Công chúng đã bị xỏ mũi khi truyền thông Mỹ gọi ông Trump là "con rối" của nhà lãnh đạo Nga. Trên thực tế, chính ông mới là người đang "chống Nga" mạnh mẽ nhất trên nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Trump có phải "con rối" của ông Putin?
Cuộc họp ngày 16/7 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo ra các phản ứng trái chiều trong công chúng.
Đối với những người ủng hộ hai nhà lãnh đạo và truyền thông Nga, hội nghị thượng đỉnh là một thành công lớn trong việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Còn đối với đảng Dân chủ - một số đảng viên Cộng hòa và truyền thông nước Mỹ - đây lại được coi là bằng chứng khác cho thấy ông Trump đã trở thành “con rối” của Tổng thống Putin.
Điều duy nhất mà cả hai nhóm trên đồng ý là việc Tổng thống Trump đã tìm thấy tiếng nói chung với người đồng cấp Nga. Nhưng vấn đề ở đây là cách nhìn nhận khác nhau, một bên coi đó là hành vi phản quốc, bên kia lại ca ngợi tài năng ngoại giao xuất sắc.
Tuy nhiên, theo tờ Al Jazeera, Tổng thống Trump cũng giống Tổng thống Putin ở chỗ ông nên được nhìn nhận và soi xét từ những hành động của mình, chứ không phải bằng lời nói.
Để giải thích cho lý do vì sao có thể khẳng định rằng nhà lãnh đạo Mỹ không hề là “con rối” của Nga, chúng ta có thể nhìn vào chính sách của ông về lĩnh vực năng lượng - nơi được coi là lợi ích quốc gia trọng tâm của Nga.
Cuộc chiến năng lượng
Dầu và khí đốt là vũ khí chính trị đối ngoại chính của Điện Kremlin cũng như là công cụ để đảm bảo ổn định đất nước. Giá dầu tăng mạnh vào những năm 2000 là một trong những yếu tố giúp cho nước Nga của Tổng thống Putin phát triển mạnh mẽ như hiện tại.
Khí đốt cũng là đòn bẩy chính mà ông có trên bình diện EU. Nga là nước xuất khẩu khí đốt chính cho châu Âu và hiện đang cung cấp 50% nhu cầu khí đốt cho lục địa này. Đường ống dẫn dầu và khí đốt cũng là một trong những công cụ chính để xuất khẩu năng lượng tới các quốc gia Trung Á, như Kazakhstan và Turkmenistan.
Nhưng đây cũng là điểm yếu trong hệ thống mà ông Putin vận hành. Nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng khi chiếm tới hơn 60% tổng xuất khẩu của cả nước.
Câu hỏi đặt ra là Tổng thống Trump đã làm gì để đánh vào điểm yếu của Nga? Trên thực tế, ông đã gây áp lực lên Saudi Arabia để tăng sản lượng dầu nhằm bù đắp cho việc Iran bị loại khỏi thị trường do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và giá dầu bị giữ ở mức thấp. Từ điều này, ông hy vọng Nga sẽ suy yếu thêm sau khi nền kinh tế vẫn đang chịu ảnh hưởng do sự sụt giảm giá dầu từ năm 2014.
Quan trọng hơn, ông Trump cũng yêu cầu châu Âu hủy bỏ Nordstream-2, một dự án đường ống dẫn khí nhằm tăng nguồn cung khí đốt của Nga cho Bắc Âu, đặc biệt là Đức. Nordstream là đứa con tinh thần của chính quyền Putin với tầm quan trọng lớn không chỉ về mặt kinh tế, mà còn là đòn bẩy để tăng sự ảnh hưởng của Nga trên khắp châu Âu.
Tổng thống Putin đã đầu tư rất nhiều nguồn lực ngoại giao, vận động hành lang và tài chính trong dự án. Trong nỗ lực ngăn chặn của mình, chính quyền Trump đang đi theo bước chân của người tiền nhiệm Obama, ông đã buộc Bulgaria phải hủy bỏ đường ống dẫn khí South Stream cung cấp khí đốt của Nga cho Nam Âu và Áo.
Mỹ đã phản đối châu Âu quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Lý do ông Trump muốn loại bỏ Nordstream là vì ông muốn giữ cửa cho khí hóa lỏng (LNG) tới được thị trường châu Âu. Tháng 6 năm ngoái, Ba Lan đã nhận được lô hàng LNG đầu tiên từ Mỹ. Một tháng sau, ông Trump đến thăm quốc gia này và chào hàng LNG trên bàn hội nghị của 12 quốc gia Trung và Đông Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
"Hãy để tôi trình bày một ý kiến quan trọng thế này. Mỹ sẽ không bao giờ dùng năng lượng làm công cụ ép buộc các bạn, và chúng tôi cũng không cho phép người khác làm như vậy", ông nói tại cuộc họp. Không khó để đoán xem “người khác” mà nhà lãnh đạo Mỹ nhắc đến là ai.
Mùa hè năm đó, các lô hàng LNG lớn đầu tiên của Mỹ đã đến Lithuania, Tây Ban Nha và Anh.
Sau đó, vào tháng 3 năm nay, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo rằng xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng gấp bốn lần từ năm 2016 đến năm 2017; xuất khẩu sang các nước châu Âu (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) tăng gấp năm lần.
Chỉ vài ngày trước khi hội nghị Helsinki diễn ra, ông đã chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc nhập khẩu khí đốt nước này, nói rằng đất nước của bà bị "giam hãm" với Nga.
Nếu cựu Tổng thống Barack Obama là người đưa ra tuyên bố như vậy, truyền thông Nhà nước Nga sẽ ngay lập tức đáp trả. Nhưng đã không có phản ứng phẫn nộ nào đối với tuyên bố của ông Trump, có lẽ bởi vì Điện Kremlin vẫn hy vọng nhà lãnh đạo Mỹ có thể thương lượng và thực hiện một số nhượng bộ về các biện pháp trừng phạt.
Tờ Al Jazeera lưu ý rằng, lý do không có bất kỳ thông tin nào trên truyền thông Mỹ về cuộc chiến năng lượng với Nga của chính quyền Trump là bởi sau tất cả, nó mâu thuẫn với câu chuyện mà họ đang rêu rao rằng “Trump giờ là con rối của Putin”.
Ngoài dầu khí, Nga cũng đang bắt đầu phải chịu tổn hại từ “cuộc chiến thuế” được phát động bởi chính quyền Trump (Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ năm của Nga).
Kim loại cũng là một phần quan trọng trong xuất khẩu của Nga và quyết định của Mỹ trong việc áp mức thuế 25% đối với nhập khẩu thép và 10% với nhôm là tin xấu đối với Nga. Những tổn thất mà các công ty Nga đang phải gánh chịu dù chưa quá lớn nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc chiến thương mại.
Từ Ukraine cho đến Syria
Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, người ta nghĩ rằng Tổng thống Trump đang quá nhượng bộ Nga, nhưng trên thực tế những bước đi gây tranh cãi đó đều nằm trong chính sách mà nhà tỷ phú này muốn hướng tới.
Iran - một điểm nhấn chính trong cuộc tranh luận giữa Nga và Mỹ - là một vấn đề mà ông Trump phải bày tỏ sự quan ngại với chính quyền Putin vì nó bao hàm rất nhiều mối quan tâm, không chỉ là hợp đồng an ninh lớn với các quốc gia vùng Vịnh mà còn là sự hỗ trợ chính trị cho Israel trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ở Syria, có vẻ như chính quyền Trump đang lùi bước, nhưng điều đó không phải vì ông chấp nhận cho Nga giành hết lợi ích ở đó. Tổng thống Mỹ ngay từ đầu đã muốn rút khỏi quốc gia Trung Đông sau khi ông tuyên bố đánh bại IS. Điều duy nhất giữ quân đội Mỹ ở lại là vì Lầu Năm Góc.
Về cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Trump dường như không có bất kỳ nhượng bộ lớn nào. Trên thực tế, vào tháng 1 năm nay, Mỹ đã bán các tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev – điều mà ngay cả chính quyền Obama cũng không muốn làm.
Nói cách khác, Tổng thống Trump không hề hành động như một con rối của ông Putin. Ông đang thể hiện mình như một nhà đàm phán đại tài, người có thể thương lượng với bất cứ ai - từ Putin tới Kim Jong-un - để có được một thỏa thuận tốt.
Tổng thống Mỹ là một doanh nhân bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực bất động sản. Trong loại hình kinh doanh này, người ta không quan tâm ai mua căn hộ penthouse miễn là họ thanh toán nhanh chóng. Một số căn hộ trong Tháp Trump, được bán cho cả những người gặp rắc rối về hình sự và có cả công dân Nga.
Do đó, sẽ không bất ngờ khi công chúng được thấy một Tổng thống Trump sẵn sàng giao dịch với bất kỳ ai, miễn là có được một thỏa thuận hấp dẫn nhất.
Tất nhiên, liệu chiến lược này có thực sự hiệu quả hay không vẫn còn phải đợi thời gian trả lời.
Lý do ông Trump tiếp tục đảo ngược tuyên bố ở thượng đỉnh Nga-Mỹ và ra đòn phản công
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lật ngược lại những tuyên bố ông đã nói tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ khi cho rằng ... |
\'Cơn cuồng phong\' Trump quét qua châu Âu
Trong một tuần công du châu Âu, Trump khiến các đồng minh quay cuồng với những phát ngôn gây mất lòng và hành động không ... |