Dù được cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) nhiều lần mời làm việc nhưng chấp hành viên Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Tây Hồ không làm việc, không cung cấp hồ sơ vụ việc.
Không làm việc với cảnh sát điều tra
Ngày 22.4.2017, NTNN có bài viết “Chi cục Thi hành án “làm ngơ” quyền lợi của đương sự” phản ánh việc chấp hành viên Chi cục THA quận Tây Hồ bị tố không thực hiện đầy đủ quy trình, ảnh hưởng đến quyền của đương sự trong việc bán đấu giá tài sản THA. Sau đó, Tổng cục THA dân sự đã có công văn gửi Cục trưởng Cục THA dân sự TP. Hà Nội yêu cầu kiểm tra nội dung Báo nêu, xem xét, giải quyết và chỉ đạo giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Hơn một năm sau, lãnh đạo Cục THA dân sự TP.Hà Nội mới có câu trả lời chính thức về vụ việc.
Tài sản thi hành án trong vụ việc là đất tại địa chỉ 149 Nghi Tàm, Hà Nội.
Nhiều lần cơ quan CSĐT đề nghị Chi cục THA dân sự quận Tây Hồ cung cấp hồ sơ vụ việc và mời chấp hành viên làm việc, nhưng chấp hành viên không làm việc cũng như không cung cấp hồ sơ.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cùng ông Nguyễn Trung Thành (đương sự vụ việc) cho biết ngày 24.7.2009, Công ty TNHH Thành Lan thế chấp mảnh đất tại địa chỉ 149 Nghi Tàm để vay 12 tỷ đồng tại ngân hàng. Sau đó công ty này không trả nợ đúng hạn, ngân hàng đã gửi đơn kiện đến TAND quận Tây Hồ. Ngày 16.9.2015, TAND quận Tây Hồ tuyên: Buộc Công ty TNHH Thành Lan phải trả cho ngân hàng số tiền gốc và lãi trong hạn vay. Trong trường hợp Công ty TNHH Thành Lan không trả được nợ, ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự xử lý tài sản thế chấp.
Quá trình THA, đương sự cho rằng chấp hành viên của Chi cục THA dân sự quận Tây Hồ là anh Nguyễn Bá Cường không thực hiện đúng quy trình, không tống đạt các văn bản, hồ sơ giấy tờ cho đương sự. Tại thời điểm này, Công ty TNHH Thành Lan, cá nhân bà Lan chứng minh được khả năng tài chính để thanh toán được khoản nợ. “Cơ quan định giá độc lập xác định giá tại thời điểm trước và sau đấu giá trong vòng 3 tháng là 22 tỷ đồng nhưng cơ quan thi hành án vẫn đưa tài sản ra đấu giá là 14 tỷ đồng. Trước đó, tôi cũng đã có đơn đề nghị tạm dừng đấu giá để có thể mua lại tài sản nhưng cũng không có phản hồi”- bà Lan nói. Đương sự đã khiếu nại và tố giác đến các cơ quan hữu quan về hành vi của chấp hành viên trong quá trình THA. Tuy nhiên, nhiều lần cơ quan CSĐT đề nghị Chi cục THA dân sự quận Tây Hồ cung cấp hồ sơ vụ việc và mời chấp hành viên làm việc, nhưng chấp hành viên không làm việc cũng như không cung cấp hồ sơ.
Nhiều lần khiếu nại bất thành
Làm việc với PV NTNN, ông Chu Quang Tiến – Cục phó Cục THA dân sự TP.Hà Nội đã đưa ra lời giải thích việc chấp hành viên “nhất quyết” không làm việc với cơ quan CSĐT sau khi bị đương sự tố. “Đơn của bà Lan ngoài gửi đến cơ quan CSĐT cũng đã gửi đến Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao. Cục Điều tra giao cho Viện KSND TP.Hà Nội. VKSND TP.Hà Nội đã rút hồ sơ gốc để kiểm sát. Ở đây thuộc thẩm quyền điều tra của Viện KSND Tối cao. Cục THA dân sự Hà Nội cũng đã báo cáo Tổng cục THA xin ý kiến có làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra hay không. Tổng cục THA cũng đã có văn bản trả lời thực hiện theo đúng quy định hoạt động tư pháp” – ông Tiến nói.
Theo thông tin ông Tiến cung cấp, Viện KSND TP.Hà Nội có công văn số 338/BC-VKS-11 có nội dung đơn khiếu nại tố cáo của bà Phạm Thị Tuyết Lan là không có căn cứ và không có dấu hiệu tội phạm trong hoạt động tư pháp. PV đã đề nghị được cung cấp bản photo báo cáo về vụ việc, tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục THA từ chối với lý do đây là văn bản “nội bộ”. Ông Chu Quang Tiến cho biết thêm, Chi cục THA Tây Hồ đã có trả lời giải quyết nhưng đương sự vẫn khiếu nại vượt cấp khắp nơi. “Quyền khiếu nại được thực hiện với từng giai đoạn, ví dụ quyết định cưỡng chế phải khiếu nại ngay, còn bây giờ khiếu nại đã hết thời hiệu. Khiếu nại hành vi của chấp hành viên phải do Chi cục trưởng giải quyết, nên Cục THA dân sự Hà Nội nhận được khiếu nại về chấp hành viên cũng gửi về yêu cầu Chi cục giải quyết theo đúng thẩm quyền, không phải chúng tôi trực tiếp giải quyết với đương sự. Trình tự của thi hành án làm rất chặt, không ai dám làm sai cả” – ông Tiến nói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan không đồng ý với lý giải này: “Chi cục THA dân sự quận Tây Hồ có giải quyết khiếu nại của tôi ngày 31.8.2016, trước thời điểm bán đấu giá tài sản THA. Cho rằng quyết định đó không thỏa đáng, tôi đã phải nhiều lần gửi khiếu nại đến Cục THA dân sự TP.Hà Nội nhưng chưa nhận được trả lời”. Hiện, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho biết đã làm đơn đề nghị tạm hoãn cưỡng chế thực hiện THA để các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện hành nếu cơ quan điều tra mời người có liên quan làm việc, họ có thể từ chối. Trừ khi vụ án đã được khởi tố, cơ quan điều tra sẽ có biện pháp dẫn giải. Còn đối với việc đấu giá tài sản THA, người phải THA có quyền tự nguyện THA, thỏa thuận với người THA, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung THA, được thông báo về THA. Cơ quan THA phải chứng minh được đã thông báo đến người phải THA hoặc thể hiện rõ đã niêm yết thông báo ở 3 nơi theo quy định pháp luật.
Luật sư: Nguyễn Khắc Thủy khó đủ sức khỏe thi hành án
Hiện tại ông Nguyễn Khắc Thủy đang rất yếu, chân đi không vững, hay bị tai biến nên khó đủ sức khỏe thi hành án. |
Nguyên thủ kho Chi cục Thi hành án dân sự rút tang vật đi cầm cố
Khi làm thủ kho vật chứng, Nguyễn Gia Vinh đã lấy chiếc điện thoại Vertu là tang vật vụ án hình sự trị giá khoảng ... |
Bắt giam kế toán trưởng Chi cục thi hành án \'thụt két\' 5 tỷ
Trong 3 năm, bà Trần Thị Thanh Hòa đã rút hơn 5 tỷ đồng là tiền gửi thi hành án, để sử dụng mục đích ... |