lo cho người khác, song cả hai im lặng. Huần noi gương các anh, đậu vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Hiện nó làm xa, nhưng thời gian rảnh là sắp xếp về thăm gia đình, luôn quý trọng các người anh, em nuôi", ông Trân cho hay.
Từ khi các con trưởng thành, cuộc sống của vợ chồng ông Trân không phải đầu tắt mặt tối như trước. Người đàn ông 62 tuổi tâm niệm, trong cuộc sống, dù khó khăn đến đâu, nếu bản thân biết nỗ lực, làm gương phấn đấu cho con cháu thì khi về già tâm hồn sẽ thảnh thơi. "Tôi luôn bảo với các con, niềm vui sẽ đến khi chúng ta không ngừng cố gắng", ông nói.
Ông Trần Cao Sơn, Phó công an xã Hồng Lộc cho biết, vợ chồng ông Sơn là những nông dân chất phác, hiền lành, luôn được bà con chòm xóm quý mến. "Trước kia gia đình họ túng thiếu, ai thuê gì làm nấy để kiếm sống. Những người con rất ngoan, luôn nỗ lực vươn lên, nay đều trưởng thành và có cuộc sống tốt, là tấm gương cho nhiều người noi theo", ông Sơn nói.
Nhói lòng tâm sự của bà mẹ trẻ 21 tuổi ly hôn, vượt qua nỗi đau nuôi con một mình
18 tuổi có con, 21 tuổi ly hôn và nuôi con một mình, bà mẹ trẻ đã gắng gượng vượt qua khốn khó để nuôi ... |
Nghỉ việc 3 năm về quê nuôi con vì “tiền không kiếm nay thì mai, tuổi thơ của con chỉ có một”
Cho con ăn bốc, chơi với rơm rạ, ngủ trên bãi cỏ, chị Ngọc (Thanh Hóa) bị hàng xóm gán biệt danh “mẹ bẩn”. |