Thủy thủ đoàn gồm 70 người trên tàu ngầm số hiệu 361 của Trung Quốc đã chết một cách kỳ lạ vào năm 2003. Nguyên nhân vụ việc vẫn còn là những giả thuyết tranh cãi.
Tàu 361 và tàu chị em trong Lữ đoàn tàu ngầm số 12.
Vào ngày 25/4/2003, một thuyền đánh cá Trung Quốc nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ - một ống kính tiềm vọng lơ lửng trôi nổi trên mặt nước. Các ngư dân đã thông báo cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) và hai tàu đã được cử đến để điều tra.
Ban đầu PLAN tin rằng đây là tàu ngầm xâm nhập từ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ nhận ra đó là một trong những chiếc tàu ngầm chạy bằng điện diesel lớp Ming có số hiệu 361 .
Ngày 26/4, khi tiến vào tàu ngầm, đội điều tra phát hiện toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 70 người trên tàu ngầm đã thiệt mạng.
Cựu Chủ tịch quân ủy trung ương Giang Trạch Dân đã chính thức thông báo thảm kịch trên vào ngày 2/5/2003 trong một sự tôn vinh các thủy thủ hy sinh và mô tả nguyên nhân do "trục trặc kỹ thuật".
Một tháng sau đó, kết luận điều tra đã dẫn đến việc bãi nhiệm cả chỉ huy và chính ủy của Hạm đội Bắc Hải, đồng thời có từ 6-8 sĩ quan bị bãi nhiệm và sa thải do “điều hành và ra lệnh thiếu chính xác".
Ông Giang và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lúc đó đã có cuộc thị sát chiếc tàu ngầm gặp nạn và gặp các gia đình của người quá cố.
Theo National Interest, Chính phủ Trung Quốc vẫn có tiền lệ là không công bố chi tiết về các vụ tai nạn quân sự nghiêm trọng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, một số nhà bình luận đã cảm thấy ngạc nhiên khi Bắc Kinh thừa nhận vụ việc này.
Chuyên gia Sébastien Roblin từ đại học Georgetown nhận định, tàu ngầm chạy điện diesel Type 035 lớp Ming của Trung Quốc là một thiết kế lỗi thời dựa trên nguyên mẫu của Liên Xô.
Hai chiếc Type 035 đầu tiên được Trung Quốc đóng vào năm 1975 nhưng vẫn dễ bị phát hiện khi so sánh với các thiết kế cùng thời của Nga và Mỹ.
Bản tin nói về thảm kịch tàu ngầm Trung Quốc vào năm 2003.
Ở thời điểm đó, mặc dù Trung Quốc vận hành nhiều tàu ngầm chạy bằng dầu diesel, nhưng do còn nhiều vấn đề về khả năng hoạt động nên họ hiếm khi mạo hiểm vượt ra ngoài vùng ven biển.
Tuy nhiên, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các tàu lớp Ming cải tiến vào những năm 1990. Tàu ngầm số hiệu 361 là một trong những mẫu Type 035G Ming III hiện đại hóa sau này, với khả năng tấn công tàu ngầm bằng ngư lôi dẫn đường.
Vào năm 1995, tàu 361 cùng tàu chị em 359, 360 và 362 đã lập nên Lữ đoàn tàu ngầm số 12 thuộc Hạm đội Bắc Hải đóng tại tỉnh Liêu Ninh.
Theo National Interest, tàu 361 khi đó đã được triển khai trong một cuộc tập trận hải quân ở biển Bột Hải và vịnh Hoàng Hải.
Một chi tiết đáng lưu ý là trên tàu có sự xuất hiện của sĩ quan hải quân cao cấp, Thiếu tướng Cheng Fuming.
Trong nhật ký hành trình cuối cùng được ghi chép lại vào ngày 16/4, tàu ngầm đang thực hành bài tập di chuyển yên lặng ở ngoài khơi đảo Changshang, sau đó quay trở lại một căn cứ ở Uy Hải, tỉnh Sơn Đông.
Tín hiệu radio bị tắt của con tàu khiến PLAN không nhận được bất kỳ thông tin nào cho đến 10 ngày sau đó. Ngay cả phương pháp tìm kiếm tàu 361 về sau này cũng không được phía Trung Quốc tiết lộ rõ ràng.
Một số thông tin ngụ ý rằng con tàu bị chìm, nhưng với việc nhanh chóng được kéo về cảng, có thể con tàu đã nổi lên khi được phát hiện.
Việc thiếu lời giải thích cụ thể về thảm kịch nghiêm trọng này đã khiến cho giới bình luận đưa ra nhiều giả thuyết trong nhiều năm.
Vụ tàu ngầm San Juan của Argentina gặp nạn gần đây thu hút sự quan tâm của cả thế giới.
Thông thường số lượng thủy thủ hoạt động trên tàu Type 035 chỉ trong khoảng 55-57 người nhưng khi đó tàu 361 có tới 70 người trên tàu.
Sự hiện diện của một số nhân vật khác cùng với sự xuất hiện của Thiếu tướng Cheng Fuming dẫn đến quan điểm nói rằng tàu ngầm 361 khi đó dường như đang làm một nhiệm vụ khác.
Một số nhà bình luận cho rằng thành phần sĩ quan có mặt thêm trên tàu là để quan sát hoạt động thử nghiệm Hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP). Quan điểm khác lại cho rằng, nước biển bị rò rỉ vào tàu thấm vào ắc quy, tạo thành khí clo chết người, đầu độc thủy thủ đoàn.
Tờ Nhật báo Sing Tao (Hồng Kông) thì tuyên bố tàu ngầm 361 đã bước vào một bài tập nguy hiểm và "lỗi của con người" đã khiến nó lao xuống biển một cách không thể kiểm soát và bị mắc kẹt tại đây.
Tuy nhiên, lời giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất đến từ tờ Wen Wei Po (Hồng Kông), nói rằng thủy thủ đoàn đã bị ngạt thở bởi động cơ diesel của tàu gặp trục trặc.
Tàu ngầm điện diesel thường phải nổi lên để lấy không khí và nạp điện, nhưng để tránh bị phát hiện, loại tàu này có thể vẫn lặn xuống và dùng ống thông hơi để lấy không khí. Ống được thiết kế để tự động đóng lại nếu mực nước quá cao.
Theo Wen Wei Po, tàu 361 đang vận hành thì ống thông hơi bị đóng lại hoặc không thể mở ra do trục trặc. Động cơ của tàu đã đốt cháy không khí chỉ trong vòng 2 phút, nhanh chóng khiến thủy thủ đoàn khó thở rồi mất dần ý thức.
Một bài báo năm 2013 của Reuters cũng nhắc lại giả thuyết này, đồng thời cho rằng, khí thải có thể đã bị dội lại trong thân tàu gây ra cái chết của toàn bộ người có mặt.
Tuy nhiên, dù là lời giải thích nào đi nữa, điều này cũng cho thấy những yếu kém của Trung Quốc trong vấn đề đào tạo và vận hành tàu ngầm.
Những tai nạn tàu ngầm gần đây cho thấy, mặc dù được coi là hệ thống vũ khí đáng sợ nhất trên hành tinh, tàu ngầm vẫn còn nhiều vấn đề rủi ro.
Chỉ cần một sai sót nhỏ trong điều hành hoặc trục trặc kỹ thuật có thể nhanh chóng biến tàu ngầm trở thành “quan tài nước”.
Chỉ có các tiêu chuẩn cao về bảo trì, sản xuất và đào tạo thủy thủ đoàn mới có thể ngăn ngừa những thảm hoạ thời bình gây ra, điều mà Hải quân Trung Quốc luôn thèm khát khi đẩy mạnh sự phát triển quân sự trong tương lai.
Sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Nga khiến khiến phương Tây nể sợ
Sự phát triển và đổi mới liên tục của hạm đội tàu ngầm Nga đã giúp đảm bảo an ninh tại các vùng biển của ... |
Tàu ngầm Nga đến gần bờ biển Mỹ “mà không bị phát hiện”
Một kênh truyền hình của quân đội Nga mới đây tiết lộ các tàu ngầm hạt nhân của họ đã bí mật tiến đến bờ ... |
Bên trong tàu ngầm hạt nhân tấn công tối mật của Mỹ
USS John Warner là tàu ngầm mới thứ ba trong biên chế hải quân Mỹ, sở hữu nhiều thiết bị và vũ khí tối tân. |