Người liên quan vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong không chỉ Hoàng Công Lương mà cả giám đốc, phó giám đốc Bệnh viện Hoà Bình.
Sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang điều trị lọc máu ở đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đồng loạt có biểu hiện nôn, ngứa, chóng mặt. Chín người sau đó lần lượt tử vong tạo thành sự cố y khoa lớn nhất ở Hòa Bình.
Cảnh sát khởi tố vụ án, nhận định nguyên nhân do nguồn nước cung cấp cho việc lọc, chạy thận nhân tạo không đảm bảo. Các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình. Hoàng Công Lương (bác sĩ khoa Hồi sức tích cực), Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) sau đó bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người.
Trong 12 ngày xét xử, Hoàng Công Lương phủ nhận tội danh, cho rằng chỉ làm công việc khám chữa cho bệnh nhân, không có trách nhiệm quản lý đơn vị.
Theo Lương, sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO không thuộc trách nhiệm của y bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày xảy ra sự cố, anh cũng không nhận được cảnh báo từ bên sửa chữa.
Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: Phạm Dự.
Tuy nhiên theo cáo buộc, Lương có chuyên môn, được đào tạo thực hiện lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Anh thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên biết cụ thể thời gian sửa chữa.
Lương cũng là bác sĩ duy nhất trong ba người được phân công điều trị cho bệnh nhân ở đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh chạy thận.
Ngày 29/5/2017, Lương ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại trong đơn nguyên để tiến hành lọc máu cho các bệnh nhân. Do vậy, anh phải chịu trách nhiệm chuyên môn trong ca điều trị hôm đó. Lương cũng có trách nhiệm biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng sau sửa chữa. Nhưng khi chỉ nghe điều dưỡng viên nói hệ thống đã sửa chữa xong, anh đã ra y lệnh điều trị.
Khi phiên xử đang diễn ra, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng không thể xử một người về trách nhiệm mà họ không được giao và "bác sĩ Lương có thể vô tội". Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình sau đó phản bác, nói việc đánh giá bị cáo Lương "có tội hay vô tội" khi vụ án đang điều tra "là can thiệp vào tính độc lập của toà án" và không mang lại sự thuận lợi trong xét xử nhân danh pháp luật.
Công ty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình. Ảnh: Phạm Dự.
Sau 12 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, TAND thành phố Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề như: những chứng cứ buộc tội, gỡ tội với bác sĩ Lương; xác định lỗi trong việc ra y lệnh, trước khi ra y lệnh có báo cáo lãnh đạo khoa hay không?, kiến nghị xem xét trách nhiệm nguyên giám đốc và khởi tố hai lãnh đạo bệnh viện...
Trong kết luận điều tra bổ sung lần một, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) đề nghị truy tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc bệnh viện) và Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư).
Cơ quan điều tra cũng giữ nguyên quan điểm xác định hành vi của bị can Lương đủ yếu tố cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Kết luận này sau đó bị VKSND tỉnh Hòa Bình trả lại, yêu cầu làm rõ một số vấn đề.
Một tháng sau, nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương bị khởi tố. Cùng ngày, cảnh sát quyết định thay đổi tội danh với bác sĩ Lương thành tội Vô ý làm chết người.
Nguyên giám đốc Trương Quý Dương. Ảnh: Nam Phương.
Ông Dương bị cáo buộc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra cấp dưới để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. Là giám đốc song ông không ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO để nhân viên tuỳ tiện sử dụng. Ông ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa nhưng không sâu sát kiểm tra để gây ra hậu quả làm 9 người chết.
Giữa tháng 9/2018, Công an Hòa Bình ra kết luận điều tra bổ sung lần hai, đề nghị VKSND tỉnh Hòa Bình truy tố sáu bị can song bị trả lại, yêu cầu điều tra thêm.
Hai tháng sau, Giám đốc Công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn bị khởi tố. Ngày 25/11/2018, Công an tỉnh Hoà Bình ra kết luận điều tra bổ sung lần ba, đề nghị truy tố bảy bị can. Như vậy, trong bốn tháng điều tra, nhà chức trách đã truy cứu trách nhiệm hình sự thêm bốn người.
Ngày 7/12/2018, VKSND tỉnh Hoà Bình hoàn tất cáo đề nghị truy tố Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.
Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, Đỗ Anh Tuấn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.
Vụ án được xét xử vào sáng 8/1.
Sự cố chạy thận 9 người chết ở Hòa Bình: Bộ Y tế, Sở Y tế Hòa Bình có "dấu hiệu buông lỏng"
VKSND tỉnh Hòa Bình cho rằng, có dấu hiệu buông lỏng việc kiểm soát chất lượng nước dùng để lọc máu thận nhân tạo nhằm ... |
18 gia đình nạn nhân xin trả tự do cho bác sĩ Hoàng Công Lương
Đại diện 18 gia đình nạn nhân (bao gồm cả những gia đình có người thân bị ảnh hưởng sức khỏe) trong vụ án liên ... |