Chia sẻ với nỗi bức xúc của những nghệ sĩ khi họ không những bị tước đi những cơ hội làm nghề, mà phũ phàng hơn khi họ phải đối mặt với sự khép lại một quá khứ nghề nghiệp không chỉ của một hãng phim mà của cả một nền điện ảnh với lịch sử gắn liền với vận mệnh đất nước.
Bất ngờ giá trị đất vàng Hãng phim truyện Việt Nam |
\'Doanh nghiệp chỉ mượn danh cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam\' |
Những ngày qua câu chuyện cổ phần hóa VFS trở lên căng thẳng hơn bao giờ hết. Dường như những xung đột của các nghệ sĩ hãng phim truyện VN với chủ nhân thắng thầu cổ phần hóa hãng phim này là Công ty vận tải thủy (Vivaso) đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Đến mức Bộ VHTT&DL phải xuống tận VFS để giải quyết khúc mắc. Sau khi Hội ĐAVN vào cuộc tổ chức họp báo và kiến nghị lên Chính phủ thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cho thanh tra lại việc CPH này.
Vẫn biết việc CPH VFS được những người trong cuộc trong đó chủ quản là Bộ VHTT&DL cho rằng đúng quy trình thì dư luận tiếp tục dậy sóng. Nhiều luồng ý kiến phê phán đơn vị chủ quản của VFS đã vội vã và thiếu tính khách quan trong việc mở thầu CPH. Tập trung vẫn là sự phê phán cách hành xử của Vivaso trong việc thất hứa khi trúng thầu, thái độ ứng xử với các nghệ sĩ đặc biệt là mục tiêu của họ khi đầu tư vào VFS với mục đích không phải duy trì hãng phim mà là sử dụng những mảnh đất vàng. Cũng có ý kiến cho rằng việc xóa sổ VFS là đúng khi mà cơ quan này những năm gần đây không sản xuất được phim tốt. Số ý kiến này còn viện dẫn những thí dụ về phim đặt hàng tiêu tốn tiền tỷ ngân sách nhưng không bán được vé…
Ảnh:Vietnamnet
Là một biên kịch phim truyện truyền hình, tôi có những mối quan tâm đến các đồng nghiệp điện ảnh bằng một sự cảm thông, chia sẻ với nỗi bức xúc của những nghệ sĩ khi họ không những bị tước đi những cơ hội làm nghề, mà phũ phàng hơn khi họ phải đối mặt với sự khép lại một quá khứ nghề nghiệp không chỉ của một hãng phim mà của cả một nền điện ảnh với lịch sử gắn liền với vận mệnh đất nước. Hoàn toàn không phải cảm tính, việc CPH VFS để hãng phim này rơi và tay những ông chủ không liên quan đến điện ảnh, không có sự hiểu biết nghề nghiệp điện ảnh thực sự là một thảm họa.
Đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân, người từng mang vinh quang cho điện ảnh Việt ra tầm châu lục bằng bộ phim lừng danh “Đời cát” vốn là phó giám đốc VFS. Anh là một trong những nghệ sĩ nặng tình với hãng phim và đầy trăn trở với nghề. Khi nhìn thấy nguy cơ của VFS bị xóa sổ khi CPH, Nguyễn Thanh Vân đã rời bỏ mọi chức vụ ở hãng và là một trong những nghệ sĩ tích cực nhất trong việc đấu tranh để bảo vệ sự tồn tại của cái nơi gắn bó cả sự nghiệp của mình. Hoàn toàn có thể hiểu được nỗi đau của người nghệ sĩ này khi không chỉ anh mà còn đó cả gia đình anh đã gắn bó hai thế hệ với VFS. Cha anh, đạo diễn NSND Hải Ninh được khán giả nhiều thế hệ biết đến với những bộ phim tên tuổi: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”…Đạo diễn Hải Ninh thuộc lứa đạo diễn đầu tiên đặt nền móng cho nền điện ảnh Việt và ông từng ở vị trí giám đốc Hãng phim truyện VN từ 1984 đến 1994.
Một vài con số về VFS. Ảnh:Vietnamnet
Đạo diễn NSND Phạm Nhuệ Giang với các phim đầy dấu ấn “Bỏ trốn”, “Thung lũng hoang vắng”…dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn nặng lòng với cơ quan chị gắn bó cả đời. Phạm Nhuệ Giang là vợ đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Không chỉ thế cha chị đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa là đạo diễn của những phim đình đám một thời: “Kén rể, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”…Ông là giám đốc đầu tiên của Hãng phim truyện VN và mảnh đất số 4 Thụy Khê chính ông là người đã chọn lựa để làm nơi đặt trụ sở cho hãng phim. Kể ra những điều này để thấy những con người trong cuộc làm sao không đau xót cho số phận VFS, nơi gắn bó cả cuộc sống, sự nghiệp không chỉ của bản thân họ.
Tôi hoàn toàn đồng ý với việc CPH VFS bởi nó đúng với chủ trương của nhà nước với việc CPH các doanh nghiệp NN. Đất nước không thể mãi bao cấp cho các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Việc bao cấp làm phim như một định khoán cho VFS không chỉ đẩy sự đi xuống của một tên tuổi mà còn cho ra những sản phẩm định hướng khắt khe không phù hợp với thị hiếu và cảm thụ của khán giả. Lỗi không thuộc về những người làm phim bao cấp đặt hàng trong thời đại của phim thị trường bùng nổ. Đồng ý nhưng không chỉ mình tôi khó chấp nhận được cái cách CPH như Bộ VHTT&DL đã làm với Hãng phim truyện VN. Dư luận đã đặt dấu hỏi về sự vội vã và có dấu hiệu của sự độc quyền, vụ lợi trong phạm vi trách nhiệm của một số quan chức bộ này với việc CPH VFS.
Đã có nhiều ý kiến về sự cần tách bạch thương hiệu với giá trị đất đai của VFS trong khi CPH. Định giá thương hiệu VFS bằng không là một sự phủ nhận tàn nhẫn với những giá trị của một thương hiệu tên tuổi của một nền điện ảnh. Bằng không sao được khi chỉ tính những đầu phim của gia đình vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân còn tươi nguyên trong lòng khán giả. Khi kho tàng mấy trăm phim của VFS không chỉ sống cùng thời gian mà vẫn đang được khai thác trên các phương tiện truyền thông đến tận mai sau. Nếu họ, những người có trách nhiệm trong việc CPH VFS tách bạch được những giá trị của hãng phim này hẳn sẽ không phải nhận cái kết đắng như hiện nay.
Điều gì chờ đợi VFS?
Một thí dụ nóng hổi từ một hãng phim của đất nước Xô Viết cũ. Hãng Mosfilm. Đây là một tên tuổi của điện ảnh với rất nhiều phim kinh điển nổi tiếng thế giới và cũng sở hữu 35 ha đất vàng ở thủ đô Moscow. Năm 1991 hãng Mosfilm đứng trước nguy cơ bị cổ phần hóa doanh nghiệp. Các nghệ sĩ của hãng đứng đầu là CEO Shakhmazarov được sự hậu thuẫn của chính quyền đã tự mình cải cách vực dậy hãng phim và duy trì nó tồn tại đến nay trong vị thế của một hãng phim hàng đầu thế giới cả về lợi nhuận lẫn tác phẩm điện ảnh.
Dẫn Mosfilm như một bằng chứng của sự tồn tại những giá trị quá khứ nhưng tôi biết rằng cái kết của VFS thật khó sáng sủa. Chính phủ đã cho thanh tra lại việc CPH VFS và có thể có những can thiệp, các nghệ sĩ cũng sẵn sàng theo gương Mosfilm bằng cách liên kết mua lại cổ phần và Vivaso sẽ khó khăn trong việc sử dụng đất của VFS như họ toan tính thì sự đảo ngược là điều không dễ.
Tôi đã nói điều này với vợ chồng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Phạm Nhuệ Giang rất buồn quay mặt đi không trả lời còn Nguyễn Thanh Vân thì điềm tĩnh nhưng cũng không giấu được sự ưu tư, buồn bã. Anh bảo chúng tôi sẽ ra đi. Điện ảnh không chết và chúng tôi là những người làm nghề sẽ mãi sống chết với nghề. Tôi hiểu được tâm nguyện của những nghệ sĩ đích thực tài năng và tâm huyết. Họ sẽ tiếp tục sống và làm phim cho dù VFS bị xóa sổ. Chỉ tiếc quá khứ của của Hãng phim truyện VN của điện ảnh Việt sẽ bị khép lại một cách không thể đau đớn hơn. Thật buồn!
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/vfs-mot-su-khep-lai-qua-khu-dau-don-401333.html