Khẳng định hoạt động của Uber, Grab bản chất là vận tải taxi của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đang gây nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều
Tại cuộc họp sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 8-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nêu rõ hoạt động của Uber, Grab bản chất là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện.
Taxi truyền thống ủng hộ
Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu ban soạn thảo nghị định phải soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan đến quản lý Grab, Uber. Uber, Grab là doanh nghiệp nước ngoài, kinh doanh ở Việt Nam phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam. Uber, Grab phải có trụ sở tại Việt Nam, có đăng ký kinh doanh, con dấu, toàn bộ hoạt động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Hoạt động của Uber, Grab đã khiến lượng ô tô trên địa bàn TP HCM tăng mạnh Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty Taxi Thành Công (Hà Nội), cho biết ông đồng tình với cách đặt vấn đề cũng như quan điểm của Bộ trưởng GTVT trong việc "nhận diện, định danh cũng như hướng quản lý Uber, Grab".
Theo ông Quân, kinh doanh vận tải taxi là kinh doanh có điều kiện. Chất lượng dịch vụ chỉ là một phần rất nhỏ trong điều kiện kinh doanh, quan trọng nhất là trách nhiệm bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách. Đã kinh doanh vận tải bằng ô tô, đương nhiên chủ doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm với khách hàng. Uber, Grab nói rằng chỉ cung cấp phần mềm nhưng thực tế lại can thiệp vào tất cả các khâu để điều hành kinh doanh vận tải, từ quá trình vận chuyển hành khách, điều hành khách, đánh giá chất lượng lái xe. Nếu Uber, Grab chỉ cung cấp phần mềm thì phải sang Bộ Công Thương hay Bộ Thông tin và Truyền thông mà đăng ký thí điểm và hoạt động, sao lại hoạt động và thí điểm bên Bộ GTVT.
"Quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể coi Uber, Grab là taxi công nghệ, tôi cho là rất đúng, minh bạch, rõ ràng. Từ đó sẽ có những chính sách bình đẳng để cho các DN cùng hoạt động, phát triển. Nếu "đặt tên" không đúng thì làm sao quản lý đúng được" - ông Quân nói.
Tương tự, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho rằng hoạt động của Uber và Grab trong thời gian qua đã tự tạo cho mình một thị trường kinh doanh riêng và các cơ quan quản lý nhà nước rất khó quản lý. Trong khi đó, các DN vận tải trong nước phải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Điều này đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông do lượng phương tiện qua Uber, Grab tăng đột biến. Đó là chưa nói đến hiện nay, đội ngũ tài xế của Uber, Grab không được đào tạo căn bản và không có cơ chế chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.
Uber, Grab bảo cân nhắc về ảnh hưởng tiêu cực
Trước quan điểm cho rằng Grab, Uber phải được quản lý như taxi, đại diện 2 DN này đều lên tiếng phản đối. Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, tỏ ra "hết sức quan ngại về phát biểu mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đưa ra".
Ông khẳng định nhiều người lựa chọn Grab bởi loại hình này tiện lợi, giúp di chuyển nhanh hơn và giá cả cũng minh bạch. Vì vậy, nếu đối tác tài xế của Grab bị ảnh hưởng thì sẽ kéo theo những yếu tố trên khó đạt được, đồng nghĩa đối tượng bị ảnh hưởng cuối cùng sẽ là người dân.
Grab Việt Nam không sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào mà đang hợp tác kinh doanh với đối tác là công ty vận tải, HTX, tài xế... Vì vậy, các đơn vị này cũng sẽ bị sụt giảm doanh thu nếu Grab bị buộc phải tiếp quản.
Mục tiêu của Grab không chỉ là nền tảng kỹ thuật số cho dịch vụ đặt xe công nghệ mà có tham vọng xây dựng cả một hệ sinh thái kết nối hàng loạt dịch vụ cho khách hàng, từ giao thông, giao nhận thức ăn, logistics cho đến ví điện tử giúp khách hàng có thể thanh toán cho các nhu cầu hằng ngày, ngoài nhu cầu di chuyển.
"Lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ hoàn toàn biến mất nếu chúng tôi bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh của các công ty taxi. Hệ quả kéo theo sẽ cực kỳ lớn…. Việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử khá phức tạp, cần suy xét, tham vấn cẩn trọng từ nhiều bên liên quan" - ông Jerry Lim đề nghị.
Tương tự, đại diện Uber Việt Nam cho biết Uber là một công ty công nghệ, không phải taxi hay công ty vận tải. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hiện đang sử dụng ứng dụng của Uber để kết nối tài xế và hành khách, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh chứ Uber không sở hữu xe và tài xế cũng không phải nhân viên của đơn vị.
Sự có mặt của các phương tiện sử dụng công nghệ đã giúp hạn chế người dân sử dụng hoặc sở hữu xe cá nhân, giúp giảm ùn tắc giao thông. Việc quản lý loại hình này như taxi hay công ty vận tải không chỉ là bước lùi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà còn có nguy cơ gây ra những hệ lụy tiêu cực.
Uber mong Chính phủ Việt Nam cân nhắc những ảnh hưởng tích cực mà công nghệ của Uber đã mang đến để có một khung pháp lý mới hiệu quả và thuận lợi hơn đối với các DN công nghệ đang hoạt động tại Việt Nam.
TS NGUYỄN XUÂN THỦY, chuyên gia giao thông: Cần chính sách công bằng Về cơ bản tôi ủng hộ chủ trương phải "nắm được gáy" để quản lý Uber, Grab nhưng nếu quản lý như taxi truyền thống là chưa hợp lý. Thực tế, là khách hàng, ai cũng thấy Uber, Grab đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu chúng ta áp đặt quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống, sẽ làm mất đi ý nghĩa ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động vận tải. Cơ quan quản lý nên tạo ra hành lang pháp lý công bằng cho các loại hình vận tải để họ cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển. |
Grab: Quản như công ty taxi là bước lùi của Việt Nam Theo Grab Việt Nam, việc định danh họ như một công ty taxi là "bước lùi" của Việt Nam ở thời đại 4.0. |
Phải coi xe Uber, Grab là taxi! Các phương tiện kinh doanh vận tải của Uber, Grab là taxi công nghệ cao. Do đó, phải coi xe Uber, Grab là taxi và ... |