Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô mang số hiệu K-3 Leninsky Komsomol đã phục vụ hơn 40 năm với một tai nạn thảm khốc.
Đúng 60 năm trước, vào ngày 17 tháng 1 năm 1959, Hải quân Liên Xô đã nhận được chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên mang tên “Leninsky Komsomol”. Con tàu này đã gặt hái rất nhiều vinh quang nhưng cũng đã gặp một tai nạn thảm khốc khiến 39 thủy thủ thiệt mạng
Liên Xô quyết tâm đuổi kịp và vượt qua Mỹ
Các tàu ngầm hoạt động trong Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ có thể ở dưới mặt nước trong vài giờ và chúng thường phải nổi lên để tiếp không khí và sạc lại pin.
Sau Thế chiến 2, Hạm đội Liên Xô đang phát triển với tốc độ rất nhanh và cần có một loại tàu ngầm với hệ thống năng lượng có khả năng thực hiện chuyến hải hành dài ngày trên các đại dương.
Đến đầu những năm 1950, Liên Xô đã làm chủ được năng lượng hạt nhân, nhưng không ai biết lò phản ứng sẽ hoạt động như thế nào trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt. Ngoài ra, Liên Xô ở đây đóng vai trò kẻ đuổi bắt - Hoa Kỳ đã có các tàu ngầm hạt nhân Nautilus và Civulf đang hoạt động.
Tàu ngầm dự án 627 với lò phản ứng hạt nhân được đặt kỵ vào năm 1954, với sự tham gia của số lượng khổng lồ khoảng 350 doanh nghiệp quốc phòng. Dự án được bảo mật rất cao, chỉ có một vài quan chức cấp cao được phép tham gia vào quá trình thiết kế, chế tạo.
Yêu cầu kỹ thuật về con tàu được thay đổi và sửa chữa nhiều lần. Ban đầu, hải quân Liên Xô muốn trang bị cho tàu ngầm ngư lôi khổng lồ có đường kính 1,5 m và dài 25 mét với đầu đạn hạt nhân, để biến tàu thành phương tiện mang đầu đạn hạt nhân đến gần bờ biển đối phương và phá hủy các căn cứ hải quân.
Tuy nhiên giới lãnh đạo quân sự muốn trang bị cho tàu ngầm hạt nhân (APL) những vũ khí quen thuộc hơn như ngư lôi tiêu chuẩn với đầu đạn thông thường và hạt nhân. Do đó nhiệm vụ của tàu ngầm, đầu tiên được gọi là "K-3", đã thay đổi hoàn toàn, mục tiêu hàng đầu của nó là cần phải chiến đấu với tàu chiến và tàu ngầm địch thủ.
Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô K-3 Leninsky Komsomol
Dự án được các kỹ sư từ văn phòng thiết kế Malakhit ở Leningrad thực hiện, đã nhanh chóng tạo ra một con tàu độc đáo. Vào mùa hè năm 1957, tàu được hạ thủy, và đến tháng 9, tàu bắt đầu tiến hành các thử nghiệm tại nhà máy.
Gần như ngay lập tức sau khi hạ thủy, các chuyên gia kỹ thuật đã khởi động cả hai lò phản ứng lần đầu tiên. Trên tàu thực hiện nhiều thử nghiệm và cải tiến thiết bị mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Thân vỏ tàu được thiết kế với ưu tiên lặn dưới biển. Do hình thức đặc biệt này tàu được gọi là "cá voi".
Xét về đặc điểm tốc độ và độ sâu khi lặn, K-3 vượt trội so với người Mỹ. Nó tăng tốc dưới nước đến ba mươi hải lý và lặn xuống độ sâu hơn ba trăm mét. Kíp tàu ngầm bao gồm 104 thủy thủ, thời gian hải hành tối đa đạt kỷ lục hai tháng.
Leonid Osipenko, thuyền trưởng tàu ngầm lớp L có kinh nghiệm trong Hạm đội phương Bắc, đã được giao nhiệm vụ chỉ huy con tàu. Tất cả các thủy thủ đã trải qua một khóa thực tập tại nhà máy điện hạt nhân Obninsk ở vùng Kaluga.
Các thử nghiệm và chạy thử trên biển cho thấy còn nhiều thiếu sót trong thiết kế lò phản ứng hạt nhân. Do đó con tàu đã được hoàn thiện ngay trong các chuyến đi biển. Sau vài năm hiện đại hóa và cải tiến thiết bị, hệ động lực, vào tháng 1 năm 1959, K-3 cuối cùng đã được bàn giao cho quân đội.
Đóng góp lớn vào việc hoàn thiện công nghệ tàu ngầm hạt nhân Liên Xô
Tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ trực chiến đầu tiên vào năm 1961. Năm 1962, tàu đã di chuyển một quãng đường dài bên dưới lớp băng ở Bắc Cực. Chuyến đi này được dự kiến là có nguy cơ rủi ro lớn, bởi độ dày của lớp băng phía trên tàu ngầm đôi khi đạt tới 20 - 25 mét. Điều kiện băng tuyết gây khó khăn cho việc tìm kiếm vị trí để nổi lên mặt biển.
Ngoài ra, khả năng của các thiết bị định vị vô tuyến thời đó không cho phép đánh giá hoàn toàn đáng tin cậy về tình huống phia bên ngoài tàu. Và bản thân chiếc tàu rất "ồn ào", tiếng động từ các ốc vít, phản âm từ lớp băng dày tạo ra nhiều vấn đề về âm học.
Con tàu đã di chuyển gần như người mù, mà mỗi sai lầm nhỏ nhất đều có thể phải trả giá bằng cuộc sống của thủy thủ đoàn, nhưng họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Vào ngày 17 tháng 7 năm 1962, lần đầu tiên trong lịch sử hạm đội tàu ngầm Liên Xô, K-3 nổi lên gần Bắc Cực và cắm cờ tại đó.
Sau chuyến đi, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là ông Nikita Khrushchev đã tới thăm tàu. Tất cả các thủy thủ được trao giải thưởng nhà nước hạng cao, và K-3 được đổi tên thành "Leninsky Komsomol" để vinh danh tàu ngầm diesel M-106 của Hạm đội Phương Bắc, đã hy sinh một cách anh hùng vào năm 1943.
Sau thành công ở Bắc Cực, tàu tiếp tục được hoàn thiện. Lò phản ứng hạt nhân mới được thay thế, lắp đặt một tổ hợp dẫn đường hiện đại hơn, nâng cấp hệ thống điều khiển và phòng ngừa tai nạn.
Đến thời điểm này, đã có một số tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, kể cả tàu tên lửa, được trang bị trong hải quân Liên Xô.
"Leninsky Komsomol" vẫn được thử nghiệm, nhiều công nghệ đã được thực hiện trên tàu trước khi được lắp đặt trên các sản phẩm khác, ví dụ như các thiết bị cứu hộ khẩn cấp và phòng thủ chống ngầm mới đã được thử nghiệm, nhiều lớp vỏ khác nhau đã được kiểm tra.
Tuy nhiên, tình trạng tổng thể của tàu khá thảm thương, bởi việc thử nghiệm gấp rút rất nhiều hệ thống vũ khí, trang bị đã đẩy các hệ thống của tàu luôn làm việc ở mức tới hạn.
Tai nạn thảm khốc khiến 39 người chết
Mặc dù tình trạng tàu khá tồi tệ nhưng "Leninsky Komsomol" vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, các chuyến hải hành và tham gia tập trận.
Chỉ huy tàu ngầm hạt nhân K-3 "Leninsky Komsomol" Lev Zhiltsov và phó chính ủy A. Shturmanov bên lá cờ cắm ở Bắc Cực |
Vào mùa hè năm 1967, một trong những chuyến đi đã kết thúc bằng một thảm kịch lớn. Khi tàu trở về từ biển Địa Trung Hải, một đám cháy đã bùng phát do rò rỉ hệ thống thủy lực. Vụ tai nạn xảy ra ở ngoài khơi bờ biển Bắc Âu, khu vực Quần đảo Faroe, ở độ sâu năm mươi mét.
Khoang đầu tiên, trong đó có ngư lôi đầu đạn hạt nhân, bốc cháy. Vụ nổ sẽ dẫn đến ô nhiễm phóng xạ toàn bộ vùng biển Na Uy.
Chỉ trong vài phút sau vụ cháy, 39 thủy thủ đã chết. Những người sống sót đã tìm cách bịt kín hai khoang, không cho đám cháy lan sang phần còn lại. Tuy nhiên, khi cố gắng cân bằng áp suất thông qua hệ thống thông gió, khí carbon monoxide bắt đầu xâm nhập sâu hơn, mọi người trong khoang trung tâm bắt đầu bất tỉnh.
Đến lúc này, chiếc tàu ngầm không thể lặn ở dưới nước được nữa. Người chỉ huy đưa ra mệnh lệnh cho phép tàu nổi lên mặt nước. Trên đường quay về căn cứ, tàu di chuyển trên trên mặt biển với một lá cờ rủ như một dấu hiệu tưởng nhớ đến nhửng người đã thiệt mạng.
Các thủy thủ đã chết trên tàu "Leninsky Komsomol", được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể ở vịnh Zapadnya Litsa. Vì việc cứu sống hầu hết các thành viên đội tàu, chỉ huy tàu ngầm Yuri Stepanov và chính ủy (thuyền phó phụ trách công tác chính trị) đã được trao tặng Huân chương Sao Đỏ.
Sau vụ tai nạn, "Leninsky Komsomol" lại được sửa chữa và khôi phục hoạt động. Tàu ngầm vẫn hoạt động thêm hơn hai mươi năm, đến mùa thu năm 1987 nó mới được đưa ra khỏi hệ thống trang bị Hải quân và chờ đợi số phận của mình, hoặc là được tháo dỡ hoặc là trở thành một bảo tàng về những thành tựu của các kỹ sư và thủy thủ Liên Xô.
Năm 2005, tàu ngầm đã được chuyển đến xưởng đóng tàu Nerpa, tháo dỡ hệ thống năng lượng hạt nhân và thay thế bằng cách lắp đặt các mô hình của lò phản ứng.
Hiện nay, "Leninsky Komsomol" đã sẵn sàng để thực hiện chức năng bảo tàng, nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được cơ quan nào sẽ quản lý và vị trí neo đậu. Có thể xảy ra hai trường hợp: Một là con tàu sẽ ở lại trong khu vực Hạm đội Phương Bắc hoặc chuyển đến thành phố St. Petersburg.
Nhật Nam
Tàu ngầm tấn công hạt nhân mới nhất của Mỹ có gì đặc biệt?
Nhà máy đóng tàu Newport News của tập đoàn Huntington Ingalls Industries mới đây bàn giao tàu ngầm tấn công nhanh USS Indiana (SSN 789) ... |
Chỉ huy tàu ngầm Mỹ mất chức vì gọi 10 gái mại dâm
Travis Zettel thừa nhận có hành vi không phù hợp khi làm nhiệm vụ tại Philippines và bị chuyển sang làm công việc văn phòng. |
Tàu ngầm hạt nhân Anh tự lột vỏ
Sau chuyến hải trình 3 tháng trở về, tàu ngầm hạt nhân HMS Vengeance của Hải quân Anh đã bị lột khoảng 1/3 tấm chắn ... |